Người phụ nữ Việt “cứu” trẻ em “thoát” bệnh tiêu chảy
Thành công này khẳng định Việt Nam là nước thứ hai của châu Á và là một trong bốn nước trên thế giới (sau Mỹ, Bỉ, Trung Quốc) tự sản xuất được vắc xin Rota với công nghệ cập nhật quốc tế, đem lại hiệu quả xã hội và kinh tế rất cao. Việc nghiên […]
Thành công này khẳng định Việt Nam là nước thứ hai của châu Á và là một trong bốn nước trên thế giới (sau Mỹ, Bỉ, Trung Quốc) tự sản xuất được vắc xin Rota với công nghệ cập nhật quốc tế, đem lại hiệu quả xã hội và kinh tế rất cao.
Việc nghiên cứu, sản xuất thành công vắc xin Rotavin-M1 của PGS.TS.BS Lê Thị Luân và các cộng sự không chỉ góp phần giải quyết gánh nặng bệnh tật cho trẻ em Việt Nam mà còn góp phần khẳng định vị trí của khoa học vắc xin Việt Nam trên thế giới.
Thành công sau 16 năm miệt mài nghiên cứu
Quá trình nghiên cứu, sản xuất thành công vắc xin Rotavin-M1 của PGS.TS. Lê Thị Luân và cộng sự . |
PGS.TS Lê Thị Luân sinh năm 1962, tại Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), năm 1980 bà theo học chuyên khoa Đa khoa nội nhi tại Đại học Y Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học Y khoa Hà Nội năm 1986, và tốt nghiệp bác sỹ nội trú năm 1989, bà được nhận về làm việc tại Phòng Kiểm định thuộc Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Đến năm 1994 bà được làm việc tại phòng Kiểm định vắc xin thuộc Trung tâm khoa học Sản xuất văcxin Sabin.
Năm 1998, PGS.TS.BS Lê Thị Luân được giao nhiệm vụ giám sát bệnh tiêu chảy do vi rút Rota tại Việt Nam và bà đã chứng kiến những gánh nặng của căn bệnh đáng sợ này tại các bệnh viện khi tỉ lệ nhập viện luôn chiếm 50-70% trong các đợt dịch bùng phát.
Bà Luân chia sẻ, từ năm 1998, ngoài công việc kiểm định vắc xin bại liệt bà đã tham gia chính nghiên cứu giám sát bệnh tiêu chảy do virut rota tại Việt Nam (đề tài hợp tác với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật CDC-Hoa Kỳ và Tổ chức Y tế thế giới). Với nghiên cứu này, bà cùng đồng nghiệp đã xác định được mùa bệnh, tuổi mắc bệnh, gánh nặng của bệnh, đặc biệt xác định được chủng virut rota lưu hành gây bệnh hàng năm tại nước ta, kết quả nghiên cứu đã được đăng trên nhiều bài báo trong nước và quốc tế.
Sau đó được sự hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật CDC-Hoa Kỳ, được sự hỗ trợ tài chính của Tổ chức Y tế Thế giới, Bộ Y tế, Bộ Khoa học Công nghệ tôi đã được đào tạo kỹ thuật chuẩn thức quốc tế về thiết lập hệ thống chủng giống vắc xin Rota từ chủng độc lực lưu hành tại Việt Nam, sau 7 năm miệt mài với công việc, cùng sự giúp đỡ của chuyên gia trong nước và quốc tế, hệ thống chủng giống vắc xin rota sống uống, giảm độc lực đã được thiết lập. Kết quả nghiên cứu đã được nghiệm thu xuất sắc thông qua đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu tạo chủng virut rota làm chủng dự tuyển cho chế tạo văcxin rota phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ em Việt Nam ” năm 2005. Công trình này đã được Cục Sở Hữu trí tuệ Bộ Khoa học Công nghệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích với tên sáng chế: “Qui trình tạo chủng giống gốc virut Rota giảm độc lực để sản xuất vắc xin ngừa bệnh tiêu chảy cấp” theo quyết định số 45286/QD-SHTT, ngày 9/11/2011.
Từ năm 2006, bà cùng đồng nghiệp đã tiếp tục nghiên cứu phát triển vắc xin phòng bệnh tiêu chảy do virut rota thông qua đề tài cấp nhà nước. Sau 2 năm làm việc không biết mệt mỏi, đề tài đã xây đựng được qui trình công nghệ sản xuất vắc xin rota trên tế bào vero trong phòng thí nghiệm, đồng thời đề tài cũng đã xây dựng được qui trình kiểm định vắc xin rota theo tiêu chuẩn tổ chức Y tế thế giới, đặc biệt đã sản xuất được hệ thống chủng giống vắc xin Rota, vắc xin Rota đạt tiêu chuẩn qui định của Tổ chức Y tế Thế giới.
Kết quả nghiên cứu này là bước ngoặt trong ngành vắc xin học lần đầu tiên tại nước ta sản xuất thành công vắc xin Rota sử dụng hệ thống chủng giống thiết lập trên chủng nội địa với công nghệ cập nhật quốc tế.
Bà Luân cho biết, được sự đầu tư của Bộ khoa học công nghệ, một nghiên cứu nữa về phát triển vắc xin rota được phê chuẩn “Đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vắc xin Rotavin-M1 sống giảm độc lực, uống phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ em Việt Nam” đề tài cấp nhà nước năm 2010. Đây là nghiên cứu quyết định vắc xin nghiên cứu sản xuất ra có đủ tiêu chuẩn vắc xin sử dụng phòng bệnh cho trẻ em không. Sau 3 năm tiến hành thực địa lâm sàng trên 30 người lớn và 1000 trẻ 6-12 tuần tuổi, tuân thủ nghiêm túc thực hành lâm sàng tốt (GCP) của Bộ Y tế ban hành, đã chứng minh vắc xin Rotavin-M1 an toàn và đáp ứng miễn dịch tốt ở trẻ 6-12 tháng tuổi tương đương với vắc xin Rotarix của Bỉ (vắc xin nhập ngoại đang lưu hành tại Việt Nam).
Với kết quả nghiên cứu này, vắc xin Rotavin-M1 đã được cấp phép lưu hành tại Việt Nam vào năm 2012.
PGS.TS. Lê Thị Luân đã đạt giải Nhất trong lĩnh vực Y dược của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2014. |
Công trình “Chế tạo hệ thống chủng giống virus vắc xin Rota và sản xuất vắc xin Rota vin-M1 tại Việt Nam của PGS.TS. Lê Thị Luân đã đạt giải Nhất trong lĩnh vực Y dược của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt2014. Trước đó, PGS.TS Lê Thị Luân là một nhà khoa học nữ được đón nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2013- giải thưởng cao quý tôn vinh những nhà khoa học có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống.
Bà Luân phấn khởi chia sẻ, đây là giải thưởng danh giá của Nhà nước, và cũng là niềm vinh dự của rất nhiều người, là thành tựu của ngành Y tế.
“Đây cũng là loại vắc xin đầu tiên được nghiên cứu và sản xuất từ chủng virus của người Việt Nam nên hoàn toàn phù hợp với người Việt. Thành quả nghiên cứu của chị đang dần được phổ biến, tin tưởng trong cộng đồng, tạo thêm nhiều cơ hội cho trẻ em nghèo được tiếp cận với vắc xin phòng bệnh”, bà Luân tâm sự thêm.
PGS.TS Lê Thị Luân hy vọng trong thời gian tới vắc xin sẽ được dùng cho tất cả trẻ em trên toàn quốc.
Không ngừng nghiên cứu. bà Luân đang tham gia cùng lúc ba đề tài nghiên cứu quan trọng của Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế gồm nghiên cứu vắc xin bại liệt bất hoạt, vắc xin tay chân miệng, vắc xin đa giá. Hiện chị phụ trách toàn bộ việc nghiên cứu sản xuất vắc xin chân tay miệng (đã xong khâu tạo chủng giống) và tham gia những quy trình chính của việc nghiên cứu sản xuất vắc xin bại liệt tiêm, thay cho vắc xin uống (đã qua giai đoạn tiền lâm sàng, với chủng giống được nhập từ Viện Bại liệt Nhật Bản).
Vắc xin “ Rotavin-M1”
Vắc xin “ Rotavin-M1” là vắc xin sống giảm độc lực, uống phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ em dưới 5 tuổi, được sản xuất từ chủng vi rút rota G1P trên tế bào vero tại cơ sở sản xuất thuộc Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm y tế – Bộ Y tế.
Vắc xin Rotavin-M1 là một vắc xin vi rút sống, giảm độc lực, uống được sản xuất trên tế bào Vero. Mỗi liều 2ml chứa không ít hơn 2.106 FFU (hoặc PFU) vi rút vắc xin Rota , chủng G1P và chứa không quá 10mg kháng sinh Kanamycin sulfate. Sản phẩm có dạng dung dịch màu hồng được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại, đạt các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới về vắc xin uống.
Vắc xin Rotavin-M1 được chỉ định để gây miễn dịch chủ động phòng bệnh viêm dạ dày ruột cấp do vi rút rota;
Đối tượng thích hợp uống liều 1 là trẻ từ 6-12 tuần tuổi.
Vắc xin chỉ được dùng để uống (không được tiêm)
Liều uống: 2ml/ liều
Lịch uống: Phác đồ phòng ngừa gồm 2 liều: – Liều đầu tiên cho trẻ từ 6 tuần đến 12 tuần tuổi – Liều thứ hai uống sau liều 1 khoảng 2 tháng. Nên cho trẻ hoàn thành uống vắc xin Rotavin-M1 trước 24 tuần tuổi. |