Kiến nghị Quốc hội quan tâm kiện toàn cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đà Nẵng

(Dân trí) - Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, ngày 25-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2018. Đại biểu (ĐB) Quốc hội Nguyễn Thanh Quang (Đà Nẵng) phát biểu ý kiến thảo luận.

Kiến nghị Quốc hội quan tâm kiện toàn cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đà Nẵng - 1

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Quang (Đà Nẵng) phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận ngày 25-5. Ảnh: HỮU HOA

Theo ĐB Nguyễn Thanh Quang, năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, công tác phòng, chống tham nhũng đạt kết quả tích cực, công tác an sinh xã hội được quan tâm đúng mức. Sự điều hành của Chính phủ vừa toàn diện, vừa có trọng tâm, giữ được sự ổn định và phát triển đất nước.

Niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, điều hành của Chính phủ ngày càng được nâng cao. Nhân dân và cử tri rất mong muốn thời gian đến tiếp tục ổn định và phát triển đất nước.

ĐB cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình quản lý ở các địa phương, đã nổi lên hàng loạt những sai phạm trong lĩnh vực quy hoạch, quản lý đất đai, xây dựng, công tác cán bộ...

Có thể nói các sai phạm này có tính hệ thống, kéo dài trong nhiều năm nhưng không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, đến nay đã để lại những hệ lụy to lớn và nhiều khó khăn, vướng mắc rất cần sự quan tâm tháo gỡ của Quốc hội, sự vào cuộc “giải cứu” quyết liệt của Chính phủ.

Thành phố Đà Nẵng không chỉ nằm trong tình trạng ấy, mà còn có điều cử tri và nhân dân hết sức quan tâm, lo lắng đó là sự chậm trễ kiện toàn vị trí cán bộ chủ chốt, không có Chủ tịch HĐND, thiếu Phó Chủ tịch HĐND và UBND thành phố.

Mặc dù đang tập trung khắc phục những khuyết điểm mắc phải trong thời gian qua và nỗ lực hết mình để có thể tiếp tục giữ đà tăng trưởng, phát triển tương xứng với sự phát triển chung của đất nước, nhưng một số nút thắt mà bản thân Đà Nẵng dù hết sức cố gắng cũng không giải quyết được.

Theo ĐB Nguyễn Thanh Quang, từ năm 2000 đến năm 2012, Đà Nẵng có chủ trương nếu trong thời hạn 60 ngày mà người dân và doanh nghiệp được giao đất nộp đủ tiền thì được giảm 10% trên tổng số tiền đất phải nộp. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho doanh nghiệp ghi rõ là thời hạn “lâu dài” nếu nộp đủ tổng số tiền theo giá đất ở.

Năm 2012, trong kết luận của Thanh tra Chính phủ yêu cầu Đà Nẵng phải thu hồi số tiền đất 10% đã giảm và điều chỉnh lại thời hạn giao đất từ lâu dài thành 50 năm. Nhưng thực tế cho thấy, rất nhiều trường hợp người dân, doanh nghiệp đã bán đi bán lại nhiều lần phần diện tích đất nêu trên, và thế là những chủ nhân hiện nay ngoài việc phải mua lại đất theo giá thị trường vừa phải thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ là trả thêm 10% tiền sử dụng đất mà người mua đầu tiên đã được giảm, phải điều chỉnh lại thời gian sử dụng đất từ “lâu dài” thành “50 năm”.

Chính điều đó đã làm giảm giá trị của lô đất khi đưa vào sản xuất, kinh doanh, thực hiện các giao dịch tài chính như cầm cố, thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất… gây ảnh hưởng rất lớn đến phát triển sản xuất trên địa bàn thành phố.

