Anh giúp Đà Nẵng giảm phát thải khí nhà kính cho khu công nghiệp

(Dân trí) - Ngày 6/1, tại Đà Nẵng, Viện nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp (IPSI), Quỹ Châu Á và UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo “Xây dựng kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính cho khu công nghiệp và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp”.

Dự án do Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh tài trợ và Quỹ Châu Á hỗ trợ quản lý từ năm 2013. Kế hoạch hành động được IPSI xây dựng dựa trên kết quả khảo sát, tham vấn ý kiến của 20 doanh nghiệp trong hai khu công nghiệp Hòa Khánh và Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng, các sở ban ngành liên quan về phát thải khí nhà kính. Kế hoạch hành động là tập hợp các giải pháp kỹ thuật, các chính sách hỗ trợ, trong đó đặt ra các mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính gắn liền với lộ trình thực hiện và trách nhiệm cụ thể của doanh nghiệp.

Hội thảo được tổ chức tại Đà Nẵng ngày 6/1
Hội thảo được tổ chức tại Đà Nẵng ngày 6/1

Kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính của khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng được xây dựng trong giai đoạn 2013 – 2014 và được UBND TP Đà Nẵng thông qua vào tháng 8/2014. Hiện tại, các bên đang nỗ lực triển khai các hoạt động đề ra trong bản kế hoạch hành động cho khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương) và Trung tâm tiết kiệm năng lượng (Sở Khoa học công nghệ). Dự án đã hỗ trợ tổng cộng 6 doanh nghiệp và dự kiến tiếp tục hỗ trợ 1 doanh nghiệp trong khu công nghiệp Hòa Khánh triển khai các hoạt động tiết kiệm năng lượng, góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Sở Tài nguyên – Môi trường Đà Nẵng hiện đang xây dựng và thí điểm hệ thống quản lý phát thải khí nhà kính trực tuyến cho 2 khu công nghiệp nói trên. Đồng thời tổ chức chương trình truyền thông về giảm phát thải khí nhà kính đối với các doanh nghiệp và hàng trăm cán bộ công nhân viên làm việc trong khu công nghiệp.

Việc triển khai dự án nói chung, xây dựng và thực hiện các giải pháp đề ra trong kế hoạch hành động nói trên vừa góp phần giúp UBND TP Đà Nẵng thực hiện đề án “Thành phố môi trường” vào năm 2020 vừa đem lại những lợi ích thiết thực cho nhiều bên đặc biệt là các doanh nghiệp trực tiếp tham gia.

Theo ông Nguyễn Trí Thanh – cán bộ chương trình cấp cao của Quỹ Châu Á: “Dự án là một trong những nổ lực ít ỏi giúp cơ quan quản lý cấp địa phương có công cụ quản lý phát thải khí nhà kính ở quy mô khu công nghiệp một cách hiệu quả, qua đó góp phần đạt được các mục tiêu về môi trường. Bên cạnh đó, dự án tập trung giúp doanh nghiệp đánh giá được hiện trạng phát thải, thúc đẩy họ thực hiện các giải pháp tiêu thụ và tiết kiệm năng lượng. Nhờ đó, các doanh nghiệp cắt giảm được các chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của mình”.

Tuy nhiên, cũng theo ông Thanh, khó khăn lớn nhất để doanh nghiệp và các khu công nghiệp thực hiện các giải pháp nêu ra trong kế hoạch hành động là thiếu vốn và năng lực kỹ thuật hạn chế. Vì vậy, trong quá trình thực hiện dự án, các cơ quan triển khai dự án đã nổ lực tìm kiếm và tổ chức kết nối nhiều cơ quan, tổ chức tư vấn kỹ thuật cũng như tổ chức tài chính quốc tế hoạt động trong các lĩnh vực như sản xuất xanh, sản xuất sạch hơn với các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương cũng như trực tiếp đến các doanh nghiệp.

Khánh Hồng