Hà Tĩnh:

Bàng hoàng cá chết trắng chỉ sau một đêm

(Dân trí) - Chỉ sau 1 đêm, người nuôi cá lồng bè tại thị trấn Nghèn (huyện Can Lộc) đang phải đối diện với cảnh trắng tay do cá chết hàng loạt.

Đây là vụ cá đầu tiên của 32 hộ dân ở thị trấn Nghèn (huyện Can Lộc) nên người dân hết sức chăm chút và kỳ vọng vào những lồng cá này. Các chủ bè đã đầu tư hàng chục triệu đồng vào việc nuôi cá lồng bè trên sông.

Tuy nhiên, chưa kịp vui mừng, người nuôi cá đang thấp thỏm không yên vì cá chết trắng tại nhiều bè. 

Đi dọc bờ sông Nghèn, điều dễ nhận thấy là mùi hôi tanh bốc lên nồng nặc cả một vùng. Không chỉ khu vực trong bè, mà bên ngoài nhiều loại  thủy sản cũng chết nổi đầy trên măt nước.

Anh Trần Văn Trung (Sn 1982) một trong những chủ bè cá tại đây cho biết: “Mùi tanh này từ các cá chết vớt không kịp với lại dưới lòng sông số cá chết chưa nổi còn không thể kể hết. Mấy hôm trước còn dám rửa chân, chứ mấy ngày lại đây, không ai dám rửa chân dưới sông vì nước đục và tanh quá".

Người dân vớt xác cá chết để đi... vứt
Người dân vớt xác cá chết để đi... vứt

Theo nhiều hộ dân nuôi cá kể lại, bắt đầu từ khoảng 4 ngày trước, nước sông Nghèn tại đây có hiện tượng đổi màu như màu nước mắm nhĩ kèm theo mùi hôi tanh. Đến 4h sáng ngày 23/9, nhiều hộ dân ra cho cá ăn thì phát hiện cá chết hàng loạt ở tất cả các bè.

“Lúc đầu chỉ rải rác từ vài chục con trong một lồng, thế nhưng càng vớt số các chết càng nổi lên nhiều. Lúc này, nhiều người dùng vợt vớt sâu hơn dưới lòng các lồng thì phát hiện số cá chết chìm vô số, gần như là tất cả”, anh Trần Văn Lịnh cho biết thêm.

Để hạn chế ô nhiễm, từ 4h sáng đến 12 đêm ngày 23/9, nhiều người dân đã dùng thuyền chèo ra các lồng bè và khu vực xung quanh sông, sử dụng các công cụ như: lưới, vợt để vớt cá. Nhiều hộ gia đình vớt được khoảng vài chục kg cá, chủ yếu là cá trắm cỏ, chép, cá leo, rô phi…Con lớn nhất có trọng lượng khoảng1,5 kg.

Tuy nhiên, ngày 24/9, người dân gần như buông xuôi chán nản vì số xác cá vẫn tiếp tục nổi lềnh bềnh trên các lồng bè. Số còn sống được di chuyển đi nhưng không đáng kể, một số cá chưa chết nhưng đang trong tình trạng lờ đờ trên mặt nước. Thậm chí một số cá lúc đầu chưa có hiện tượng bất thường nhưng chỉ sau một buổi thả tại áo nhà đã chết cứng nổi lên trên mặt nước.

“Có vớt cũng không bán được, mà mình bán cũng không nỡ. Có nhiều con cá leo tầm 1kg, mới chết còn đỏ mang, đem cho người dân cũng không dám ăn, mà cũng không dám đưa về cho lợn vì sợ mắc bệnh. Trong khi đó, bình quân mỗi con cá leo có giá bán từ 120 – 150 ngàn đồng/kg”, anh Trung chán nản.

Được biết, tại khu vực này có 32 hộ nuôi cá lồng bè với diện tích 62m vuông mặt nước/bè. Mỗi lồng có khoảng 1.800 con, trong đó một số giống đã đến kỳ thu hoạch với nhiều loại như: trắm đen, diêu hồng, cá leo, rô phi, cá vược…

“Chưa kể tiền lồng bè, tiền giống, chỉ riêng tiền thức ăn mỗi tháng cũng gần 10 triệu/bè. Vụ đầu tiên nhưng chắc cũng là vụ cuối vì bọn em khiếp quá”, anh Lịnh lắc đầu.

Ngay sau khi phát hiện hiện tượng cá chết hàng loạt, chính quyền địa phương cùng với ngành chức năng đã trực tiếp đến xuống các hộ nuôi cá lồng tại  thị trấn Nghèn kiểm tra, tiến hành xét nghiệm nguồn nước. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có thông tin ban đầu.

Tại 32 bè cá của người dân thị trấn Nghèn, cá đồng loạt chết trắng.
Tại 32 bè cá của người dân thị trấn Nghèn, cá đồng loạt chết trắng.

Bà Lê Thị Quỳnh Nga – Phó trưởng phòng thú y, thủy sản (Chi cục Thú y Hà Tĩnh), cho biết: “Trong chiều qua, chúng tôi đã cho mổ các xác cá để kiểm tra dịch bệnh trong cá tuy nhiên không phát hiện có hiện tượng bất thường. Có thể khẳng định nguyên nhân cá chết tại thị trấn Nghèn không phải do dịch bệnh gây ra”.

Số cá vớt vát còn lại của 32 hộ nuôi cá tại thị trấn Nghèn.
Số cá vớt vát còn lại của 32 hộ nuôi cá tại thị trấn Nghèn.

“Hiện, chúng tôi đã tuyên truyền người dân đưa các loại cá còn sống di chuyển sang khu vực khác như ao nhà, các hồ lân cận không tiếp giáp với nguồn nước sông… Đây chỉ mới là giải pháp ban đầu, chúng tôi còn chờ kết quả và ý kiến từ các các cơ quan chức năng sẽ có biện pháp khắc phục tiếp theo”, ông Phan Văn Cường – trưởng phòng Nông nghiệp huyện Can Lộc cho biết.

Được biết, 32 hộ dân tại đây nuôi trồng  được hỗ trợ 30 triệu đồng kinh phí để làm lồng bè theo chính sách hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản của tỉnh Hà Tĩnh. Tuy nhiên, chỉ mới được hỗ trợ 70 % ban đầu (khoảng 21 triệu), còn 30% sau khi nghiệm thu sẽ chi trả.

Ngoài huyện Can Lộc, trước đó tại xã Hộ Độ (huyện Lộc Hà) cũng xuất hiện hiện tượng cá chết hàng loạt. Nguyên nhân được xác định là do mưa lớn kéo dài làm thay đổi độ mặn của mặt nước và kênh Đò Điệm xả lũ bất ngờ làm giảm oxi.

Phượng Vũ