TPHCM:

Mỗi ngày thải trên 2.000 tấn bao bì nhựa

(Dân trí) - Thiếu những quy định cụ thể nhằm khuyến khích việc tái chế chất thải rắn, hàng ngày người dân TPHCM thải ra ngoài hàng ngàn tấn giấy và bao bì nhựa, đe dọa nghiêm trọng đến môi trường.

Mỗi ngày thải trên 2.000 tấn bao bì nhựa  - 1

Rác thải trên những dòng kênh đen kịt chủ yếu là bao nilon

 

 

Nhựa và  giấy chiếm tỷ lệ  cao trong chất thải rắn

 

Thống kê của Sở  Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho thấy trong những thành phần của chất thải rắn thì chiếm tỷ  lệ cao nhất về khối lượng là thực phẩm, sau đó là đến nhựa và giấy. Trong rác thải rắn ở chợ và nhà hàng khách sạn thì thực phẩm chiếm đến 100%, ở trường học là 75,8%. Đáng chú ý, rác nhựa chiếm đến 10,8% trong rác thải ở hộ gia đình và tăng lên đến 19% ở trường học. Rác nilon cũng chiếm tỷ  lệ khá cao trong chất thải rắn ở hộ gia đình và trường học với tỷ lệ 34-36%. Tỷ lệ giấy các loại trong chất thải rắn của hộ gia đình chiếm đến 24,3%.

 

Qua bảng số liệu này, ông Nguyễn Trọng Nhân, chuyên viên phòng quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên môi trường TPHCM nhận định một số lượng lớn giấy phế liệu và nhựa không được thu gom để tái sử dụng mà đi thẳng vào bãi chôn lấp rác. 

 

Số liệu cho thấy mỗi ngày hệ thống xử lý chất thải rắn của TPHCM thu gom và xử lý chất thải rắn đô thị được trung bình 6.000 tấn/ngày (đạt 93%) với công nghệ xử lý là chôn lấp hợp vệ sinh. Tuy nhiên, với tỷ lệ phát thải bao bì nhựa đến 36% thì có nghĩa là mỗi ngày TPHCM thải ra khoảng gần 2.200 tấn bao bì nhựa. Còn với tỷ lệ thải giấy các loại chiếm 24,3% tổng lượng chất thải rắn thì có nghĩa là hàng ngày TPHCM thải khoảng 1.440 tấn giấy.

 

Thiếu quy định khuyến khích việc tái chế

 

Nguyên nhân chính theo ông Nguyễn Trọng Nhân là do TPHCM chưa có chủ trương cụ thể về quản lý và khuyến khích tái sử dụng và tái chế bao bì nhựa. Do đó, đa số các đơn vị tái chế nhựa đều không mạnh dạn đầu tư công nghệ mới. Đồng ý với quan điểm này, TS Lê Văn Khoa, Quỹ tái chế chất thải TPHCM cũng nhận định: Hiện nay, vẫn chưa có một quy định, hướng dẫn cụ thể nào của chính quyền về quyền và trách nhiệm của các nhà sản xuất, các nhà phân phối cũng như người tiêu dùng trong việc quản lý sử dụng bao bì. Trong khi đó, bao bì được xem như là một phần không thể thiếu đối với các loại hàng hóa. Nhưng đây lại là một nguồn rác thải gây ảnh hưởng lớn tới môi trường bởi việc sử dụng quá mức và việc thu gom, tái chế chưa tương xứng. 

 

Phân tích cụ thể  hơn về công nghệ tái chế chất thải, ông Nguyễn Trọng Nhân nhận định công nghệ tái chế nhựa của TPHCM sau 30 năm vẫn không có những chuyển biến đáng kể, hiệu suất tái chế thấp, chất lượng hạt nhựa kém và chi phí sản xuất cao. Chính vì công nghệ cũ kỹ lạc hậu nên chất lượng bao bì nhựa càng thấp và sau thời gian tái sử dụng phải thải bỏ bao bì nhựa không thể sử dụng được. Thông thường bao bì nhựa trong rác chỉ được tái chế một lần với tỷ lệ pha trộn 70% tổng khối lượng. Để sản xuất được 1 tấn bột giấy cần đến 5m3 gỗ và 100 m3 nước.  Tuy nhiên vì giấy có khả năng phân hủy nhanh hơn nhựa nên mức độ gây ô nhiễm thấp hơn nhựa. 

 

Trước tình hình đã  đến lúc phải báo động, TS Lê Văn Khoa, Quỹ  tái chế chất thải TPHCM đề xuất các giải pháp. Theo đó, nhóm các giải pháp mang tính pháp lý bao gồm: Cấm phân phát bao bì (nilon) miễn phí; Quy định phân loại các loại chất thải bao bì tại nguồn. Bắt buộc các nhà sản xuất có trách nhiệm thu hồi, xử lý sản phẩm bao bì của mình. Quy định tỷ lệ sản xuất bao bì không thể tái chế, khuyến khích bao bì thân thiện với môi trường và có khả năng tái chế được. Đưa ra các quy định, tiêu chuẩn cho các loại bao bì. Quy định về dán nhãn bao bì: hướng dẫn thải bỏ và phân loại, tái chế, cảnh báo về các mối nguy hiểm do ô nhiễm trên các loại bao bì không thể tái chế. 

 

Nhóm các giải pháp mang tính kinh tế như là Thu thuế sản xuất/sử dụng bao bì. Khuyến khích thị trường tiêu thụ sản phẩm bao bì tái chế bằng các ưu đãi về thuế. Ngoài ra, nên thành lập Hiệp hội Tái chế. Lập các điểm thu gom bao bì đã sử dụng. Hỗ trợ hoạt động tái chế (hỗ trợ thông tin, công nghệ, mặt bằng cho các cơ sở thu gom, xử lý, tái chế bao bì). 

 

Hiếu Hiền