Xuất khẩu lao động sang Saudi ARABIA: Lương thấp, lại bị ngược đãi
Liên tiếp các nước như Philippines và Sri Lanka tạm dừng cung cấp lao động (LĐ) giúp việc gia đình cho Saudi Arabia vì nhiều rủi ro. Gần đây, Indonesia cấm phụ nữ sang Trung Đông, đặc biệt là Saudi Arabia làm nghề giúp việc nhà - theo Chính phủ Indonesia là nhằm bảo vệ “phẩm hạnh phụ nữ và lòng tự tôn quốc gia”…
Chị Lê Thị Hồng Vinh - LĐ giúp việc gia đình ở Saudi Arabia - kể lại những ngày cơ cực ở xứ người với phóng viên Báo Lao Động khi trở về VN đầu năm 2015. Ảnh: Hải Nguyễn
Trong khi đó, các DN Việt Nam lại xem đây là cơ hội xuất khẩu LĐ, là thị trường tiềm năng... Bởi vậy, số lượng nữ giúp việc được đưa sang Saudi Arabia ngày một tăng. Ở quê nhà liên tục nhận được nhiều đơn kêu cứu của những LĐ nữ vì bị đối xử tồi tệ, như cảnh nô lệ thời Trung cổ... Báo Lao Động thời gian qua đã nhận được hàng chục lời kêu cứu của những nữ giúp việc gia đình đang làm việc tại Saudi Arabia với nội dung chủ yếu là bị đối xử bất công, bị ngược đãi, bị trả lương thấp… và mong muốn duy nhất của họ là được trở về với gia đình. Nhưng, cái giá phải trả cho sự trở về ấy đầy khó khăn, tủi hận và tốn kém.
Bị vắt kiệt sức
“LĐ giúp việc hầu hết rơi vào tình cảnh nô lệ, bị bỏ đói, bị buộc làm việc quá sức, bị xâm hại... Chỉ có một số rất ít người may mắn gặp chủ tốt, còn lại hầu hết đều rơi vào cảnh khốn khổ”, chị Hà Thị Thu Trang (sinh năm 1979, trú TP. Thái Nguyên) trình bày với PV Báo Lao Động.
Theo chị Trang là “vừa thoát khỏi Saudi Arabia sau 7 tháng bị đọa đày”. “Ở bên đó khổ lắm! Làm việc ngày 16 - 17 tiếng không ngơi tay, phải ăn toàn thức ăn thừa, nhiều người bị bỏ đói”. Cùng cảnh ngộ là chị Huỳnh Ngọc Bích (sinh năm 1985, quê An Điền, An Nhứt, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Chị Bích cho biết, chị đi xuất khẩu lao động giúp việc gia đình tại Saudi Arabia theo hợp đồng ngày 1.11.2014 với Cty cổ phần quốc tế Nhật Minh (trụ sở Hải Phòng). Chị Bích ra Cty vào ngày 30.10.2014, ngày 19.11.2014 thì chị sang Saudi Arabia.
Người nhà (trái ảnh) của một nữ giúp việc gia đình đang kêu cứu với báo Lao Động. Ảnh: L.TUYẾT
Trong khoảng thời gian gần 20 ngày đó, chị chỉ được đào tạo về tiếng Anh giao tiếp. Do đó, khi sang Saudi Arabia, chị Bích không thể giao tiếp được với các thành viên trong gia đình chủ. Theo hợp đồng giữa chị Bích với Cty cổ phần quốc tế Nhật Minh, chị được tham gia khóa đào tạo nghề giúp việc thời gian 30 ngày; đào tạo tiếng Anh hoặc tiếng Ả rập trong thời gian 60 ngày; Bồi dưỡng kiến thức lao động ở nước ngoài trong 15 ngày (74 tiết), nhưng thực tế không có.
Trước khi ra đi, chị Bích chỉ được thông báo là gia đình nhà chủ mà chị phục vụ sẽ có 7 người, nhưng đến nơi mới biết họ có tới 12 người, lại có con nhỏ nên rất bừa bộn. “Tôi phải làm từ 5h30 đến 12h khuya mới làm xong. 5 tháng nay, tôi hay bị đau đầu, chảy máu cam. Tôi chỉ sợ mình không còn được về với con nữa” - chị Bích than thở.
Không trụ nổi với công việc quá sức, chị Bích đề nghị Cty cho đổi chủ, nhưng Cty cho biết, chỉ khi nào bị đánh, bị xâm hại, hay không được trả lương thì mới được đổi chủ.
Một mẫu tin đăng tuyển XKLĐ đi Saudi Arabia.
Khoảng cuối năm 2014, gần chục nữ giúp việc nhà quê Tây Ninh được Cty Vĩnh Cát (Hà Nội) đưa đi sang Saudi Arabia giúp việc nhà cũng đã kêu cứu đến báo Lao Động vì làm việc quá sức, lương thấp. Một trong số đó là chị N.T.B.Chín (51 tuổi, SĐT liên lạc tại Saudi Arabia +96655…064, quê: Xã Thạnh Tân, TX.Tây Ninh, Tây Ninh). Trao đổi với PV, chị Chín bật khóc nức nở: “Làm ơn giúp chị về”.
Bị quấy rối
Ngoài làm việc nhà, chị Chín phải phục vụ gia đình chủ gồm 2 vợ chồng, 5 đứa con và một ông già bị bệnh ở chân. “Điều khủng khiếp nhất chính là ông già. Mỗi khi con ông đi vắng, ông bắt chị phải sờ mó những chỗ “nhạy cảm” của ông ấy. Chị không làm thì ông nói với con là chị không chịu làm việc nhà. Chị ra dấu với con ông ấy rằng ông ấy bắt chị phải làm những chuyện như vậy thì con ông ấy không tin, cho rằng chị bịa chuyện”.
Chị L.K.L (SN 1963, quê quán TPHCM) được Cty Bạch Đằng chi nhánh tại Hà Nội đưa đi giúp việc tại Saudi Arabia. Chị bay vào ngày 21.7.2014. Từ xứ người, chị kêu cứu qua tin nhắn: Chị bị chủ làm nhục 7 tháng nay, cứ 1 tuần hoặc 10 ngày là bị sàm sỡ một lần, nếu chống cự thì bị bóp cổ và đe dọa, lần gần đây nhất là vào 23.4, chị L bị chủ ép vào nhà tắm sàm sỡ và đe dọa. Quá sợ hãi, chị L đã kêu cứu nhiều lần về Cty nhưng không được giải quyết.
Cô giáo dạy tiếng Ả Rập cho chị ở Việt Nam đã tư vấn cho chị bỏ chạy gặp cảnh sát, khi gặp thì mở tin nhắn trong máy (do cô giáo nhắn tin sang bằng chữ Ả Rập) cho cảnh sát xem để họ giúp đỡ. Ngày 9.5.2015, chị L đã chạy ra khỏi nhà, gặp cảnh sát, mở tin nhắn cho họ xem, rồi cảnh sát gọi ông chủ tới.
Chị L đã ký vào một số giấy tờ mà chị không biết nội dung, rồi được đưa tới một Cty môi giới Ả rập. Theo chị Hà Thị Thu Trang, có một nữ giúp việc tại Saudi Arabia tên là Oanh, quê ở Nghi Lộc, Nghệ An bị chủ hiếp dâm, có thai phải về nước.
Theo Báo Lao Động