"Tôi lo lắng khi bạn trai muốn có một mối quan hệ mở"

Vĩnh Ngọc

(Dân trí) - "Bạn trai của tôi muốn có một mối quan hệ mở còn tôi thì không. Suy nghĩ của anh ấy khiến tôi lo lắng về tương lai của chúng tôi", cô gái trẻ tâm sự.

Một cô gái tên là Charlie, 28 tuổi, đã chia sẻ rằng: "Bạn trai của tôi, người mà tôi gắn bó đã ba năm, gần đây đã nói với tôi ý tưởng về một mối quan hệ mở - mối quan hệ không độc quyền.

Chúng tôi chưa bao giờ nói về điều đó trước đây và tôi chưa bao giờ nghĩ về chuyện như vậy. Sau khi suy ngẫm, tôi không nghĩ đây là điều mình muốn. Chúng tôi đã không nhắc lại chuyện này kể từ đó nhưng hiện tại, tôi cảm thấy lo lắng về tương lai của chúng tôi. Tôi sợ nói về nó nhưng tôi không biết phải làm như thế nào".

Tiến sĩ Sheri Jacobson, một nhà trị liệu tâm lý có 17 năm kinh nghiệm, làm việc tại Anh, đã có câu trả lời cho vấn đề này. Cô nói: "Bạn cần có những cuộc thảo luận giữa bạn và đối tác của bạn. Cần rất nhiều can đảm để đưa ra các vấn đề nhạy cảm và bắt đầu thảo luận.

Tìm cách tạo không gian cho cuộc trò chuyện của bạn là điều quan trọng. Sau đó, bạn nên nói về quan điểm của mình đồng thời bày tỏ là bạn muốn nghe quan điểm của bạn trai.

Bạn có thể yêu cầu bạn trai giải thích là anh ta đang suy nghĩ về điều gì và bạn nên thực sự lắng nghe. Nếu có thể, hãy đặt mình vào vị trí của bạn trai và cố gắng hiểu xem anh ta đang tìm kiếm điều gì.

Tôi lo lắng khi bạn trai muốn có một mối quan hệ mở - 1

"Tôi lo lắng khi bạn trai muốn có một mối quan hệ mở" (Ảnh minh họa: iStock).

Đâu là động lực khiến họ mong muốn có mối quan hệ mở? Đó có thể là do họ có ham muốn tình dục cao, mong muốn được "đa dạng hóa quan hệ" hoặc họ không hài lòng với điều gì đó trong mối quan hệ hiện tại.

Việc cố gắng tìm hiểu người kia đang tìm kiếm điều gì là rất cần thiết. Điều quan trọng là hai bạn cảm thấy an tâm khi hai bạn có thể chia sẻ quan điểm của mình. Cả hai cùng lắng nghe, hiểu, tôn trọng nhu cầu và sở thích người kia và sẵn sàng thỏa hiệp.

Điều này đặt ra một câu hỏi thực sự thú vị là khi nào bạn nên vượt ra khỏi vùng an toàn của mình và khi nào bạn nên tin vào trực giác của mình? Giới hạn chịu đựng của bạn là bao nhiêu và bạn nghĩ mình sẽ linh hoạt đến mức nào khi thử một điều mới?

Thử một món ăn mới sẽ ít rủi ro hơn nhiều so với việc ai đó có nhiều bạn tình vì người có nhiều đối tác có nguy cơ tiềm ẩn về quan hệ tình dục không an toàn và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Nếu bạn nhận ra rằng đây không phải là điều bạn muốn nhưng đối tác của bạn vẫn muốn điều đó thì phòng trị liệu là một nơi tuyệt vời để diễn ra kiểu thảo luận này.

Đôi khi trong không gian trị liệu, hai bạn có thể nói chuyện thấu đáo mà vẫn thẳng thắn bày tỏ những suy nghĩ khác nhau. Tất nhiên, đôi khi, điều đó không khả thi đối với một hoặc cả hai bên và do đó hai bạn sẽ hướng tới một cuộc chia tay thân thiện.

Nói chung, chia sẻ chân tình và tỏ ra thấu hiểu sẽ giảm thiểu tác hại cho mọi người. Vì thế hai bạn sẽ cần nói chuyện rất nhiều. Trong một số trường hợp, các cuộc trò chuyện theo chiều sâu thậm chí có thể khiến hai bạn xích lại gần nhau hơn trước".

Theo Refinery