Gần 70% doanh nghiệp ngành xây dựng báo lãi

(Dân trí) - Tưởng chừng năm 2012 là năm các doanh nghiệp xây dựng, BĐS đã “chết lâm sàng” nhưng thực tế từ những con số tổng kết không nói lên điều này. Mặt khác, mức giảm chung của giá nhà chưa đáng kể.

80% doanh nghiệp xây dựng, bất động sản vẫn báo lãi!
 
Theo con số Bộ Xây dựng đưa ra, tổng số doanh nghiệp ngành xây dựng đang hoạt động là 55.870 doanh nghiệp, gồm nhiều lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh như: xây dựng dân dụng và công nghiệp, xây dựng giao thông, xây dựng thủy lợi, thủy điện, hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh bất động sản… trong đó số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản là 7.848 chiếm 14%. Trong năm 2012, số doanh nghiệp ngành xây dựng có lãi là 37.197; số doanh nghiệp thua lỗ là 17.000, tăng hơn 2.000 doanh nghiệp thua lỗ so với năm 2011.
 
Theo số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ ngành xây dựng gia tăng mạnh trong các năm 2011 và 2012. Nếu như năm 2010 có 9.451/48.753 doanh nghiệp thua lỗ (chiếm 19,4%), thì đến năm 2011 có 14.998/48.733 doanh nghiệp thua lỗ (30,8%) và năm 2012 có 17.000/55.870 doanh nghiệp thua lỗ (30,4%). Đây là số liệu do các doanh nghiệp báo cáo, chưa qua kiểm toán nên chưa thể phản ánh hết thực trạng thua lỗ thực tế của các doanh nghiệp trong ngành xây dựng.
 
Đó là chưa kể đến 2.637 doanh nghiệp dừng hoạt động hoặc giải thể trong năm 2012.
 
Như vậy năm 2012 được các doanh nghiệp tự kêu là “khó khăn chưa từng thấy” thì số doanh nghiệp làm ăn có lãi vẫn gấp hơn 2 lần doanh nghiệp báo lỗ.
 
Phát biểu trong phiên giải trình trước UB Kinh tế Quốc hội, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết giá bất động sản giảm khoảng 5%, còn phân khúc chung cư là phân khúc kinh doanh chính của các doanh nghiệp bất động sản thì  giảm 15-29%.
 
Bất động sản nói chung giảm 5%, còn giá chung cư giảm nhiều nhất chỉ tiệm cận với ngưỡng 30% này được đánh giá là giảm cũng “vừa phải” chứ không giảm sâu như những báo cáo thị trường của các công ty tư vấn BĐS CBRE hay Savills nói giảm 30 tới 50% vẫn không bán được.
 
Tuy giảm ít như vậy nhưng trong năm 2012 những lời kêu cứu vẫn được Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội BĐS Việt Nam liên tục đưa ra, kèm theo kiến nghị những giải pháp ưu đãi hỗ trợ. Trong các kiến nghị này có đưa ra giải pháp giảm giá nhưng không nói rõ, đi sâu phân tích chi tiết về việc giảm giá này so với nhu cầu và túi tiền của người dân.
 
Khoảng vài tuần trở lại đây, tin từ Bộ Xây dựng và các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng các doanh nghiệp BĐS đã ùn ùn xếp hàng xin chuyển đổi dự án nhà thương mại sang nhà xã hội để được hưởng nhiều ưu đãi hơn.
  
V.Hoàng