Xuất khẩu lao động: Dân Tây Bắc vỡ mộng thoát nghèo
Người dân bỏ đi làm ăn xa ồ ạt. Điều đáng nói, đa số các trường hợp ra đi làm ăn khi trở về nghèo vẫn hoàn nghèo.
Đối với các tỉnh Tây Bắc, chương trình xuất khẩu lao động theo Nghị quyết 30a được xác định là hướng đi đúng đắn để bà con vươn lên thoát nghèo bền vững. Thế nhưng, lợi thế ấy lại không được phát huy và tình trạng người dân bỏ địa phương đi làm ăn chui ở bên kia biên giới trong thời gian qua diễn ra khá ồ ạt, không thể kiểm soát nổi.
Và điều đáng nói là đa số các trường hợp ra đi làm ăn khi trở về nghèo vẫn hoàn nghèo, nhiều người còn thân tàn mắc nợ. Vậy đâu là nguyên nhân của chương trình xuất khẩu lao động theo Nghị quyết 30 a ở các tỉnh Tây Bắc không đạt kế hoạch đề ra, cũng như hậu qủa của việc đi làm ăn chui và những giải pháp nào để tháo gỡ nút thắt này?
Nhiều năm nay, ông Lầu A Vừ, một người có uy tín tại bản Seo Lèng, xã Phìn Hồ, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu vẫn hàng ngày cần mẫn đến từng gia đình trong bản để tuyên truyền, vận động bà con, nhất là các hộ nghèo đăng ký đi xuất khẩu lao động.
Mong muốn duy nhất của ông là giúp các hộ nghèo trong bản thoát nghèo và các hộ khó khăn có kinh tế khá giả hơn với nguồn thu nhập khá từ việc đi lao động xuất khẩu. Công sức của ông bỏ ra bấy lâu nay đã được đền đáp khi đầu năm trong bản đã có 2 người đi lao động thị trường Malaysia.
Tuy nhiên, niềm vui của ông chỉ dừng lại ở đó, bởi từ đó đến nay ông và các đơn vị tư vấn tuyển dụng lao động đã đến tuyên truyền nhiều lần, nhưng chẳng có người nào đăng ký.
Ông Lầu A Vừa A tâm sự: Trong số hơn 120 hộ dân trong bản có tới non nửa số gia đình vẫn thuộc diện đói nghèo và hàng năm vẫn phải nhờ đến các khoản hỗ trợ của Nhà nước, trong đó có không ít hộ phải nhờ tới khoản trợ cấp gạo cứu đói để duy trì cuộc sống.
Nguyên nhân là do địa hình ở bản đồi núi dốc, ít đất sản xuất và bà con vẫn chưa thoát được phương thức canh tác lạc hậu, phụ thuộc vào thiên nhiên nên đói nghèo vẫn đeo bám mãi. Lý do bà con không muốn đi lao động ở nước ngoài là do nhận thức chưa đúng, sợ phải xa nhà, xa người thân và sợ khi về không kiếm được tiền trả được nợ ngân hàng.
Ông Lầu A Vừa A nói: “Lao động xuất khẩu nước ngoài, nhà nước tuyên truyền được mấy năm nhưng anh em không có điều kiện đi. Đến đầu năm 2015, trong xã có 4 người đi, trong đó có một người là anh trai họ của tôi. Đi lao động xuất khẩu nước ngoài sẽ giúp được cho những người không có việc làm, không có đất sản xuất sẽ kiếm được đồng tiền về giúp gia đình. Sắp tới, mình sẽ về tuyên truyền cho bà con, cho những người không có việc làm đi lao động xuất khẩu nước ngoài, ai có điều kiện thì cho nó đi”.
Là địa bàn biên giới rộng gần nhất tỉnh Lai Châu, huyện Sìn Hồ có 22 xã, thị trấn và 14 dân tộc, với tỷ lệ đói nghèo chiếm gần 30%. Thế nhưng, từ khi chương trình xuất khẩu lao động theo Nghị quyết 30a của Chính phủ được triển khai năm 2009 đến nay, địa phương này mới chỉ đưa đi được hơn 50 người đến các thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia.
Hiệu quả đã thấy khi một số người lao động sau thời gian làm việc ở nước ngoài về địa phương đã có khoản tiền kha khá để làm nhà, phát triển kinh tế gia đình. Mặc dù được chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện khi đến đăng ký làm thủ tục và thâm chí còn hỗ trợ làm hồ sơ vay vốn ngân hàng, nhưng vẫn không thu hút được người dân tham gia.
Ông Nguyễn Xuân Quyết, Phó Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Sìn Hồ cho biết: Có rất nhiều lý do để người dân trên địa bàn không mấy mặn mà với xuất khẩu lao động, nhưng chủ yếu vẫn là do nhận thức và phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc địa phương còn hạn chế.
Nhiều trường hợp đã được đi học nghề, trong thời gian chờ đợi bay, ở nhà gia đình làm thủ tục vay vốn thì thiếu giấy tờ, phải làm lại chờ đợi lâu nên người đi xuất khẩu lao động bị dao động bỏ ngang, khiến chỉ tiêu xuất khẩu lao động ở địa phương bị giảm.
Từ năm 2010 đến nay, tỉnh Lai Châu đã đào tạo được trên 35.000 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn lên 38%. Theo kế hoạch của tỉnh đề ra sẽ đưa 3.500 người đi xuất khẩu lao động trong giai đoạn 2009 – 2015 và con số này sẽ tăng lên 7.900 người vào năm 2020.
Tuy nhiên, sau nhiều năm nỗ lực, với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng và chính quyền các cấp ở địa phương, tỉnh Lai Châu mới đưa được gần 360 người đi xuất khẩu lao động ở các thị trường Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc) và một số nước Trung Đông, tức là mới đạt 10% theo kế hoạch đặt ra.
Còn với các thị trường tiềm năng, cho thu nhập cao ở Lai Châu lại chưa có người đi, do đa phần lao động đều không đáp ứng được các yêu cầu về trình độ học vấn.
Chúng tôi vừa đề cập đến thực tế cũng như nguyên nhân mà chương trình xuất khẩu lao động theo con đường chính ngạch ở Lai Châu gặp nhiều khó khăn, trong khi đó thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh Lai Châu cũng như các tỉnh Tây Bắc lại xuất hiện tình trạng người dân ồ ạt sang bên kia biên giới Trung Quốc để làm thuê và đã có không ít lao động bị lừa tiền phải vượt biên để về nước, tai nạn rủi ro khi đi làm ăn ở đất người.
Theo VOV.VN