Cứu hộ 63 cá thể tê tê tại Thanh Hóa, Nghệ An

(Dân trí) - Trong 3 ngày qua, có 56 cá thể tê tê được cứu hộ tại Thanh Hóa và 7 cá thể tê tê khác được tiếp nhận từ Vườn Quốc Gia Pù Mát (Nghệ An) về để chăm sóc tại Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Động vật hoang dã thuộc Tổ chức Save Vietnam’s Wildlife.

Cũng trong thời gian này, Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Động vật hoang dã đã nhận bàn giao một cá thể tê tê từ người dân TPHCM.

Đây là số lượng tê tê lớn nhất mà trung tâm từng cứu hộ. Đặc biệt, trong số 7 cá thể tê tê tiếp nhận từ VQG Pù mát, có 2 cá thể tê tê vàng – là loài rất khó tìm thấy ở Việt Nam và đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.

Cụ thể, Ngày 14/8, Chương trình Bảo tồn Thú ăn thịt và Tê tê (CPCP), một Chương trình hợp tác giữa Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Động vật hoang dã (Save Vietnam’s Wildlife - SVW) và Vườn Quốc gia (VQG) Cúc Phương đã tiếp nhận 56 cá thể Tê tê Java (Manis javanica) từ Công an huyện Nga Sơn, Thanh Hóa.

tete-thanh-hoa-47aca
56 cá thể tê tê được thu giữ tại cơ quan công an huyện Nga Sơn, Thanh Hóa (Ảnh: L.N)

Theo nhận định ban đầu, đa số các cá thể tê tê đều khỏe mạnh, có một số con bị thương do ở đầu và chân và một số khác khá yếu. Kiểm tra túi lưới thấy một số túi mấu thép buộc còn mới và số khác mấu thép đã rỉ, điều đó chứng tỏ số tê tê được thu thập, mua bán trái phép tại nhiều địa điểm và  thời gian khác nhau trước khi cơ quan chức năng bắt giữ.

 

cu-ho-tete-thanh-hoa-af68d
Các cá thể tê tê được chuyển vào các chuồng tại khu kiểm dịch của trung tâm cứu hộ (Ảnh: L.N)

Cùng ngày, Chương trình CPCP) cũng đã tiếp nhận 6 cá thể tê tê từ VQG Pù Mát (Con Cuông, Nghệ An) và 1 cá thể tê tê từ cảnh sát môi trường tỉnh Nghệ An (CSMT Nghệ An)

tha-tete-pumat-ea3f1
1 trong 2 cá thể tê tê vàng được thả trong khu chuồng tạm thời của VQG Pù Mát (Ảnh: L.N)

Trước đó, VQG Pù Mát tiếp nhận 10 cá thể tê tê từ CSMT Nghệ An. Ngày 12 tháng 8 năm 2015, Save Vietnam’s Wildlife nhận được thông tin và liên hệ chi cục kiểm lâm tỉnh Nghệ An và ban lãnh đạo VQG Pù Mát về trường hợp các cá thể tê tê trên. Tại đây, do điều kiện chuồng nuôi nhốt được thiết kế cho các loài khác, nên không hoàn toàn phù hợp với tê tê. Ngoài ra các cán bộ ở đây cũng thiếu kinh nghiệm điều trị và phục hồi, đặc biệt như chưa bao giờ tiến hành các hoạt động chăm sóc tê tê. Nhận thấy sự cấp thiết trong việc chuyển giao kỹ thuật, cũng như giúp chăm sóc cho những cá thể tê tê trên, SVW đã cử chuyên gia trực tiếp đến VQG Pù Mát giúp các cán bộ kiểm lâm ở đây cứu hộ tê tê.

Ngày 12 tháng 8 năm 2015, anh Lâm Thuận (36 tuổi, cư trú tại TPHCM) đã liên lạc với Save Vietnam’s Wildlife để tình nguyện giao nộp một cá thể tê tê Java (Manis javanica) để bảo tồn. Save Vietnam’s Wildlife nhanh chóng cử cán bộ vào TPHCM để kiểm tra và khám sức khỏe cho cá thể tê tê này và sẽ tiến hành tái thả tê tê nếu điều kiện sức khỏe của tê tê tốt.

ban-giao-tete-hcm-0fbcb
Anh Lâm Thuận (thứ 2 từ trái sang) cùng cán bộ của SVW bàn giao cá thể tê tê cho Trạm Cứu hộ Động vật hoang dã Củ Chi của Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WAR) (Ảnh: L.N)

Qua kiểm tra, tê tê giới tính cái, cân nặng 4kg, bị thương ở vị trí gốc đuôi và bàn chân trước bên trái bị cụt. Cán bộ của SVW nhận định không thể tái thả cá thể tê tê này về tự nhiên vào lúc này vì sức khỏe quá yếu và đang bị thương.

Ngày 13 tháng 8 năm 2015, SVW nhanh chóng liên lạc và cùng với anh Thuận trực tiếp đi một quãng đường 60km đến Trạm Cứu hộ Động vật hoang dã Củ Chi của Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WAR) để tiến hành chăm sóc, phục hồi.

Tê tê là loài động vật hoang dã, quý hiếm được xếp vào danh sách "nguy cấp", được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP. Chúng thường bị săn trộm để lấy thịt và vẩy – vì nhiều người tin rằng thịt và vẩy của chúng có công dụng kỳ diệu trong y học, tuy nhiên, những niềm tin đó vẫn chưa được khoa học kiểm chứng.

Nguyên An