Xúc động xem lại kỷ vật của cán bộ đi B trong chiến tranh

(Dân trí) - Chiều 25/7, tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 71 năm Ngày thương binh liệt sĩ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tới thăm và làm việc với Trung tâm Lưu giữ quốc gia III (Bộ Nội vụ). Chủ tịch Quốc hội đã xúc động chứng kiến nhiều kỷ vật của cán bộ đi B.


Nhiều giấy tờ cá nhân của cán bộ đi B được lưu trữ cẩn thận tại Trung tâm.

Nhiều giấy tờ cá nhân của cán bộ đi B được lưu trữ cẩn thận tại Trung tâm.

Đi cùng đoàn có Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và đại diện nhiều ban, ngành liên quan.

Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ) đang lưu trữ khoảng 72.000 hồ sơ, kỉ vật của cán bộ đi B, trong đó có 56.963 hồ sơ cán bộ đi B từ 89 địa phương trong cả nước.


Chủ tịch Quốc Hội xem phiên bản tài liệu về một bản vẽ về lá Quốc kỳ.

Chủ tịch Quốc Hội xem phiên bản tài liệu về một bản vẽ về lá Quốc kỳ.

Nhiều loại giấy tờ quan trọng của cán bộ đi B được lưu trữ, như: Giấy khai sinh, Chứng minh thư nhân dân, Sơ yếu lý lịch, Chứng chỉ, bằng cấp chứng nhận trình độ học tập; các quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm, thuyên chuyển…


Hơn 72.000 kỷ vật, tài liệu được lưu trữ tại Trung tâm.

Hơn 72.000 kỷ vật, tài liệu được lưu trữ tại Trung tâm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao hoạt động bảo quản gần như nguyên vẹn hồ sơ, hình ảnh, di vật của Trung tâm Lưu trữ quốc gia III trực thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước. Đây là những hiện vật rất quý giá.


Chủ tịch Quốc hội tham quan khu vực lưu trữ tư liệu.

Chủ tịch Quốc hội tham quan khu vực lưu trữ tư liệu.

Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ sự trân trọng trước giá trị lịch sử các hiện vật và coi đây là những quà tặng quý giá cho gia đình và thân nhân của cán bộ đi B.

Xúc động xem lại kỷ vật của cán bộ đi B trong chiến tranh - 5

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội đề nghị sớm triển khai công tác số hóa những hồ sơ, kỉ vật bằng mã số, kí hiệu... để thuận tiện trong việc tra cứu.

Xúc động xem lại kỷ vật của cán bộ đi B trong chiến tranh - 6

Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH cần phối hợp với Bộ Nội vụ sẽ bàn bạc số hóa những hồ sơ lưu trữ và công bố những tài liệu trong khả năng cho phép tới công chúng.

Cán bộ đi B (giai đoạn từ năm 1959 - 1975) gồm 2 đối tượng: Các cán bộ chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc theo Hiệp định Giơnevơ năm 1954, sau đó họ tham gia lao động sản xuất tại miền Bắc và được bí mật trở vào miền Nam công tác do yêu cầu của Cách mạng; một số cán bộ dân sự người miền Bắc đi B (chủ yếu y sĩ, bác sĩ, giáo viên, kỹ sư...).

Dũng Mạnh