1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Xử lý số nợ BHXH của các doanh nghiệp phá sản, bỏ trốn ra sao?

(Dân trí) - “Số nợ bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp phá sản, giải thể hoặc bỏ trốn đã ảnh hưởng tới hàng trăm ngàn người lao động. Thực tế này đã nhức nhối nhiều năm qua. Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ kiến nghị trình Quốc hội duyệt phương án xử lý”.

Xử lý số nợ BHXH của các doanh nghiệp phá sản, bỏ trốn ra sao? - 1

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết tại buổi làm việc với Bảo hiểm xã hội VN chiều 9/4 tại Hà Nội. Nhận định đây là việc cấp bách và cần triển khai sớm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Bảo hiểm xã hội VN cập nhật tình hình số nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), số lao động bị ảnh hưởnh, doanh nghiệp phá sản, bỏ trốn hoặc giải thể như trên tới thời điểm hiện nay.

“Đây là những căn cứ cần thiết để Bộ LĐ-TB&XH xây dựng các kiến nghị, giải pháp tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến trong kỳ họp tới đây” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Đồng quan điểm trên, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết, theo Khoản 10 Điểm 7 Luật BHXH năm 2014, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH có trách nhiệm trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng về BHXH của người lao động.

“Quy định này cho phép Bộ có thể tham mưu cho Chính phủ xây dựng Tờ trình về thực tế và những giải pháp xử lý tình trạng nợ trên” - ông Bùi Sỹ Lợi cho biết.

Chia sẻ kinh nghiệm thực tế, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết việc điều chỉnh những quy định chưa hợp lý trong Luật BHXH năm 2014 cũng từng diễn ra trong năm 2018. Theo đó, Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 5 đã thông qua Nghị quyết giao Chính phủ ban hành quy định thực hiện chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 1/1/2018 đến 31/12/2021 bị tác động bất lợi hơn so với lao động nam, do thay đổi cách tính lương hưu.

Đánh giá việc ban hành kiến nghị xử lý là rất cần thiết trong thời điểm này, bà Nguyễn Thị Minh - Thứ trưởng, Tổng giám đốc BHXH VN cho rằng, đằng sau những khoản nợ BHXH của các doanh nghiệp bỏ trốn, phá sản là nỗi khổ của người lao động và gia đình họ.

“Chúng tôi đang lo lắng về tình trạng này. Nếu duy trình thêm vài năm tới, có lẽ trụ sở của BHXH VN sẽ không còn chỗ để tiếp đón những người không có lương hưu tới kêu cứu vì doanh nghiệp nợ BHXH bỏ trốn, phá sản. Khi tiếp nhận tình trạng này, chúng tôi vô vùng khổ tâm” - bà Nguyễn Thị Minh nói.

Thống kê của BHXH VN, hết năm 2018, cả nước còn trên 256 tỷ đồng nợ BHXH từ khoảng 1.000 doanh nghiệp là người nước ngoài phá sản, giải thể hoặc bỏ trốn. Điều này ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của hơn 14.000 người lao động.

Thu BHXH với đối tượng có hợp đồng lao động từ 1 tới 3 tháng còn khó khăn.

Theo bà Nguyễn Thị Minh, nhiều trường hợp chủ sử dụng lao động đã lách luật và ký với người lao động hợp đồng kinh doanh dưới 3 tháng để tránh phải đóng BHXH theo quy định của Luật BHXH năm 2014. Năm 2018, BHXH VN mới thống kê được hơn 5.000 người lao động có hợp đồng lao động dưới 3 tháng được đóng BHXH.

Hoàng Mạnh