Làm thế nào để thoát khỏi một mối quan hệ độc hại?
(Dân trí) - Không ít người mặc dù nhận ra mình đang ở trong một mối quan hệ độc hại nhưng vẫn loay hoay không biết làm thế nào để thoát ra khỏi mối quan hệ đó.
Hiểu rõ các dấu hiệu của một mối quan hệ độc hại
Mối quan hệ độc hại là mối quan hệ mà khi bạn ở trong đó, bạn luôn cảm thấy tồi tệ hơn theo thời gian. Ví dụ, trong tình yêu, nếu bạn cảm thấy không được tôn trọng, không được yêu thương và luôn phải chạy theo đối phương thì có thể bạn đã bị rơi vào một mối quan hệ độc hại.
Khái niệm toxic relationship hay mối quan hệ độc hại có thể xuất hiện ở bất cứ đâu, ở bất cứ môi trường nào chứ không chỉ riêng trong tình yêu đôi lứa. Ngay trong mối quan hệ với bạn bè, đồng nghiệp hay thậm chí là người thân trong gia đình, yếu tố "độc hại" vẫn có thể xuất hiện.
Khi ở trong một mối quan hệ độc hại, bạn sẽ bị tổn thương cả về mặt tình cảm, tinh thần và thể chất. Do đó, ngay khi bạn nhận ra những dấu hiệu của một mối quan hệ độc hại, đừng chần chừ mà hãy dứt khoát tìm cách thoát khỏi nó.
Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng nhìn thấy những dấu hiệu của một mối quan hệ độc hại, đặc biệt là khi chúng ta đã gắn bó với mối quan hệ đó quá lâu. Bạn Bùi Thanh Hiền (22 tuổi, TPHCM) chia sẻ rằng: "Đã có một khoảng thời gian dài mình sống với một mối quan hệ mà không hề nhận ra nó độc hại, hoặc do mình đã phớt lờ những dấu hiệu đó.
Bạn biết đấy, khi mình gắn bó với một điều gì đó đủ lâu thì nó sẽ trở thành thói quen khó bỏ. Với mình, mối quan hệ giữa mình và người yêu cũ cũng giống như vậy. Mặc dù mình luôn cảm thấy thiếu an toàn, tình cảm cho đi nhiều hơn nhận lại trong mối quan hệ này nhưng lại không có dũng khí ra đi.
Mãi đến khi cảm xúc của mình bị bào mòn và mình không thể chịu đựng được nữa, mình mới chấp nhận đối mặt với việc rời khỏi mối quan hệ độc hại này".
Bạn Hiền cũng nói thêm rằng: "Những dấu hiệu của một mối quan hệ độc hại có thể rất rõ ràng nhưng cũng có thể rất mơ hồ. Điều quan trọng là chúng ta phải lắng nghe cảm xúc của bản thân và thành thật với nó. Nếu tổn thương, buồn bã nhiều hơn hạnh phúc, vui vẻ thì rõ ràng mối quan hệ đó đang "độc hại" theo một cách nào đó".
Hãy học cách yêu bản thân trước khi yêu người khác
Yêu bản thân là điều mà chúng ta vẫn thường khuyên nhau nên làm, nhưng không phải ai cũng làm được. Rất nhiều người khi bước vào một mối quan hệ thường xem trọng cảm xúc của đối phương hơn bản thân.
Bạn Bùi Ngọc Ánh (23 tuổi, Hải Phòng) - một người vừa bước ra khỏi một mối quan hệ độc hại và bắt đầu quá trình tự chữa lành (healing) chia sẻ rằng: "Hồi trước, mình từng yêu một người đến chết đi sống lại và luôn nghĩ rằng nếu không có người đó, mình sẽ không thể sống được.
Mình chấp nhận hy sinh nhiều thứ, ngay cả bản thân mình và chỉ mong người ấy được hạnh phúc, vui vẻ. Có lẽ, người ấy cũng nhận ra được điều đó nên họ sẵn sàng làm tổn thương mình, vứt bỏ mình vì họ cho rằng mình sẽ không thể bỏ họ mà đi.
Đã có những khoảng thời gian mình không ngừng tự trách và nghi ngờ bản thân. Có phải mình không xứng đáng được yêu? Có phải mình chưa đủ tốt? Nhưng dù mình cố gắng như thế nào, người ấy vẫn không trân trọng tình cảm của mình.
Cuối cùng, khi đã quá mệt mỏi với việc chạy theo cảm xúc của họ, mình nhận ra bản thân thời gian qua đã đối xử tệ với chính mình đến mức nào. Mãi đến lúc này, mình mới có thể "tỉnh ngộ" và đủ can đảm để từ bỏ mối quan hệ đã làm mình khóc mỗi đêm".
Với bạn Ánh, từ bỏ cũng là một cách tự yêu lấy mình. Bạn cũng chia sẻ rằng: "Nếu chúng ta ưu tiên cảm xúc của bản thân hơn một chút, trân trọng tình cảm của chính mình hơn một chút thì có lẽ sẽ không một ai có thể làm tổn thương chúng ta theo cách họ muốn".