1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Hà Nội:

Xóm ngụ cư ven sông Hồng lay lắt vì Covid-19

(Dân trí) - Tại xóm Phao (Ngọc Thuỵ, Long Biên, Hà Nội), 30 hộ dân nghèo đang sống lay lắt trong bão dịch Covid-19. Họ đều là những lao động làm những công việc tay chân như bốc vác, thu gom phế liệu, lao công…

Chật vật mưu sinh

Bà Mai Thị Đại (67 tuổi, quê ở Nga Sơn, Thanh Hóa) đã dành 40 năm cuộc đời sống ở xóm Phao nghèo ven sông. Dù có quê nhưng ngót hơn 30 năm rồi, bà Đại chưa trở về vì chẳng còn người thân nữa.

Xóm ngụ cư ven sông Hồng lay lắt vì Covid-19 - 1

Không có việc làm, bữa cơm của bà Đại chỉ có mấy quả sung muối

Chồng bà Đại mới mất cách đây hơn 1 năm. Hai người con gái đều đã đi lấy chồng. Bà Đại sống một mình trong căn lều chừng hơn 10 mét vuông sát mép sông Hồng.

Hàng ngày bà bán quán nước dưới chân cầu Long Biên, phục vụ người dân đi làm bãi qua và tàu thuyền dưới sông. Từ khi dịch bệnh, vắng khách bà Đại đóng quán đi nhặt vỏ chai bán, sống qua ngày.

Xóm ngụ cư ven sông Hồng lay lắt vì Covid-19 - 2

Con đường do người dân ở đây đặt tên theo đúng mong ước của họ

Bà Đại chia sẻ: “Trước đây, quán nước của tôi bán cũng được khoảng 30.000 đồng mỗi ngày. Từ đầu năm đến giờ, dịch bệnh khiến nơi đây vốn đã vắng vẻ, nay càng vắng vẻ hơn. Có những ngày tôi ngồi từ sáng đến tối không bán được đồng nào. Con gái lấy chồng xa, kinh tế cũng không khá giả gì nên không phụng dưỡng mẹ được”.

Khoảng 8 năm trước, sau khi ly dị chồng, không một tấc đất trong tay, người thân cũng chẳng còn ai, chị Lê Thị Hoa (quê ở Tô Hiệu, Thường Tín, Hà Nội) cũng dạt về xóm Phao dựng một căn nhà tạm để ở.

Xóm ngụ cư ven sông Hồng lay lắt vì Covid-19 - 3

Chị Lê Thị Hoa bên căn lều làm bằng lá cây và những mảnh bạt

“Hàng ngày tôi làm thuê tại khu vực quận Long Biên. Ai thuê gì làm đấy, miễn là có tiền trang trải cuộc sống. Năm nay, dịch dã không ai thuê, tôi đã ở nhà hơn chục hôm nay chưa kiếm được đồng nào” - chị Hoa tâm sự.

Cũng là một thành viên tại xóm Phao được 11 năm  qua, chị Nghiêm Thị Ngân (quê ở Hải Hậu, Nam Định) từng là công nhân ở nhà máy sản xuất tăm.

Chị sống cùng chồng và 4 người con gái. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhà máy cắt giảm nhân sự khiến chị Ngân mất việc. Chồng chị làm cửu vạn nên công việc không đều.

Chị Ngân chia sẻ: “Từ hôm mất việc, em lên nhà máy lấy tăm về đóng gói tại nhà. Cả 6 miệng ăn trông chờ vào những gói tăm. Cả nhà cùng làm, mỗi ngày cũng được 60.000 đồng, đủ để mua mớ rau và bìa đậu”.

Không chỉ lo lắng trước dịch bệnh Covid-19, những người dân ở xóm Phao còn sống trong cảnh không điện, không nước sạch. Mùa con nước lên, người lao động ở đây lúc nào cũng nơm nớp lo căn lều của mình bị lũ cuốn trôi.

Xóm nghèo nay càng trở nên hiu quạnh vì dịch bệnh. Họ chỉ mong hết dịch để kiếm đủ ăn đủ mặc, còn tính tới một ngôi nhà chỉ là những ước mơ xa vời.

Mong muốn tốt đẹp

Anh Hoàng Văn Bình (28 tuổi trú tại xóm Phao, Ngọc Thuỵ, Long Biên, Hà Nội) vốn sinh ra và lớn lên tại xóm nghèo này. Từng làm lao động tự do, anh nhận làm đủ thứ nghề để kiếm sống.

“Tôi đi xin việc rất khó vì trước đây không có giấy tờ gì lại không được học hành, đi xin làm công nhân cũng không được. Mấy lần cũng xin làm bảo vệ, thế nhưng ghi vào hồ sơ là ở xóm Phao họ không nhận” - anh Bình kể.

Xóm ngụ cư ven sông Hồng lay lắt vì Covid-19 - 4

Anh Hoàng Văn Bình mong muốn một ngày sẽ tìm được công việc khác tốt hơn

Không chỉ có anh Bình mong muốn tìm được một công việc ổn định, nhiều lao động trẻ ở đây cũng mong muốn có một công việc có thu nhập cao hơn là nhặt rác hay làm cửu vạn.

Thế nhưng cái "mác" dân ngụ cư cứ đeo bám họ, kiến con đường đến với công việc mới thêm phần khó khăn hơn.

Xóm ngụ cư ven sông Hồng lay lắt vì Covid-19 - 5

Chị Ngân tự hào khoe thành tích học tập của con mình

Vài năm trở lại đây, cư dân xóm phao được xác nhận tạm trú tại phường Ngọc Thuỵ (Long Biên, Hà Nội) các cháu nhỏ được cấp giấy khai sinh để đi học.

Chị Nghiêm Thị Ngân tự hào khoe thành tích học xuất sắc của hai cô con gái lớn, một cháu học lớp 9, một cháu năm nay lên lớp 6.

“Cô chị thì được học sinh xuất sắc, còn cô em thì được giỏi” - chị Ngân tự hào nói.  

Người dân ở đây nhận thức được rằng, để thoát khỏi cảnh nghèo khó chi có con đường học tập, dù nghèo họ cũng cố gắng cho con em mình đi học.

Trao đổi với phóng viên, Bà Nguyễn Thị Hồng - Tổ trưởng xóm Phao (Ngọc Thuỵ, Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Xóm Phao hiện có 30 hộ dân với gần 100 người đang sinh sống trong những túp lều tạm bợ. Mọi người làm đủ thứ nghề để mưu sinh từ bốc vác, lao công hay nhặt phế liệu”.

Theo bà Hồng, cuộc sống dẫu vất vả, thiếu thốn nhưng những người dân sống ở đây luôn quan tâm, đùm bọc lẫn nhau.

“Nhiều người sống ở đây một mình, đến khi mất đi chẳng có lấy nổi 1 người thân. Chúng tôi lại góp công, góp của tổ chức an táng cho họ được yên nghỉ” - bà Hồng cho biết thêm.

                                                                                           Phạm Công