Sóc Trăng:

Nhà máy xử lý nước thải gây ô nhiễm do quá tải

(Dân trí) - Nhiều người dân sinh sống quanh khu công nghiệp (KCN) An Nghiệp, thuộc xã An Hiệp, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) rất khổ sở vì tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng do nhà máy xử lý nước thải của Công ty Phát triển hạ tầng KCN Sóc Trăng gây ra.

Theo người dân phản ánh, sức khỏe người dân bị ảnh hưởng, sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại, cuộc sống xáo trộn khi nhà máy xử lý nước thải lại thản nhiên xả nước thải chưa qua xử lý ra bên ngoài.

Bà Sơn Thị Phi (một hộ dân sống gần khu vực ô nhiễm) cho biết: Tình trạng ô nhiễm này đã kéo dài nhiều năm qua, bà con ở đây đã kêu cứu tới các cơ quan chức năng nhưng không được xử lý dứt điểm khiến bà con rất bức xúc.

Ông Thạch Sà Rươn (nông dân xã Phú Tân) bức xúc: “Nước từ nhà máy xử lý nước thải tuôn ra ngoài chưa qua xử lý khiến cho mùi hôi thối bốc lên nồng nặc; ruộng rẫy của bà con nông dân chúng tôi bị thiệt hại nặng nề vì nước tưới bị ô nhiễm. Lúa lép, rau củ chưa tới kỳ thu hạch đã héo vàng. Thiệt hại này ai sẽ bồi thường cho chúng tôi?”.

Nguồn nước bị ô nhiễm nhưng chưa được xử lý triệt để.
Nguồn nước bị ô nhiễm nhưng chưa được xử lý triệt để.

Ông Trần Trường Giang- Giám đốc Công ty Phát triển hạ tầng KCN Sóc Trăng- giải thích: Tình trạng nước bị ô nhiễm là có thật. Nguyên nhân là do trước đây thiết kế công suất hoạt động của nhà máy chỉ phù hợp với thời điểm lúc đó, các nhà máy sản xuất, chế biến trong KCN chưa nhiều. Còn mấy năm gần đây, số lượng nhà máy, xí nghiệp tăng nhiều, lượng nước thải ra ngoài cũng tăng lên nên nhà máy xử lý nước thải trở nên quá tải, phải thải ra ngoài khi chưa xử lý triệt để.

Theo ông Giang, nhà máy xử lý nước thải và hệ thống thu gom nước thải tập trung KCN An Nghiệp đi vào hoạt động từ cuối năm 2009. Đã có 11 doanh nghiệp (DN) đấu nối nước thải vào hệ thống đưa về nhà máy xử lý nước thải tập trung. Tuy nhiên, nhiều DN không xử lý sơ bộ, chỉ qua lưới chắn rác, xả thẳng vào hệ thống thu gom đưa về nhà máy, nhà máy xử lý đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường với công suất khoảng 2.800m3/ngày đêm. Nhưng hiện tại nhà máy phải tiếp nhận nước thải của các DN trung bình từ 3.300- 3.800 m3/ngày đêm, vượt từ 500-1000m3/ngày đêm. Lượng nước thải không xử lý hết nhà máy xả qua các ao chứa nước thải trong KCN. Khả năng xử lý bằng thực vật thủy sinh như: bồn bồn, lục bình, rau ngổ… ở các ao chứa nước thải không mang lại hiệu quả như mong đợi, gây ra tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống người dân quanh KCN An Nghiệp.

Tuy nhiên, theo nhiều người dân, công suất thiết kế của nhà máy là 4.000m3/ngày đêm, nhưng hiện nay chỉ xử lý đạt 70%, tương đương 2.800m3/ngày đêm nên không thể gọi là quá tải.

Ông Trần Văn Thanh- Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Nguyên nhân chính trong công tác xử lý chất lượng nước thải chưa đạt quy chuẩn do công tác duy tu bảo dưỡng không thực hiện đúng theo quy định dẫn tới tình trạng xử lý nước thải không theo công suất mong muốn”.

Trước thực trạng đó, ông Trần Thành Nghiệp- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu BQL các KCN và Công ty Phát triển hạ tầng KCN An Nghiệp cần khẩn trương khắc phục nhanh tình trạng ô nhiễm. Công ty Phát triển hạ tầng KCN An Nghiệp phải rà soát lại quy trình vận hành của nhà máy, đồng thời tiếp tục phun xịt chế phẩm sinh học khử mùi hôi.

Ông Trần Trường Giang cho biết thêm: “Hiện nay, tỉnh đã có đoàn công tác phối hợp với BQL các KCN đến từng DN trong KCN để vận động tuyên truyền thực hiện biện pháp xử lý sơ bộ, áp dụng biện pháp sản xuất sạch hơn nhằm giảm sức ép cho nhà máy xử lý nước thải. Bên cạnh đó, Công ty Phát triển hạ tầng KCN An Nghiệp tiến hành rà soát, bảo trì hệ thống xử lý nước thải; trang bị thêm xe chở bùn, bã ra bãi rác tập trung nhằm giảm thiểu mùi hôi trong khu vực”. 

Bạch Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm