Thế "kiềng ba chân" của Nam Tiến
Vượt khỏi hình ảnh một doanh nghiệp nhỏ ở tỉnh nghèo Lào Cai, sau 18 năm phát triển, Công ty Cổ phần Nam Tiến Lào Cai giờ đây đã tạo dựng được một nền tảng kinh doanh vững chắc, được ví với thế “kiềng nhiều chân”.
Vững bước từ đầu
Năm 1999, sau nhiều trải nghiệm thương trường, ông Hoàng Minh Tuấn quyết định cho thành lập Công ty Xây dựng công trình Nam Tiến. Chỉ với số vốn điều lệ ban đầu là 700 triệu đồng, tham vọng khi đó có lẽ cũng chỉ gói gọn trong việc nắm lấy những cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng ở tỉnh Lào Cai.
Tuy nhiên, với tài năng chèo lái đặc biệt của mình, ông Tuấn đã đưa Nam Tiến từng bước tiến lên, không ngừng mở rộng quy mô và địa bàn, lĩnh vực hoạt động. Với việc khẳng định uy tín của mình tại tỉnh Lào Cai, Công ty được giao thực hiện một số công trình trọng điểm của tỉnh về giao thông, thủy lợi… Nam Tiến đã đặt nền móng quan trọng trong lĩnh vực xây dựng tại Lào Cai. Tiếp đó, để công ty ngày càng phát triển bền vững và đa dạng, Hội đồng quản trị và ban lãnh đạo công ty đã chuyển đổi mô hình đầu tư các dự án dài hạn, sản xuất kinh doanh theo hướng vừa thi công vừa đầu tư.
Quy hoạch Khu đô thị mới Lào Cai – Cam Đường được phê duyệt, các dự án Tiểu khu đô thị số 1, Tiểu khu đô thị số 3, Tiểu khu đô thị số 5… lần lượt được giao cho Nam Tiến làm chủ đầu tư, tạo ra một nguồn công việc và doanh thu mới cho Nam Tiến. Đồng thời, với sự hình thành các khu đô thị mới, Công ty cũng đã đầu tư các dự án mang tính “phụ trợ” như dây chuyền nghiền xi măng, nhà máy sản xuất ống cống ly tâm dự ứng lực và ống thép chịu lực, dây chuyền khai thác và nghiền đá xây dựng…
Trên đà phát triển, năm 2005 Công ty đã mở rộng thị trường sang các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác với điểm nhấn đáng chú ý nhất là thủy điện. Nắm bắt cơ hội, Nam Tiến đã đầu tư xây dựng và hoàn thành cụm nhà máy Thủy điện Ngòi Xan - Lào Cai, gồm các Nhà máy: Vạn Hồ, Ngòi Xan I, Ngòi Xan II, Sùng Vui và nhà máy Trung Hồ với tổng công suất lắp máy 49,5MW. Các dự án này đều nhanh chóng phát huy hiệu quả và hiện Công ty đang tiếp tục đầu tư nhà máy thủy điện Minh Lương tại huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai với công suất lắp máy là 30MW, dự kiến đến đầu quý III/2017 phát điện thương mại. Cho đến nay, các dự án của Công ty hàng năm đã đóng góp hàng trăm triệu KW điện năng hòa lưới điện quốc gia.
Bên cạnh thủy điện, năm 2014, Nam Tiến cũng đã đầu tư dự án nhà máy phốt pho vàng công suất 9.800 tấn/năm. Hiện nay, dự án đã đi vào hoạt động ổn định mang lại doanh thu hàng năm đạt trên 600 tỷ đồng. Công ty cũng đang tiếp tục đầu tư dây chuyền sản xuất Axit phosphoric công suất 70.000 tấn/năm tại khu công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, trên diện tích gần 25ha với công nghệ tiên tiến, góp phần phát triển chung của thành phố Lào Cai ngày càng vững mạnh.
Chuyên nghiệp hóa để phát triển
Bà Cao Thị Thu Hiền - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nam Tiến Lào Cai cho biết, lãnh đạo một doanh nghiệp luôn là một thách thức lớn cho những người đứng đầu doanh nghiệp nói chung và Nam Tiến Lào Cai nói riêng. Đối với Nam Tiến Lào Cai, phương châm của Ban lãnh đạo công ty là “Đoàn kết phát huy nội lực là yếu tố rất quan trọng trong sự phát triển bền vững”.
“Trong một nền kinh tế cạnh tranh, ngoài việc định hướng để phát triển thì năng lực lãnh đạo là một yếu tố vô cùng quan trọng bên cạnh những kỹ năng, kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn. Chính vì vậy, một trong những thách thức lớn của DN hiện nay là cần nâng cao năng lực lãnh đạo cho những cán bộ quản lý điều hành.Vì họ là nhân tố chính thúc đẩy thành công cho công ty, tạo động lực cho cấp dưới, dẫn dắt và tạo sự gắn kết tập thể cùng phấn đấu vì mục tiêu chung”, bà Hiền nói.
Bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước đã và đang có nhiều thay đổi nhanh chóng. Vậy trong tương lai, về mặt quản trị, Nam Tiến sẽ làm gì để thích ứng với không gian kinh doanh mới và liên tục thay đổi này? Trả lời câu hỏi này, nữ CEO tuổi 40 cho hay Nam Tiến xác định yếu tố con người, đóng vai trò vô cùng quan trọng với sự phát triển.
Những năm qua, Công ty luôn quan tâm đến lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là đội ngũ trí thức trẻ. Công ty cũng luôn tạo mọi điều kiện cho cán bộ, công nhân viên được tham gia các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Bên cạnh đó, Công ty còn rất chú trọng đến công tác tổ chức, sắp xếp nhân lực, nhằm phát huy tối đa năng lực của mỗi cá nhân. Do đó hiện nay, hầu hết các cán bộ quản lý đều có trình độ đại học, trung cấp, đại bộ phận công nhân đã qua đào tạo.
Theo bà Cao Thị Thu Hiền - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nam Tiến Lào Cai, sau 18 năm xây dựng và phát triển, đến nay Công ty đã có gần 900 công nhân viên, thu nhập bình quân người lao động trên 7,5 triệu đồng/người/tháng, vốn điều lệ của Công ty trên 500 tỷ đồng và doanh thu hàng năm đạt khoảng trên 1.200 tỷ đồng, nộp Ngân sách nhà nước hàng năm trên 60 tỷ đồng. Có thể nói Nam Tiến thực sự đã là một tập đoàn tư nhân đa ngành với 06 công ty thành viên, và cuộc chơi đa ngành vẫn đang được tiếp tục với nhiều kế hoạch đầy tham vọng mới.
Mai Hoàng