Đúng 14h chiều nay (5/8), chương trình workshop: “Cách mạng công nghiệp 4.0 - Cơ hội nào cho Startup?” đã diễn ra tại BKHUP Co-Working Space - tầng 3, tòa nhà A17 - 17 Tạ Quang Bửu - Bách khoa - Hà Nội.
* Mời độc giả theo dõi tường thuật trực tuyến tại đây.
Workshop có sự tham gia của ông Nguyễn Văn Tấn – Phó Tổng giám đốc VNPT-Media, Phó Trưởng ban tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017; PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng – Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội – Thành viên Ban giám khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt lĩnh vực CNTT cùng các diễn giả chính: ông Nguyễn Hữu Thái Hoà – Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Chiến lược Tập đoàn VNPT dưới sự điều hành chương trình: Lê Công Thành – Trưởng nhóm Giải Nhất Nhân tài đất Việt 2016. Trong hơn ba tiếng đồng hồ, các đại biểu tham dự đã có những chia sẻ cởi mở những quan điểm làm thế nào để thành công khi khởi nghiệp, đặc biệt là trước xu thế cách mạng công nghiệp 4.0 đang có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ hiện nay?
Nhân tài Đất Việt: cơ hội lớn cho các sinh viên!
Tại workshop, nhiều câu hỏi thẳng thắn và cởi mở đã được đặt ra với các vị khách mời. PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng – Thành viên Ban giám khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt lĩnh vực CNTT cho rằng, một sản phẩm tốt nhất là đáp ứng được tất cả các tiêu chí của Giải thưởng khi nhận được câu hỏi: có mẫu số chung hay công thức chung nào đối với sản phẩm đã đạt giải NTĐV hay không?
“NTĐV đã trải qua 13 năm có giải thưởng. Theo tôi thấy có 3 yếu tố sẽ làm nên một sản phẩm tốt. Đó là Ý tưởng – để sản phẩm có thể đi ra thị trường và có chỗ đứng trên thị trường. Do đó, ý tưởng sản phẩm phải độc đáo, khác biệt so với các sản phẩm khác. Thứ hai cần có Đam mê đưa ý tưởng đó thành hiện thực. Sự đam mê này sẽ giúp các em vượt qua được rất nhiều trở ngại trong quá trình làm ra được sản phẩm. Thứ ba là Chuẩn bị chu đáo, cẩn thận trong quá trình hoàn thiện sản phẩm, xây dựng sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ tham dự giải thưởng NTĐV, và chuẩn bị chu đáo cho việc trình bày sản phẩm trước hội đồng BGK”, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng chia sẻ.
Còn về cơ hội khi các em sinh tham dự giải thưởng NTĐV, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng cho rằng, NTĐV không chỉ là “bệ phóng” thành công cho các start up tham dự Giải thưởng này mà còn mở ra nhiều cơ hội lớn đối với các sinh viên.
“Khi chúng ta tạo ra một sản phẩm, chúng ta đã trải qua cả một giai đoạn từ thai nghén ý tưởng đến làm sản phẩm và trình bày sản phẩm. Quá trình đó sẽ trang bị cho các em có đầy đủ kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng trình bày. Việc nung nấu để ra được một ý tưởng tham dự NTĐV có nghĩa là đã hội tụ tốt hơn các kỹ năng để sau này chúng ta có thể làm việc cho các doanh nghiệp. Tôi tin chắc rằng, khi chúng ta có một sản phẩm trình bày với một tập đoàn lớn như VNPT, thì họ sẽ hỏi các em trong quá trình làm việc các em sẽ có ý tưởng như thế nào và phát triển ra làm sao? Với những kỹ năng các em nhận được sau quá trình phát triển sản phẩm tham dự NTĐV, thì cơ hội nhận được việc làm của các em sẽ lớn hơn rất nhiều. Các em sẽ đủ tự tin để xin việc và có những lựa chọn tốt hơn ở các Tập đoàn lớn”, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng cho hay.
Mong đợi những tài năng nhân tài Đất Việt
Ngoài các chương trình hỗ trợ của Trường ĐH Bách Khoa, ông Nguyễn Văn Tấn – Phó Tổng giám đốc VNPT-Media, Phó Trưởng ban tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017 cũng cho biết VNPT ngoài vai trò là nhà tài trợ, là một đơn vị đồng tổ chức giải thưởng thì còn là một doanh nghiệp. Vì vậy, VNPT rất hoan nghênh và mong đợi những dự án tiềm năng, phù hợp với lĩnh vực của VNPT để cùng nghiên cứu, phát triển.
Ông Nguyễn Văn Tấn – Phó Tổng giám đốc VNPT-Media, Phó Trưởng ban Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017 chia sẻ thông tin tại chương trình. Ảnh: Hữu Nghị.
Hiện Tập đoàn VNPT đã và đang tiếp tục tìm kiếm sự hợp tác với các trường ĐH trên cả nước để đưa những công trình nghiên cứu, sản phẩm nghiên cứu, ý tưởng của sinh viên, của các giáo sư để triển khai ngay trên hệ thống của VNPT.
Không chỉ hợp tác với trường ĐH BKHN, hiện VNPT đang hợp tác, đầu tư những trung tâm R&D tại một số trường khác như: ĐH Đà Lạt để nghiên cứu về nông nghiệp thông minh, ĐH Quốc gia Tp.HCM để nghiên cứu về phân tích dữ liệu…
Trả lời câu hỏi, VNPT có kế hoạch hỗ trợ như thế nào với cộng đồng start up trẻ và nếu tham gia với VNPT thì họ có thể tham gia vào những lĩnh vực nào?, ông Tấn cho hay, thứ nhất VNPT là nhà tài trợ, là đơn vị đồng tổ chức tạo ra một sân chơi trí tuệ, sáng tạo cho cộng đồng, với mong muốn đem những sản phẩm dịch vụ sáng tạo dự thi sau đó phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
“Chúng tôi cũng là một tập đoàn viễn thông với những sản phẩm dịch vụ cung cấp cho khách hàng. Hiện VNPT đang phục vụ khoảng 5,5 triệu thuê bao băng rộng cố định và gần 30 triệu thuê bao băng rộng di động. Vì vậy, chúng tôi cũng mong muốn được hợp tác với các bạn có những sản phẩm, dịch vụ sáng tạo để phong phú hơn nữa cho khách hàng của mình” – ông Tấn chia sẻ.
“Ngoài ra, VNPT còn đang có quan hệ hợp tác chiến lược với rất nhiều cơ quan, tổ chức quản lý ở các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp khác. Khi hợp tác với VNPT, ngoài cơ hội để hoàn thiện, phát triển hơn nữa sản phẩm của mình mà còn có thể cùng khai thác cộng đồng khách hàng đó, đẩy nhanh quá trình đưa sản phẩm ra thị trường. Bên cạnh đó, từ quá trình sản xuất kinh doanh của tập đoàn và những chiến lược đầu tư của VNPT trong thời gian tới là môi trường rất tốt để sản phẩm sáng tạo có thể triển khai nhanh chóng. Ví dụ như VNPT hiện đang có chiến lược phát triển rất mạnh cho mảng băng rộng, đầu tư hàng nghìn trạm 4G để hình thành một mạng băng siêu rộng di động, với độ thông minh cao. Chúng tôi có rất nhiều giải pháp thông minh, công nghệ nền tảng sẵn sàng mở để các đối tác cùng phát triển trên đó”.
Với câu hỏi: Sắp tới VNPT có ý định thành lập một quỹ đầu tư cho các startup có ý tưởng công nghệ hay không?, ông Nguyễn Văn Tấn cho hay, VNPT đã có những nguồn vốn có thể đầu tư cho các dự án, hợp tác phát triển các ý tưởng khả thi. Chúng tôi rất mong muốn và rất sẵn sàng gặp các bạn, những người có ý tưởng để cùng trao đổi về cơ hội hợp tác.
Lãnh đạo VNPT đã nhận thức được rằng cần phải thành lập rất nhanh một môi trung tâm R&D, với những yêu cầu, nguyên tắc rõ ràng, công khai để tất cả những startup có ý tưởng, đáp ứng được những yêu cầu đó có thể đến và kết nối. Khi đó, những sản phẩm mới hoàn toàn có thể triển khai ngay trên hệ thống của VNPT.
