Làm việc từ xa, tác động tiêu cực tới đời sống và sự nghiệp của Gen Z

Tuệ Nhi

(Dân trí) - Phần lớn người trẻ đã quen và chuộng hình thức làm việc từ xa. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng việc này có thể tác động tiêu cực đến cuộc sống và sự nghiệp của họ.

Làm việc từ xa, tác động tiêu cực tới đời sống và sự nghiệp của Gen Z - 1

Shannon Chin đã làm việc từ xa được một năm rưỡi. (Ảnh: The Wall Street Journal)

Trải qua 2 lần chuyển việc nhưng Shannon Chin (22 tuổi) vẫn làm việc từ xa tại nhà ở Toronto (Canada). Cô đã không gặp trực tiếp đồng nghiệp của mình trong suốt một năm rưỡi qua.

"Chúng tôi tắt camera trong các cuộc họp, nên tôi thậm chí còn không biết đồng nghiệp trông như thế nào", cô kể.

Theo tờ Wall Street Journal, có một bộ phận giới trẻ chưa bao giờ làm việc trực tiếp tại văn phòng. Họ ra trường trong thời kỳ đại dịch hoặc có việc làm ngay khi các văn phòng đóng cửa vì giãn cách. Nhiều người trong số họ, đặc biệt là Gen Z chuộng hình thức làm việc từ xa.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, những người lao động trẻ có thể bị ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống và sự nghiệp, do bỏ lỡ công việc tại văn phòng.

Theo dự báo của Cục Thống kê Lao động Mỹ, Gen Z sẽ chiếm gần 1/3 lực lượng lao động nước này vào năm 2030. Đáng chú ý là phần lớn đều không muốn làm việc toàn thời gian tại văn phòng.

Cũng theo khảo sát được thực hiện vào mùa thu năm 2020 bởi hai giáo sư Santor Nishizaki và James DellaNeve, 69% Gen Z muốn làm việc từ xa ít nhất một nửa thời gian. Hai vị giáo sư này đang viết cuốn sách về Gen Z và lực lượng lao động trong tương lai.

Nghiên cứu của các giáo sư cũng tiết lộ rằng, gần một nửa số người được hỏi thừa nhận đã rơi vào trạng thái lo âu, trầm cảm khi làm việc từ xa.

Làm việc từ xa, tác động tiêu cực tới đời sống và sự nghiệp của Gen Z - 2

Giới trẻ ngày càng chuộng hình thức làm việc từ xa, mặc kệ nỗi cô đơn và thiếu kết nối (Ảnh: The Wall Street Journal).

Làm việc tại nhà có thể khiến bất kỳ cũng cảm thấy cô đơn và lo âu, nhưng các chuyên gia cho biết, những tác động này rõ ràng hơn đối với Gen Z. Họ dành nhiều thời gian ngồi trước màn hình máy tính.

Tiến sĩ Nishizaki, trợ giảng tại Đại học Bang California, Los Angeles, cho biết: "Đây là nhóm có ít tương tác trực tiếp nhất khi trưởng thành. Thật ra, có mối liên hệ giữa trầm cảm và lo âu, đó là cách chúng ta liên tục so sánh mình với người khác, sau đó chỉ nhìn thấy phiên bản tốt nhất của mình trên mạng xã hội".

Theo Jeffrey Arnett, giáo sư tâm lý học tại Đại học Clark (Mỹ), tuổi trưởng thành (18-29 tuổi) là khoảng thời gian đặc biệt cô đơn trong cuộc đời của nhiều người, và làm việc trong văn phòng có thể giúp người trẻ xây dựng thêm các mối quan hệ với đồng nghiệp, bạn bè và đối tác.

"Điều đó có nghĩa là những người trẻ làm việc từ xa có thể bỏ lỡ không chỉ các mối quan hệ nghề nghiệp mà còn cả bạn bè và đối tác tiềm năng", Johnny C. Taylor Jr. - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hiệp hội Quản lý Nguồn nhân lực cho biết.

Làm việc từ xa, tác động tiêu cực tới đời sống và sự nghiệp của Gen Z - 3

Elizabeth Mooneyham thoải mái khi làm việc tại nhà (Ảnh: The Wall Street Journal).

Đối với Elizabeth Mooneyham (21 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học), sự cô đơn có thể len lỏi trong khi cô làm việc tại nhà. Cô sống một mình cách văn phòng làm việc khoảng một giờ lái xe. Cô nói: "Tôi đã không thể hình thành mối quan hệ với những người mà tôi đang làm việc cùng một cách dễ dàng. Tôi có thể bị cô lập rất nhanh nếu tôi không có sự chủ động".

Thách thức không nhỏ

Làm việc từ xa mang đến cho Gen Z những thách thức đáng kể trong công việc.

Ông Taylor cho rằng, những người trẻ không tới văn phòng làm việc thường lo ngại về khả năng xây dựng một mạng lưới chuyên nghiệp.

"Một ngày nào đó, một trong những người đồng nghiệp sẽ trở thành giám đốc điều hành hoặc thành viên hội đồng quản trị của một công ty nào đó, và bạn sẽ không có mối quan hệ thực sự với họ," ông nói.