Người dân và doanh nghiệp cho rằng, ai sai nấy chịu, sai ở đây là do chính quyền nên chính quyền phải chịu trách nhiệm, còn người dân và doanh nghiệp đã làm đúng theo quy định của chính quyền. “Đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, có cơ chế xử lý theo hướng chấp nhận cho người dân, doanh nghiệp không phải nộp 10% tiền đất đã giảm và không điều chỉnh thời hạn sử dụng đất từ “lâu dài” thành “50 năm”, ĐB Nguyễn Thanh Quang nhấn mạnh.

ĐB Nguyễn Thanh Quang cho biết, sau hơn 20 năm tái thiết đô thị, thành phố đã di dời giải tỏa hơn 110 ngàn hộ gia đình. Đây là sự hy sinh to lớn của nhân dân đã ủng hộ chủ trương của thành phố, tự nguyện bàn giao đất, nhà và di chuyển đến nơi ở mới.

Rất nhiều hộ gia đình trong số đó có hoàn cảnh hết sức khó khăn, số tiền được bồi thường, hỗ trợ chỉ đủ để xây dựng nhà để ở mà không đủ tiền để trả tiền đất và họ được Nhà nước cho nợ tiền đất quy theo giá vàng. Tuy rất tiết kiệm nhưng hiện nay còn trên 8.000 hộ dân chưa đủ tiền để trả tiền đất.

Nay Nhà nước có chủ trương nếu quá thời gian trả nợ cho phép thì khi trả tiền nợ đất phải trả theo giá đất được Nhà nước ban hành theo thời điểm mới nhất. Điều đó có nghĩa là người dân phải trả số tiền gấp ba, bốn lần so với số tiền họ nợ, vì giá đất càng ngày càng tăng, không giảm.

Cuộc sống của người dân khi di dời giải tỏa vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn, vì hy sinh ủng hộ chủ trương chung của thành phố thì nay lại rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, không có cơ hội thoát nợ. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, nhân dân đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép người dân tiếp tục được nợ đất quy theo giá vàng như trước đây thêm một khoảng thời gian nữa để họ an tâm làm ăn sinh sống, tiết kiệm, tích lũy để trả nợ.

Liên quan đến vấn đề này, UBND thành phố Đà Nẵng đã có nhiều văn bản kiến nghị. Kỳ họp thứ 4 vừa qua, Đoàn ĐBQH thành phố cũng đã nêu vấn đề này tại phiên thảo luận kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được xem xét, giải quyết. ĐB Nguyễn Thanh Quang đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm xem xét thấu đáo vấn đề này.

Theo ĐB Nguyễn Thanh Quang, những năm qua, được sự đồng ý và cho phép của Chính phủ, Đà Nẵng đã đầu tư xây dựng một số công trình phục vụ cho cuộc sống chung của người dân, tiêu biểu là công trình nút giao thông ngã ba Huế, với tổng trị giá trên 2.000 tỷ đồng, đã hoàn thành và đi vào sử dụng từ ngày 29-3-2015.

Mặc dù đã sử dụng hơn 3 năm qua, nhưng đến nay Chính phủ vẫn chưa cấp kinh phí để trả cho doanh nghiệp, làm ảnh hưởng rất lớn và gây khó khăn cho doanh nghiệp vì không có vốn để sản xuất kinh doanh, đồng thời ảnh hưởng đến uy tín của Chính phủ và chính quyền địa phương khi ký kết với doanh nghiệp, cam kết sẽ thanh toán cho họ trong thời gian ngắn sau khi làm xong công trình.

Về vấn đề này, tại kỳ họp thứ ba (khóa XIV), ĐB Quốc hội thành phố Đà Nẵng đã chất vấn Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình. Sau đó, ngày 20-12-2017, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 13501 thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thanh toán vốn cho dự án nút giao thông ngã ba Huế.

Theo đó, giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc bổ sung dự án vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Bộ Giao thông vận tải theo quy định. Nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn chưa được trả nợ. ĐB Nguyễn Thanh Quang đề nghị Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quan tâm sớm bố trí kinh phí trả nợ cho doanh nghiệp.

Theo Báo Đà Nẵng