Được biết, với vai trò là Tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực viễn thông, để bắt kịp xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, VNPT đang không ngừng phát triển các sản phẩm dịch vụ dựa trên các công nghệ mới với hạ tầng thông minh, kết nối thông minh và dịch vụ thông minh. VNPT sẵn sàng chia sẻ những thành tựu này với các startup, doanh nghiệp khởi nghiệp đang trên còn đường phát triển phía trước. Đặc biệt là những startup, doanh nghiệp khởi nghiệp đã, đang và sẽ tham gia Giải thưởng Nhân tài Đất Việt.
Kỷ nguyên bùng nổ của startup!
Là một chuyên gia tư vấn chiến lược, ông Nguyễn Hữu Thái Hoà nhìn nhận: Các startup, doanh nghiệp khởi nghiệp đang có những cơ hội rất lớn khi tiếp cận trên toàn cầu về một nền công nghiệp thông minh, thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong vòng 10 năm tới, ông Nguyễn Hữu Thái Hoà cho rằng đó là một kỷ nguyên bùng nổ của startup, với điều kiện chúng ta phải định vị lại startup. Phải có hướng phát triển start up một cách bài bản.
Tuy nhiên, Việt Nam đang cần những giải pháp công nghệ mới để giúp phát triển, tăng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Hữu Thái Hoà, để Việt Nam có thể dẫn dắt trong thời đại công nghiệp 4.0, một điều quan trọng là sự thay đổi tư duy của chính người Việt Nam, của từng bạn trẻ, từng startup. Công cụ và những gì chúng ta nhìn thấy trong thời đại thông tin không quan trọng bằng chính chúng ta phải thay đổi tư duy, chúng ta cần phải tận dụng cơ hội phát triển trên nền tảng công nghệ thông tin để mở ra tương lai cho khởi nghiệp.
Ông Nguyễn Hữu Thái Hoà chia sẻ tại Workshop: “Cách mạng công nghiệp 4.0 – Cơ hội nào cho Startup?”. Ảnh: Hữu Nghị.
Buổi trò truyện Workshop: “Cách mạng công nghiệp 4.0 – Cơ hội nào cho Startup?” nằm trong chuỗi chương trình của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017 được ông Nguyễn Hữu Thái Hoà nhắn nhủ tới những bạn trẻ, sinh viên bước trên con đường khởi nghiệp với hai chữ “tri thức”. Sẽ là hoàn toàn sai lầm khi hiểu rằng, để khởi nghiệp là phải ra đường kiếm tiền, bỏ học để đi bán café… Mà “điều quan trọng nhất của khởi nghiệp là phải tạo ra một lộ trình tri thức. Các em phải đóng gói tri thức từ nhà trường, từ xã hội, để khi bước ra làm startup, các em thực sự vững vàng” – ông Thái Hoà chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Hữu Thái Hoà, làn gió mới mà Tập đoàn VNPT cũng như những chuyên gia khởi nghiệp muốn thổi vào cộng đồng startup thông qua Workshop: “Cách mạng công nghiệp 4.0 – Cơ hội nào cho Startup?” là sự bài bản, là sự nghiêm túc và bắt đầu đưa ra chuẩn mực về startup. Khi những tiêu chuẩn Việt Nam về khởi nghiệp được đặt ra và áp dụng, chúng ta sẽ có tương lai rất khác về khởi nghiệp.
Workshop: “Cách mạng 4.0 – Cơ hội nào cho Startup?” nằm trong chuỗi chương trình giao lưu với cộng đồng khởi nghiệp tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017, với sự tham dự của các diễn giả nổi tiếng, có uy tín trong và ngoài nước về các chủ đề thiết thực.
Năm 2017, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt chính thức mở ra hệ thống giải thưởng “Công nghệ thông tin Khởi nghiệp”. Ban tổ chức mong muốn Nhân tài Đất Việt sẽ thu hút được sự quan tâm và tham gia tích cực của cộng đồng khởi nghiệp, đóng góp những sản phẩm công nghệ thông tin có chất lượng cao cho Giải thưởng.