Kiên Giang: 20.000 hộ dân “khát” nước sinh hoạt
(Dân trí) - Do nắng nóng kéo dài, nước mặn tiến sâu vào đất liền của các huyện Châu Thành, An Minh, An Biên, Kiên Hải… nên đã có 10 trạm cấp nước nông thôn ngưng hoạt động vì nhiễm mặn, từ đó ảnh hưởng đến khoảng 20.000 hộ dân đang “khát” nước sinh hoạt nghiêm trọng.
Ngày 18/3, trao đổi với PV Dân trí, ông Đào Thanh Hóa - Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh Môi trường nông thôn tỉnh Kiên Giang - cho biết, hiện tình hình hạn hán và xâm nhập mặn đang ảnh hưởng đến hàng chục ngàn hộ dân sinh sống vùng nông thôn, nhất là vùng ven biển và hải đảo của tỉnh Kiên Giang.
Cụ thể, theo ông Hóa, tính đến thời điểm hiện tại đã có 10 trạm cấp nước nông thôn trên địa bàn các huyện: Kiên Lương, Tân Hiệp, Châu Thành, An Biên, An Minh, Kiên Hải và TP Rạch Giá bị nhiễm mặn, không thể hoạt động. Từ việc này, đã ảnh hưởng trực tiếp đến trên 20.000 hộ dân đang sinh sống ở các địa phương này.
Ngoài ra, ông Hóa còn thông tin thêm tại các xã ven biển như Vân Khánh Đông, Vân Khánh Tây, Đông Hưng A (huyện An Minh) và nhiều xã ở huyện An Biên người dân phải mua nước sinh hoạt, trung bình từ 40 – 60.000 đồng/1m3). Riêng các xã đảo thuộc huyện Kiên Hải, như Nam Du, An Sơn… phải bỏ ra số tiền từ 150.000 – 200.000đồng mới có 1m3 nước ngọt xài.
Trước tình hình thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng tại xã đảo An Sơn, chính quyền địa phương đã cho khai thác hồ nước Nam Du (xã An Sơn) để cấp cho dân với định mức mỗi hộ 10 can loại 30 lít/lần. Do nắng nóng kéo dài thời gian qua và lượng nước cấp phục vụ cho bà con nên hiện nay hồ chứa 30.000m3 này hiện chỉ còn khoảng 1/3, nên sẽ không cầm cự nổi hết mùa khô này.
Về giải pháp đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho bà con vùng nông thôn, hải đảo, ông Hóa cho biết: “Đơn vị chúng tôi đã có kiến nghị với UBND tỉnh về việc cấp kinh phí hỗ trợ hoặc thuê các xà lan chở nước ngọt từ đất liền ra các xã đảo phục vụ nhu cầu ăn, uống, sinh hoạt của người dân trong các tháng cao điểm mùa khô. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí chưa có nên đến nay vẫn chưa thực hiện được việc này. Ngoài ra, chúng tôi còn xin thêm kinh phí để cải tạo các giếng đã xuống cấp, mua bồn chứa nước… cho bà con, vì tình hình hạn, mặn còn diễn biến phức tạp.
Ông Danh Hương - một hộ dân sống trên tuyến đê ven biển thuộc ấp Giồng Kè, xã Bình Giang (huyện Hòn Đất) cho biết, Nhà chỉ mua nổi 02 cái khạp chứa nước do vậy cứ qua Tết là nước trong khạp đã cạn. Nếu các hộ khó khăn như chúng tôi được nhà nước hỗ trợ tiền mua các dụng cụ chứa nước thì những lúc hạn, mặn thế này bà con chúng tôi đỡ khổ lắm.
Nguyễn Hành