Cơ hội lớn cho các sinh viên tham gia Nhân tài Đất Việt 2017

Đâu là mẫu số chung cho sản phẩm đạt giải Nhân tài Đất Việt, hay các sinh viên sẽ có cơ hội gì khi tham gia Giải thưởng này...? là những câu hỏi được nhiều bạn sinh viên đặt ra trong chương trình workshop: “Cách mạng công nghiệp 4.0 - Cơ hội nào cho Startup?” diễn ra chiều 5/8 tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Workshop: “Cách mạng 4.0 – Cơ hội nào cho Startup?” nằm trong chuỗi chương trình giao lưu với cộng đồng khởi nghiệp tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017, với sự tham dự của các diễn giả nổi tiếng, có uy tín trong và ngoài nước về các chủ đề thiết thực. Trong chương trình Workshop: “Cách mạng 4.0 – Cơ hội nào cho Startup?” diễn ra chiều 5/8, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng – Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội – Thành viên Ban giám khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt lĩnh vực CNTT đã chia sẻ với các bạn sinh viên về những cơ hội lớn sẽ mở ra khi tham dự giải thưởng NTĐV cũng như những yếu tố quyết định nhất để gặt hái thành công khi tham dự Giải thưởng này.

Cơ hội lớn cho các sinh viên

Với câu hỏi có mẫu số chung hay công thức chung nào đối với sản phẩm đã đạt giải NTĐV hay không? PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng cho rằng, một sản phẩm tốt nhất là đáp ứng được tất cả các tiêu chí của Giải thưởng.

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng chia sẻ tại workshop: “Cách mạng công nghiệp 4.0 - Cơ hội nào cho Startup?”. Ảnh: Hữu Nghị.

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng chia sẻ tại workshop: “Cách mạng công nghiệp 4.0 – Cơ hội nào cho Startup?”. Ảnh: Hữu Nghị.

“NTĐV đã trải qua 13 năm có giải thưởng.  Theo tôi thấy có 3 yếu tố sẽ làm nên một sản phẩm tốt. Đó là Ý tưởng – để sản phẩm có thể đi ra thị trường và có chỗ đứng trên thị trường. Do đó, ý tưởng sản phẩm phải độc đáo, khác biệt so với các sản phẩm khác. Thứ hai cần có Đam mê đưa ý tưởng đó thành hiện thực. Sự đam mê này sẽ giúp các em vượt qua được rất nhiều trở ngại trong quá trình làm ra được sản phẩm. Thứ ba là Chuẩn bị chu đáo, cẩn thận trong quá trình hoàn thiện sản phẩm, xây dựng sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ tham dự giải thưởng NTĐV, và chuẩn bị chu đáo cho việc trình bày sản phẩm trước hội đồng BGK”, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng chia sẻ.

Còn về cơ hội khi các em sinh tham dự giải thưởng NTĐV, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng cho rằng, NTĐV không chỉ là “bệ phóng” thành công cho các start up tham dự Giải thưởng này mà còn mở ra nhiều cơ hội lớn đối với các sinh viên.

“Khi chúng ta tạo ra một sản phẩm, chúng ta đã trải qua cả một giai đoạn từ thai nghén ý tưởng đến làm sản phẩm và trình bày sản phẩm. Quá trình đó sẽ trang bị cho các em có đầy đủ kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng trình bày. Việc nung nấu để ra được một ý tưởng tham dự NTĐV có nghĩa là đã hội tụ tốt hơn các kỹ năng để sau này chúng ta có thể làm việc cho các doanh nghiệp. Tôi tin chắc rằng, khi chúng ta có một sản phẩm trình bày với một tập đoàn lớn như VNPT, thì họ sẽ hỏi các em trong quá trình làm việc các em sẽ có ý tưởng như thế nào và phát triển ra làm sao? Với những kỹ năng các em nhận được sau quá trình phát triển sản phẩm tham dự NTĐV, thì cơ hội nhận được việc làm của các em sẽ lớn hơn rất nhiều. Các em sẽ đủ tự tin để xin việc và có những lựa chọn tốt hơn ở các Tập đoàn lớn”, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng cho hay.

Được hỗ trợ từ nhà trường và doanh nghiệp

Là một trường đại học hàng đầu tại Việt Nam, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng có các chính sách hỗ trợ sinh viên để tạo ra sản phẩm tốt hơn trong quá trình học tập của trường. Hiện chương trình đào tạo của nhà trường đang được thiết kế lại từ năm 2017 theo hướng tích hợp. Trong quá trình đó, các sinh viên sẽ phải tham gia nhiều project môn học, tổ chức sinh viên làm việc theo nhóm và chương trình được đẩy mạnh theo tính chất liên ngành. Nhà trường hình thành các nhóm project liên ngành để có team work, có ý tưởng để tạo ra sản phẩm.

“Hiện nay chúng tôi đang thay đổi chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận nhiều hơn với các doanh nghiệp. Chương trình đào tạo của trường theo mô hình 4 + 1, tức là đối với hệ cử nhân là 4 năm và kỹ sư là 5 năm. Hiện nay trường ĐHBK đã có các dự án hợp tác với Tập đoàn VNPT  để mang các chủ đề nghiên cứu từ phía doanh nghiệp vào nhà trường. Các sinh viên năm thứ 5 sẽ được tham gia rất nhiều vào quá trình hợp tác với doanh nghiệp và có thể cùng với các kỹ sư của doanh nghiệp làm việc trong các dự án. Như vậy phần đào tạo đại học năm cuối sẽ được gắn chặt với nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp. Còn đào tạo sau đại học, trường ĐHBKHN hướng tới đào tạo các kỹ sư có khả năng nghiên cứu phát triển. Đây là nguồn nhân lực tiềm năng cho các R&D của doanh nghiệp và tạo ra nguồn nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, thầy Ngô Hồng Sơn, Giảng viên ĐHBK nói.

Bên cạnh đó, trường ĐHBKHN cũng xây dựng các câu lạc bộ (CLB) sinh viên nghiên cứu sáng tạo trong các viện. Các câu lạc bộ này do sinh viên tự điều hành và các giảng viên trẻ sẽ cố vấn, hướng dẫn. Tại đây, các sinh viên  được tự do xây dựng các ý tưởng và hình thành các nhóm để phát triển sản phẩm. Nhà trường cũng tổ chức các cuộc thi nội bộ trong trường từ ý tưởng đến sản phẩm, khởi nghiệp, giúp các em bộc lộ hết khả năng, để có thể tạo ra các sản phẩm có ích đưa vào thực tiễn cuộc sống.

B.H – VnMedia

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm