6 điều người trẻ nên làm để có một mối quan hệ lành mạnh
(Dân trí) - Điều quan trọng cần nhớ là không tồn tại một mối quan hệ hoàn hảo. Mọi mối quan hệ đều có sự pha trộn của cả đặc điểm lành mạnh và không lành mạnh.
Vậy các bạn trẻ đã đưa ra những lời khuyên như thế nào để xây dựng một mối quan hệ lành mạnh?
Thẳng thắn chia sẻ
"Chia sẻ để chúng ta hiểu nhau hơn, biết nhau nghĩ gì và muốn gì. Một mối quan hệ lành mạnh cần có giao tiếp để đề xuất những điều mình muốn hay đối phương muốn. Chứ không phải cứ suy nghĩ "tự hiểu đi" rồi đến khi người ta không hiểu lại giận dỗi.
Sẽ có những khi mình buồn, mình không ổn. Đối phương sẽ thắc mắc và quan tâm, lúc ấy cần lắm sự chia sẻ. Vì khi một trong hai người gặp vấn đề, rất cần một buổi nói chuyện nghiêm túc để cả hai có thể hiểu nhau hơn", Tuấn Anh nêu quan điểm.
Đồng quan điểm với Tuấn Anh, bạn Thanh Hương (20 tuổi, Hà Nội) cũng cho rằng chỉ khi hai bên có thể lắng nghe, cởi mở chia sẻ để thấu hiểu nhau thì mới duy trì được mối quan hệ lành mạnh lâu dài.
"Mình biết không mối quan hệ nào luôn luôn vui vẻ cả, đôi khi sẽ có bất đồng, hiểu lầm, cãi vã. Những lúc như thế thì phải chia sẻ để lắng nghe, để hiểu nhau thì mới giải quyết và tiếp tục duy trì được mối quan hệ.
Dần dần qua những chuyện không như ý mà cả hai cùng tâm sự để vượt qua, như vậy sẽ giúp thấu hiểu nhau hơn. Càng hiểu nhau thì càng có cách ứng xử phù hợp để mối quan hệ duy trì tốt đẹp, giải hòa mỗi lần bất đồng cãi vã", Thanh Hương giãi bày.
Tôn trọng mọi thứ của đối phương
Đối với bạn Tuấn Anh (20 tuổi, Hà Nội) việc tôn trọng không gian riêng tư của nhau rất quan trọng trong một mối quan hệ.
"Hai người là hai cá thể riêng biệt, có cuộc sống riêng. Chúng mình không thể dành toàn bộ thời gian cho nhau nên ngoài những lúc ở bên, mình rất cần có khoảng thời gian ở một mình. Mình cần có những hoạt động bên ngoài, những hoạt động không có người yêu", Tuấn Anh nói.
Tuấn Anh cho biết trước đây anh là một người muốn làm mọi thứ cùng người mình yêu nhiều nhất có thể, mà không biết rằng mỗi người cần có không gian và cuộc sống riêng. Suy nghĩ đó phần nào cho thấy sự phiền phức của bản thân trong một mối quan hệ, nên cần phải đưa ra điều kiện để có tình yêu lành mạnh.
Theo bạn Ngọc Bích (20 tuổi, Hà Giang) sự tôn trọng ý kiến, quyết định và quá khứ của đối phương cũng đóng vai trò quan trọng khi xây dựng một mối quan hệ lành mạnh.
"Mình nghĩ hai người ở trong mối quan hệ lành mạnh thì sẽ không áp đặt đối phương phải thay đổi vì mình. Mà thay vào đó là lắng nghe ý kiến của nhau, để thấu hiểu hơn về nhau, giúp mối quan hệ tiến xa hơn. Và ai cũng có quá khứ, dù tốt hay xấu thì cũng không nên lôi ra để phán xét", Ngọc Bích nói.
Là động lực để cùng nhau phát triển
Tuấn Anh cho rằng yêu nhau trong khoảng thời gian dài sẽ dần quen với sự hiện diện của nhau.
"Nếu cứ như quen dần với sự hiện diện của đối phương sẽ sinh ra cảm giác chán nản, vì không ai muốn ở bên một người luôn dậm chân tại chỗ. Bản thân mình cũng dần có những suy nghĩ thay đổi bản thân để trở thành phiên bản tốt nhất.
Vậy nên ở trong mối quan hệ tình cảm, mình phát triển bản thân bằng cách làm thật tốt những thứ mình đang có. Nghĩ đến tương lai nhiều hơn, và đối phương nên là động lực để mình cố gắng.
Ví dụ như việc mình không hài lòng lắm về cơ thể mình, muốn cơ thể khỏe mạnh và đẹp hơn nên mình quyết định đi tập một môn thể thao nào đó.
Khi cả hai đều là động lực của nhau để thay đổi từng ngày, khiến bản thân tốt lên mỗi ngày. Lúc ấy tình yêu sẽ luôn được bồi đắp, giảm thiểu cảm giác chán nản.
