Bánh chè lam vừa chín… giấc chiêm bao

Ăn một miếng chè lam cảm nhận vị dẻo dai của bột nếp, vị ngọt ngào của mật, một chút cay cay của gừng, một chút bùi bùi của lạc mà thấy cả tháng Chạp dồn vào và rét mướt bỗng dịu lại.

Vào độ tháng Chạp, bà tôi chọn thóc nếp cái hoa vàng hoặc nếp nhung đã được phơi phóng sàng sảy kĩ đem rang với cát đến khi nổ bỏng xòe hoa rồi sảy lại, loại vỏ trấu và thóc chưa nổ.

Bỏng nếp xay mịn, bột càng mịn thì bánh càng dẻo. Mật mía với mạch nha trộn nước nấu trên lửa liu riu cho đến khi sánh lại rồi trộn đều bột bỏng nếp với gừng nướng chín thái mỏng, thảo quả đã tán nhỏ cùng với đậu phộng rang giã rối.

Sau đó nhào kĩ chè lam cho thật dẻo, chia ra từng phên bánh chừng nửa cân hoặc 1 cân, lăn cho dền và phẳng, phủ bên ngoài một lớp bột mỏng để chè lam khô và khi cắt ra không dính.

Bánh chè lam vừa chín… giấc chiêm bao

Bà làm chè lam ngon đến nỗi cả làng bảo: “Ăn chè lam bà cụ Ưởng, uống bát nước chè xanh thì rét đến mấy cũng thấy ấm”. Ăn một miếng chè lam cảm nhận vị dẻo dai của bột nếp, vị ngọt ngào của mật, một chút cay cay của gừng và một chút bùi bùi của lạc mà thấy cả tháng Chạp dồn vào và rét mướt kinh hoàng kia bỗng dịu lại.

Thấy tháng Chạp không bờ xôi ruộng mật nhưng thơm lắm trên đồng Đống Mối khi mấy đứa trẻ chăn trâu lùi củ khoai lang với mấy gốc lạc vào gốc rạ vừa được gom để đốt. Má đứa nào cũng hồng căng nứt xinh xẻo không phải vì lửa rạ mà vì cơn gió bấc.

Mùa đông ngọt chè lam, ngọt khoai lang nướng, mặt đứa nào cũng lem nhem như mọc râu mèo, tiếng cười giòn vỡ vang cả cánh đồng. Người lớn đi làm đồng ngang qua nghỉ chân cười theo, vui vẻ cho thêm mấy bắp ngô nếp mẩy hạt, mấy củ khoai tây mới dỡ còn bám đầy đất.

Gốc rạ được gom về, đống lửa to hơn, bữa tiệc cánh đồng trở nên rất thịnh soạn. Đi đồng về, nhìn mặt các cháu lem nhem khói bụi rạ rơm, bà cười, răng hạt na lóng lánh hỏi các cháu: “Rét có ngọt không?”. Các cháu líu lo chạy ríu chân vào bếp đồng thanh trả lời: “Ngọt, ngọt lắm cơ, bà ạ!”.

Mỗi ngày đi học, bà cắt cho mỗi đứa một thanh chè lam rồi gói giấy cẩn thận cho cháu mang theo ăn vặt. Thỉnh thoảng bà gói thêm bánh gio để ăn kèm. Bánh gio nhạt và lạnh ăn chung với chè lam ngọt và ấm vị gừng, thật không có gì thú vị hơn. Chè lam bà làm xếp kín một cái nia, ai cũng hỏi sao bà làm nhiều thế, bà bảo tại con cháu đông, làm nhiều để ăn dần cho đến hết rét thì thôi.

Chè lam đâu chỉ xua rét mà còn là thức để cúng ông bà tổ tiên vào những dịp giỗ chạp, lễ tết. Ngày tết quê tôi, thiếu quà bánh nào cũng được nhưng nếu thiếu chè lam đãi khách thì xem như tết ấy thiếu nồng ấm. Bà kể ngày xưa mẹ chồng chọn con dâu không chỉ xem trọng gia thế, nhân thân mà còn xem kĩ góc bếp và thử tài làm chè lam và bỏng gạo.