Hơn nữa, làm việc từ xa cũng có thể dẫn đến khủng hoảng sự nghiệp của Gen Z. Do có ít kinh nghiệm làm việc và ít quyền lực trong công việc so với các nhóm tuổi khác nên họ thường lo lắng bản thân có đang đi đúng hướng hay không. Bởi vậy, họ có thể bị ảnh hưởng tâm lý bởi cảm giác lạc lõng, mắc hội chứng "kẻ mạo danh", theo Tiến sĩ Nishizaki và DellaNeve.

Francis Zierer (27 tuổi), nhân viên marketing tại một công ty phần mềm ở New York (Mỹ), cho biết: "Đôi khi công việc giống như một trò chơi điện tử kỳ lạ nào đó, tất cả đều nằm trong máy tính và không có thật. Cũng giống như nhiều nhân viên trẻ làm việc từ xa trong thời kỳ đại dịch, tôi đã trải qua cảm giác FOMO".

Chủ tịch của Hiệp hội Quản lý Nguồn nhân lực cũng cho biết, mối bận tâm của những người lao động trẻ về việc bị lãng quên không phải là không có cơ sở. Theo đó, cuộc khảo sát thực hiện vào năm 2021 của tổ chức này cho thấy 42% giám sát viên thừa nhận họ quên mất những người làm việc từ xa khi giao nhiệm vụ.

"Nếu tôi là người giám sát tôi sẽ giao nhiệm vụ cho người mà tôi vừa gặp ở hành lang hơn là những người "khuất tầm mắt". Vì vậy, bạn đang bỏ lỡ một số cơ hội quan trọng để chứng minh năng lực của bản thân", ông kết luận.

Đối với một số nhân viên trẻ, những người hiếm khi đến văn phòng, một chuyến "ghé thăm" nơi làm việc giúp họ có cái nhìn tổng thể hơn. Gần đây, Zierer đã có cơ hội gặp gỡ đồng nghiệp tại một không gian làm việc chung ở Manhattan (Mỹ). Mang theo sự mong đợi, anh đã đến sớm, chụp ảnh selfie, tìm chỗ ngồi thoải mái và tham gia cuộc họp.

"Nó đã mang lại cho tôi cảm giác được đi làm, có thêm nguồn năng lượng", anh hào hứng nói.

Mặc dù cô đơn nhưng Mooneyham đánh giá cao những lợi ích của việc làm việc tại nhà. Với hình thức này cô có thể xử lý mọi việc từ bất cứ đâu, có thể về thăm gia đình ở phía Bắc Alabama thường xuyên. Cô cảm thấy thoải mái khi họp, phản hồi năng suất công việc với quản lý và đồng nghiệp qua Zoom.

Làm việc từ xa, tác động tiêu cực tới đời sống và sự nghiệp của Gen Z - 4

Mooneyham cảm thấy thiếu sự kết nối với đồng nghiệp, nhưng vẫn "không thể hình dung nổi" việc phải đi làm toàn thời gian tại văn phòng (Ảnh: The Wall Street Journal).

Mooneyham cũng đang cân nhắc chuyển về sống ở gần công ty hơn để dễ dàng gặp gỡ, kết nối với đồng nghiệp. Tuy nhiên, cô cũng khẳng định bản thân không muốn làm việc toàn thời gian tại văn phòng.

"Nghĩ đến việc phải ăn mặc chỉnh chu để đến văn phòng, ngồi trước màn hình máy tính suốt nhiều giờ thì tôi thấy không thích hợp cho lắm. Thế hệ Millennials và Gen Z có lẽ đều có tâm lý làm việc để sống chứ không phải sống để làm việc", cô tâm sự.

Các chiến lược cần thiết

Tsedal Neeley, giáo sư Trường Kinh doanh Harvard và là tác giả của một cuốn sách về làm việc từ xa, tin rằng các công ty nên tìm các biện pháp động viên nhân viên trẻ, đặc biệt là trong môi trường làm việc từ xa.

Bà nói: "Những người trẻ đang xây dựng sự nghiệp, có ít kinh nghiệm đang mong muốn có cảm giác được hòa nhập". Nếu không có cảm giác kết nối, người trẻ sẽ chẳng muốn gắn bó với công ty và họ sẽ nhanh chóng rời đi.

Theo khảo sát của Bankrate trên hơn 2.000 nhân viên vào tháng 7/2021, hơn một nửa người Mỹ đã lên kế hoạch tìm kiếm công việc mới. Trong số những người được khảo sát, số lao động thuộc Gen Z nhiều gấp đôi so với thế hệ Boomers và Millennials.

Shannon Chin cho biết đôi khi cô gặp khó khăn để "ghi điểm" với cấp trên trong các cuộc họp trực tuyến, thường phải làm việc từ 10 giờ sáng đến 2 giờ đêm vì ranh giới mở giữa cuộc sống cá nhân và công việc.

Tuy nhiên cô vẫn chuộng hình thức làm việc từ xa để có thể chủ động sắp xếp các công việc cá nhân. "Việc để nhân viên trẻ tự lựa chọn giữa việc đi làm hay làm tại nhà rất có lợi, miễn sao họ hoàn thành tốt công việc được giao".

Theo www.wsj.com