Xưởng may sử dụng trẻ em làm việc ban đêm, sao chính quyền không biết?

Tâm An

(Dân trí) - Hiện nay lao động trẻ em ở nhóm phi chính thức gặp phải nhiều vấn đề. Ranh giới giữa việc sử dụng lao động trẻ em đúng và trái quy định rất mong manh, không dễ phát hiện.

Trong hai ngày 6 và 7/7, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức hội thảo "Đánh giá kết quả thực hiện Dự án Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quốc gia phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em ở Việt Nam".

Xưởng may sử dụng trẻ em làm việc ban đêm, sao chính quyền không biết? - 1

Hội thảo do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp với tổ chức Lao động Quốc tế tổ chức trong 2 ngày 6 và 7/7 tại Đà Nẵng.

40% lao động trẻ em không được trả lương

Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục trẻ em nhận định, thực tế hiện nay, lao động trẻ em ở khu vực phi chính thức gặp phải nhiều vấn đề.

Có hơn 40% lao động trẻ em tại Việt Nam nằm trong các hộ gia đình, không được trả lương. Ở khu vực lao động phi chính thức này, để phát hiện trường hợp sử dụng trẻ em làm việc đã khó chứ chưa nói đến việc xử phạt.

Xưởng may sử dụng trẻ em làm việc ban đêm, sao chính quyền không biết? - 2

Hơn 40% lao động trẻ em tại Việt Nam làm việc ở khu vực phi chính thức.

Thêm vào đó, ranh giới giữa việc sử dụng lao động trẻ em đúng và trái quy định rất mong manh. Ranh giới nhập nhằng, khó phân định khác là giữa việc sử dụng lao động trẻ em với hoạt động truyền nghề, đặc biệt là ở các làng nghề truyền thống.

Nhấn mạnh lưu ý, lao động trẻ em ở khu vực phi chính thức cực kỳ khó phát hiện, xử lý, Cục trưởng Đặng Hoa Nam kể: 

"Một xưởng may gia công ở TPHCM bị báo chí phát hiện có sử dụng lao động trẻ em làm việc ban đêm, môi trường độc hại nhưng khi chúng tôi xuống làm việc, kiểm tra, chính quyền phường cũng không hay biết. Và ngay trong đêm trước, xưởng may đó cũng đã được di dời, đến chủ cho thuê mặt bằng cũng không tìm được chủ xưởng để đòi tiền".

Trong khi đó, đội ngũ thanh tra ngành LĐ-TB&XH vì quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, số lượng thanh tra viên mỏng, không đủ để bao phủ, phát hiện tất cả những vi phạm và nguy cơ về lao động trẻ em. 

Covid -19 có thể làm gia tăng lao động trẻ em

Bên cạnh rào cản nỗ lực giảm thiểu lao động trẻ em tại Việt Nam như vấn đề khó phát hiện, xử lý việc sử dụng lao động trẻ em ở khu vực phi chính thức nêu trên, theo bà Ingrid Christensen - Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam, một "bài toán khó" khác đặt ra hiện nay là đại dịch Covid-19.

Đại dịch Covid-19 đã gây tác động kinh tế tới nhiều gia đình. Vì đại dịch làm nghiêm trọng hơn các nguyên nhân gốc rễ, dẫn tới tình trạng trẻ em lao động gia tăng, chính là biểu hiện của đói nghèo.

Xưởng may sử dụng trẻ em làm việc ban đêm, sao chính quyền không biết? - 3

Covid-19 có thể góp thêm nguyên cớ dẫn tới tình trạng trẻ em lao động gia tăng.

"Hiện có khoảng 50% trẻ em đang phải lao động trong môi trường nguy hiểm, độc hại. Việc phải tham gia lao động làm ảnh hưởng đến việc học tập của các em. Chúng ta phải lường trước được tình hình lao động trẻ em có thể tăng trong thời gian tới. Để ngăn chặn điều này, cần làm sao để các gia đình khó khăn có trẻ em phải đảm bảo được sinh kế", bà Ingrid Christensen nêu nguyên tắc.

Nâng cao nhận thức của chủ sử dụng lao động

Bàn về giải pháp giảm thiểu lao động trẻ em tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu không còn tình trạng sử dụng lao động trẻ em trái pháp luật, Cục trưởng Đặng Hoa Nam cho rằng, không thể chỉ can thiệp bằng pháp luật, thanh tra mà cần có những biện pháp khác tốt hơn.

Đó là truyền thông, nâng cao nhận thức cho chính trẻ em, chủ sử dụng lao động, hiệp hội, làng nghề…

"Để phòng ngừa lao động trẻ em, sự tham gia của chủ sử dụng lao động rất quan trọng. Bởi vì họ phải nhận thức được nguy cơ thị phần của họ sẽ bị giảm, đơn hàng của họ bị chấm dứt nếu như đối tác của họ, đặc biệt ở các nước phát triển, có tiêu chuẩn nghiêm ngặt về không sử dụng lao động trẻ em trong chuỗi cung ứng.

Doanh nghiệp ý thức được sự sống còn của mình thì sẽ tự giám sát việc này, từ đó, vấn đề sử dụng lao động trẻ em ở khu vực phi chính thức, trong doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong chuỗi cung ứng sẽ được giải quyết bền vững hơn" - ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh. 

Bên cạnh đó, góp ý tại Hội thảo, bà Trần Thu Phương - Trưởng Phòng Lao động nữ thuộc Ban nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khuyến cáo các tổ chức công đoàn cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra giám sát để không xảy ra tình trạng sử dụng lao động trẻ em trong doanh nghiệp.

 "Với tư cách là tổ chức công đoàn, sát sao với người lao động, chúng tôi sẽ tuyên truyền để người lao động hiểu và không cho chính con em mình cũng như trẻ em trong cộng đồng người lao động sinh sống tham gia lao động sớm, làm việc ở những môi trường pháp luật không cho phép", bà Phương nêu thêm một giải pháp phòng, chống sử dụng lao động trẻ em trái quy định.

Thông tin tại hội thảo thể hiện, đang có 50% trẻ em đang phải lao động trong môi trường nguy hiểm, độc hại. Việc phải tham gia lao động làm ảnh hưởng đến việc học tập của các em.

Việt Nam đã cam kết  và tuân thủ theo tiêu chuẩn quốc tế thì không thể khoan nhượng với tình trạng lao động trẻ em.

Việt Nam cũng đã phê chuẩn Công ước 138 về độ tuổi lao động tối thiểu, Công ước 182 xóa bỏ lao động tồi tệ ở trẻ em. Để thực hiện những nội dung này cần sự hỗ trợ, chung tay của cộng đồng. Các chuyên gia ở mọi lĩnh vực cần làm việc với nhau để tìm giải pháp, giúp trẻ em không rơi vào lao động trẻ em mà còn giúp các em có cơ hội học tập.