Bạn đang trở thành "red flag" trong mối quan hệ như thế nào?
(Dân trí) - Bạn có thể đang hủy hoại bản thân và giết chết mối quan hệ với những hành động tưởng chừng vô nghĩa.
Chuyện khó nhất trong tình yêu không phải là bắt đầu mối quan hệ với ai đó, mà chính là cách duy trì mối quan hệ một cách lâu dài. Chúng ta không thể tin tưởng và hòa hợp với đối phương tuyệt đối ngay từ đầu. Theo thời gian, mọi người mới biết trân trọng và thêm yêu quý nửa còn lại sau khi cùng trải qua thăng trầm.
Duy trì mối quan hệ lại đối nghịch với phá vỡ nó. Việc phá vỡ mối quan hệ tưởng chừng đang tốt đẹp lại là chuyện dễ dàng. Đừng bao giờ thắc mắc rằng bản thân đã làm gì sai để chuyện tình yêu đẹp như cổ tích một ngày bỗng tan vỡ. Và, cũng đừng bao giờ làm tổn thương người yêu thương bạn bằng những hành động "không thể chấp nhận" sau đây.
1. Thường xuyên nói dối
Tiến sĩ Sam Zand, một bác sĩ tâm thần, nhà đồng sáng lập nền tảng chăm sóc sức khỏe tinh thần Better U, cho biết: "Nói dối là một phần trải nghiệm của con người. Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy mọi người nói dối trung bình 1-2 lần/ngày. Nhưng nếu chúng ta có thói quen nói dối đối tác của mình, thì mối quan hệ sẽ mất đi sự tin tưởng".
Trong khi đó, Samara Quintero, một nhà trị liệu hôn nhân và gia đình, cho biết: "Tất cả chúng ta đều có lỗi khi nói dối trắng trợn, nhưng nếu bạn nhận thấy đối tác liên tục lừa dối hoặc bị bắt quả tang nói dối, thì đó là một dấu hiệu đáng báo động".
Đây có thể là những lời nói dối nhỏ, chẳng hạn như không trung thực về nơi bạn sẽ đến, hoặc những lời nói dối lớn, như không cho họ biết bạn đang nợ bao nhiêu tiền. Thậm chí, có những lời nói dối tưởng chừng vô hại nhưng thực ra rất tệ; đó là bạn nói dối về cảm xúc của bản thân trong mối quan hệ đó.
Kiểu nói dối về những vấn đề lớn và nhỏ cũng có thể cho thấy một người đang cố che giấu điều gì đó. Việc nói dối liên tục có thể được sử dụng để thiết lập hoặc duy trì sự kiểm soát trong mối quan hệ, thường là để đảm bảo đối tác cư xử hoặc cảm nhận theo một cách nhất định.
Quintero nói: "Bị lừa dối nhiều lần có thể khiến bạn khó xây dựng nền tảng vững chắc trong mối quan hệ hoặc phá hủy nền tảng mà bạn đã xây dựng, điều này có thể dẫn đến một tương lai lung lay".
2. Hạ thấp đối phương
Nếu bạn thường xuyên chỉ trích hoặc hạ thấp đối phương, ngay cả khi đó là cách tinh tế hoặc không cố ý, đều có thể ảnh hưởng đến lòng tự trọng của họ.
Quintero nhận định: "Đây là một hình thức lạm dụng tình cảm có thể dẫn đến cảm giác lo lắng và bất an trong mối quan hệ. Ví như nói: "Em thật may mắn khi vẫn có anh ở bên, vì em sẽ không bao giờ làm tốt hơn anh", hay "Thật lố bịch khi anh cố tỏ ra hài hước".
Một nghiên cứu năm 2013 cho thấy lạm dụng tình cảm có thể gây hại như lạm dụng thể chất, cả hai đều góp phần gây ra chứng trầm cảm và lòng tự trọng thấp. Vì vậy, dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm này chắc chắn phải được xem xét nghiêm túc.
"Giải quyết hành vi này với đối tác của bạn là điều bắt buộc và nếu họ từ chối chịu trách nhiệm, có lẽ đã đến lúc đánh giá lại mối quan hệ", Quintero chia sẻ cách giải quyết cho người bị hạ thấp trong một mối quan hệ.
3. Không sẵn sàng thay đổi, thỏa hiệp
Ai cũng muốn mình được tôn trọng và yêu quý bởi những người thân yêu. Mỗi người đều có những thói quen, thái độ cùng với hành động khác nhau. Thế nhưng, nhìn chung, tất cả mọi người đều mong muốn sự tự do, được tôn trọng và thấu hiểu trong mối quan hệ của chính mình.
Bạn luôn không muốn thỏa hiệp ngay cả khi liên quan đến những điều nhỏ nhặt; bạn muốn tất cả đều theo ý của mình. Việc thiếu tôn trọng đối phương khiến họ cảm thấy buồn và tổn thương cực độ.
Emily Simonian, một nhà trị liệu hôn nhân và gia đình được cấp phép đồng thời là trưởng bộ phận học tập tại Thriveworks, cho biết: "Nếu bạn đang có mối quan hệ với một người dường như làm mọi thứ trở nên phiến diện, bạn có thể sẽ thỏa hiệp quá mức và cuối cùng cảm thấy bực bội, tổn thương, hiểu lầm và không hài lòng".
Trong các mối quan hệ lành mạnh, điều quan trọng là bạn phải xem xét nhu cầu và mong muốn của nhau và sự thỏa hiệp không phải là con đường một chiều.
4. Kiểm soát và ghen tuông thái quá
Ví dụ, Simonian chia sẻ rằng chúng ta có thể cảm thấy ghen tị khi đối phương có một cuộc sống xã hội bên ngoài mối quan hệ của mình. Một đối tác ghen tuông cũng có thể khiến đối phương "ngộp thở" với những cuộc gọi hoặc tin nhắn quá mức và cố gắng kiểm soát những gì bạn làm.
Hành vi kiểm soát cũng có thể mở rộng sang đối tác ngăn cản bạn đi đâu hoặc khi nào hoặc bạn tiêu tiền như thế nào.
Kelman, một nhân viên xã hội lâm sàng được cấp phép có trụ sở tại Boca Raton, Florida nói: "Nếu người yêu mới của bạn cố gắng kiểm soát mối quan hệ của bạn với người khác, hãy bỏ chạy và đừng bỏ đi trước khi mọi thứ vượt quá tầm kiểm soát".
Một phân tích tổng hợp năm 2010 cho thấy rằng khi sự ghen tuông trong một mối quan hệ gia tăng thì chất lượng mối quan hệ giảm xuống, điều này cho thấy sự ghen tuông có hại cho các mối quan hệ lãng mạn. Ngoài ra, một nghiên cứu năm 2014 cho thấy rằng những người trong mối quan hệ mà đối tác hành động quá chiếm hữu trong giai đoạn đầu có nhiều khả năng có phong cách giao tiếp không lành mạnh sau này trong mối quan hệ.