Công ty môi trường đô thị Đà Nẵng bị phạt hơn 1 tỷ, thay người đại diện vốn nhà nước

(Dân trí) - Ngày 26/10, lãnh đạo chính quyền TP Đà Nẵng đã ký quyết định xử phạt hơn 1 tỷ đồng đối với Công ty CP Môi trường đô thị TP do hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật. Cùng ngày, lãnh đạo chính quyền TP Đà Nẵng cũng ký các quyết định miễn nhiệm, điều động nhân sự thay người đại diện vốn nhà nước ở công ty này.

Cụ thể, Công ty CP môi trường đô thị Đà Nẵng nhận quyết định xử phạt 1,17 tỷ đồng do hành vi xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên trong trường hợp thải lượng nước thải từ 1200 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 1400 m3/ngày (24 giờ). Trong đó, đáng kể trong nước xả thải của Công ty có thông số Amoni vượt quy chuẩn hơn 35 lần; thông số Nito vượt quy chuẩn hơn 16 lần…

Ngoài ra, Công ty buộc phải chi trả phí mẫu chất thải với tổng số tiền 1.667.000 đồng theo Giấy báo trả tiền của Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2. Mọi chi phí tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả do công ty chi trả.

UBND thành phố yêu cầu Công ty cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt. Nếu quá thời hạn Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.

Được biết, hành vi xả nước thải vượt mức cho phép dẫn tới việc Công ty CP môi trường đô thị Đà Nẵng nhận phạt như trên xảy ra tại khu vực bãi rác Khánh Sơn (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng).

Cùng ngày 26/10, chính quyền TP Đà Nẵng đã quyết định miễn nhiệm người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty CP môi trường đô thị Đà Nẵng đối với ông Nguyễn Thanh Hùng (chủ tịch Hội đồng quản trí) và ông Đặng Đức Vũ (Tổng giám đốc); đồng thời điều động hai cán bộ này về nhận nhiệm vụ khác tại Sở Tài nguyên - Môi trường thành phố.

Thay vào đó, UBND TP quyết định điều động ông Phạm Thanh Phúc- Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT) làm người đại diện phụ trách chung và ông Phạm Quang Sáng - Phó tổng giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng làm người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty CP môi trường đô thị Đà Nẵng.

Công ty môi trường đô thị Đà Nẵng bị phạt hơn 1 tỷ, thay người đại diện vốn nhà nước - Ảnh 1.

Người dân sống xung quanh khu vực bãi rác Khánh Sơn thuộc xí nghiệp do Công ty CP môi trường đô thị Đà Nẵng quản lý bức xúc vì tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài.

Ngày 10/10, sau khi lãnh đạo UBND TP có buổi đối thoại với người dân ở khu vực xung quanh bãi rác Khánh Sơn (phường Hoà Khánh Nam, quận Liên Chiểu), UBND TP đã có văn bản yêu cầu Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan đơn vị liên quan xem xét trách nhiệm của Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng, nhất là trách nhiệm, năng lực của người đại diện vốn Nhà nước tại Công ty trong việc quản lý, điều hành để xảy ra những bất cập kéo dài, chậm triển khai các giải pháp thu gom, xử lý rác, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống người dân tại bãi rác Khánh Sơn.

 Lâm Đồng: Phạt 350 triệu đồng công ty chôn chất thải trái phép

Ngày 26/10, thông tin từ UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã ra quyết định xử phạt Công ty TNHH Môi trường Năng Lượng Xanh (tại tiểu khu 163B, xã Xuân Trường, TP Đà Lạt) vì hành vi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt trái quy định.

 

Công ty môi trường đô thị Đà Nẵng bị phạt hơn 1 tỷ, thay người đại diện vốn nhà nước - Ảnh 2.

Nhà máy xử lý chất thải rắn TP Đà Lạt bị xử phạt 350 triệu đồng vì chôn chất thải trái phép

 

Trước đó, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về Môi trường Công an tỉnh Lâm Đồng đã bắt quả tang Nhà máy xử lý chất thải rắn Đà Lạt (thuộc Công ty TNHH Môi trường Năng Lượng Xanh, trụ sở chính ở quận 10, TPHCM) lén lút chôn lấp khoảng 30.000m3 chất thải rắn (tương đương khoảng 40.000 tấn) trên diện tích 1ha đất trong khu vực, thay vì tiêu hủy bằng công nghệ đốt.

Sau đó, UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt hành chính số tiền 359 triệu đồng. Ngoài ra, UBND tỉnh Lâm Đồng còn buộc Công ty TNHH Môi trường Năng Lượng Xanh có biện pháp khắc phục hậu quả, khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu do hành vi chôn, lấp chất thải rắn gây ra.

Được biết, nhà máy xử lý chất thải rắn Đà Lạt chính thức đưa vào hoạt động từ năm 2015, với công suất thiết kế giai đoạn 1 là 200 tấn chất thải rắn/ngày. Tuy nhiên, từ khi hoạt động đến nay, nhà máy này thường xuyên không xử lý kịp thời rác thải dẫn đến tồn đọng kéo dài, gây ô nhiễm môi trường quanh khu vực.

Tâm An - N. Hà