Bánh chè lam vừa chín… giấc chiêm bao

Chè lam không bao giờ là món quà xa xỉ nhưng công phu, cẩn trọng và khi làm nén cả tình yêu thương của mình trong đó thì chè lam mới ngon. Ví như công đoạn nấu mật sơ ý là mật chua, nổ bỏng quá lửa thì chè lam nồng khét… Chỉ cần nhìn cách con dâu làm chè lam là mẹ chồng có thể biết cô ấy có nhẫn nại không? Có biết cách chăm sóc chồng con sau này không?

Người giữ lửa gia đình phải là người vén khéo, biết nâng niu trân trọng những giá trị cuộc sống. Cũng như vị ngọt bùi của chè lam vậy, đó là cả một hành trình công phu và cực nhọc.

Người ta không ăn chè lam lấy no mà nhai chầm chậm cho thấm vị của đồng áng, cảm nhận cái tình người gởi trao trong ấy. Nhấp thêm một ngụm trà để ấm bụng, để thấy yên bình, thư thái mọi bận rộn, lo toan của cuộc sống thường ngày dừng lại từ khi khách đến nhà, cầm trên tay một miếng chè lam để khi ra về ngoài kia gió bấc quăng roi trên không trung rồi vút mạnh xuyên qua lớp áo bông thì chè lam vẫn để lại dư vị thơm nồng nơi cuống họng.

Bà hay dặn với cái ăn đừng thô lỗ để “tham thành thâm” mà cn chú ý đến cách ăn và ý nghĩa của nó.

Đã lâu lắm tôi chưa được ăn “chè lam bà cụ Ưởng” ngon nhất làng Dục Quang (Việt Yên, Bắc Giang) từ khi bà theo ông về miền xa thẳm, khi tôi ly hương, cách biệt những đợt “rét ngọt” thấm thoát gần hai mươi năm.

Vẫn thói quen như hồi bà còn sống, các dì vào cuối Chạp gởi chè lam vô Nam cho cháu nhưng là chè lam mua từ xưởng bánh kẹo, chẳng ai còn thời gian để làm chè lam cả, cuộc sống cứ xoay vòng vòng tất bật.

Có lẽ vì thế tôi không nhận ra rét mướt trộn vào chè lam ngọt ngào để tạo thành cái “rét ngọt” đầy thương yêu của bà mà chỉ nhận ra cái vị hơi giông giống chè lam nhưng nhất quyết không phải là món chè lam đuổi rét như bà tôi đã làm. Trong chiêm bao đôi lần tôi thấy bà tôi làm bánh chè lam vừa chín, phần đầu tiên bao giờ bà cũng chia cho cháu…

Bánh chè lam vừa chín… giấc chiêm bao

Như buổi hôm nay, cầm trên tay miếng chè lam rưng rưng nhớ những điều đã cũ. Chuyện cây nêu xua quỷ, xua những điều xấu xa đã lâu làng tôi quên trồng; chuyện ngôi chùa có gốc gạo trăm tuổi cô độc đứng gác mỗi năm bật chồi non rủ chim chóc về ríu rít; chuyện nấu bánh chưng ngày tết phải lấy đóm tre rước ngọn lửa từ chiếc đèn dầu trên bàn thờ tổ tiên mà nhóm lửa gộc tre là cái lệ của tiền nhân lâu nay không còn nữa; chuyện nấu bánh chưng xong không chỉ cúng trời đất tổ tiên mà phải cúng bánh tạ lễ thần nước bằng cách thả bánh xuống ao vào đêm trừ tịch đến sáng sớm mùng một vớt lên; chuyện các bà các mẹ gội đầu đêm giao thừa vắt tóc xoay tròn hất nước đẹp như thể tóc đang múa vũ điệu mùa xuân…

Những chuyện ấy nếu tôi không ghi lại sợ sau này những riêng ẩn lo toan của cả một đời người xóa trắng đi thì kí ức của tôi nghèo nàn, lạnh lẽo lắm. Và có khi vì những điều quên nhớ ấy làm đường về quê mờ lối, cái rét ngọt tím tái thân thể kia khiến tôi e ngại mà quên đi cái ấm nóng của tình quê chất chứa trong miếng chè lam, bát nước chè xanh đã từng xua rét bằng vị ngọt ngào quê kiểng…

V.H

* Trích từ loạt bài “Hành trình tìm kiếm món ăn dân dã truyền thống ẩm thực ba miền” dành riêng cho chương trình Chiếc Thìa Vàng 2014