Nhưng trước tiên, việc phát triển bản thân phải xuất phát từ chính bản thân mình, người yêu chỉ là chất xúc tác khiến những mục đích được thực hiện nhanh hơn", Tuấn Anh chia sẻ.
Để làm rõ hơn về một mối quan hệ lành mạnh là động lực để cùng nhau phát triển, Thanh hương kể một câu chuyện về hai người bạn của cô.
"Mình có quen hai bạn yêu nhau học cùng ngành. Bạn nam giỏi kết nối, có tầm nhìn, hướng đến làm nhiều công việc thực tế thay vì chỉ tập trung học trên trường. Bạn nữ lại chăm chỉ học ở trường, hướng nội hơn.
Hai người cứ san sẻ cùng đồng hành hỗ trợ nhau. Bạn nam giúp bạn nữ có những cơ hội để đi làm thực tế qua những công việc mà nam tìm được, bạn nữ lại hỗ trợ bạn nam học những kiến thức trên trường.
Cả hai cứ cùng học cùng làm, cùng nhau đi lên, cùng ra trường đúng hạn. Cứ như vậy, hai bạn đi lên cùng nhau và tình yêu cũng ngày một đậm sâu hơn", Thanh Hương kể.
Sự tin tưởng
Bạn Ngọc Bích nói: "Trong tình yêu phải có sự tin tưởng thì mới cảm thấy an toàn để yêu. Tin tưởng để có thời gian dành cho việc phát triển bản thân, thay vì ghen tuông, suy nghĩ linh tinh hay chạy theo người kia".
Bạn Việt Hùng (20 tuổi, Nghệ An) cũng cho rằng sự tin tưởng là điều cần thiết trong quá trình xây dựng một mối quan hệ lành mạnh.
"Có những lần cãi vã với người yêu vì một trong hai người mắc lỗi, mình luôn tin tưởng rằng cả hai sẽ khắc phục được lỗi sai đó và mối quan hệ của bọn mình sẽ tốt lên.
Hơn nữa, nhờ có sự tin tưởng nên mình mới dám chia sẻ những chuyện "thầm kín" với bạn gái.
Có lần, mình cảm nắng một bạn nữ khác, mình tin tưởng bạn gái lắng nghe và cho mình cơ hội sửa chữa nên mình đã cởi mở chia sẻ hết với bạn ấy. Chính sự tin tưởng và thật thà với nhau đã khiến tình yêu của chúng mình tốt lên rất nhiều", Hùng tâm sự.
Trách nhiệm đối với mối quan hệ
Việt Hùng cho rằng khi ở trong một mối quan hệ, phải có trách nhiệm làm sao để mối quan hệ đó ngày càng tốt đẹp và bền vững.
"Ví dụ như người yêu mình là một người khá ít vận động. Nên mình cần khuyến khích bạn ấy ra ngoài hoạt động nhiều, tăng cường thể dục thể thao. Khi bạn ấy buồn, mình đưa bạn đi chơi, khuyến khích, động viên tinh thần bạn.
Có những chuyện mình cư xử không phải khi ra ngoài, bạn ấy nhắc nhở để mình sửa, mình nghe lời và từ đó biết suy nghĩ hơn.
Mình nghĩ rằng cả hai người nên có trách nhiệm tác động lẫn nhau để giúp cả hai tốt lên mỗi ngày, có như vậy mối quan hệ mới ngày càng bền vững.
Đối với mình, trách nhiệm này không bắt buộc mà nên xuất phát từ sự tự nguyện. Nếu đủ yêu thương và muốn xây dựng để tình yêu của mình trở nên lành mạnh thì cần có trách nhiệm với mối quan hệ đó", Hùng chia sẻ.
Còn với Ngọc Bích, trách nhiệm với đối phương thể hiện ở việc mình nghiêm túc với mối quan hệ, biết điều gì nên và không nên làm để giữ gìn, trân trọng và dành cho nhau những thứ tốt đẹp mà mình có thể.
Không quá phụ thuộc vào cảm xúc của đối phương
Ngọc Bích cho rằng: "Sự phụ thuộc trong một mối quan hệ tình cảm thường đi quá giới hạn. Khi bị phụ thuộc mình sẽ cần đối phương là chỗ dựa tinh thần cho mình, khiến cho người kia phải có trách nhiệm với tất cả nhu cầu cảm xúc mà mình có.
Nếu mình bị phụ thuộc và mình cảm thấy không hạnh phúc về một điều gì đó, mình sẽ mặc định tất cả lỗi lầm là ở phía đối phương và xả hết những cảm xúc tiêu cực cho đối phương.
Mình và đối phương nên có một cảm xúc riêng biệt, không nên bắt ai phải ràng buộc vì mình. Ngoài ra việc độc lập cảm xúc cũng giúp bản thân trở nên giá trị hơn, giúp mối quan hệ được bền lâu hơn".
Theo Bích, một mối quan hệ lành mạnh là cả hai người có cuộc sống riêng, có niềm vui riêng, hạnh phúc riêng. Như vậy khi ở cạnh nhau sẽ nhẹ nhàng và bền lâu hơn.