Xóm nghề "thanh tịnh" nhất TPHCM vắng khách, doanh thu giảm 80%

Nguyễn Vy

(Dân trí) - "Doanh thu giảm 80%, xưởng phải giảm một nửa nhân công. Làm nghề này, tâm trạng phải vui mới làm được, nhưng cố rồi mà vui không nổi!", ông Kiệt, nghệ nhân điêu khắc tượng Phật, nói.

Ế ẩm nhưng không dám nghỉ

Giữa trưa, ông Mai Văn Kiệt (60 tuổi) cố làm cho xong những thao tác cuối cùng của công đoạn đổ khuôn, làm ra các bộ phận của một bức tượng. Xung quanh ông, những bức tượng Phật thành phẩm với đủ kích thước lớn, nhỏ, đã được phủ sẵn một lớp ni-lông cho đỡ bị bám bụi, chờ người đến hỏi mua.

Xóm nghề thanh tịnh nhất TPHCM vắng khách, doanh thu giảm 80% - 1

Ông Mai Văn Kiệt tại khu xưởng hơn 100 năm của gia đình (Ảnh: Nguyễn Vy).

Gia đình ông Kiệt là một trong những hộ hiếm hoi còn gắn bó với làng nghề trăm tuổi chuyên khắc tượng Phật quanh chùa Giác Hải (quận 6, TPHCM). Là truyền nhân thứ 3 của gia đình, gắn bó với nghề khắc tượng Phật gần 50 năm, ông Kiệt thú nhận rằng từng có nhiều lần ông muốn bỏ nghề. Công việc này quá vất vả và ngày càng vắng khách.

Chỉ tay về phía khu xưởng rộng chưa đầy 30m2, ông Kiệt tiếc nuối, bộc bạch rằng nơi này từng nhộn nhịp tiếng nói cười của hơn 10 nhân công, nhưng nay chỉ còn lại khung cảnh ảm đạm.

Xóm nghề thanh tịnh nhất TPHCM vắng khách, doanh thu giảm 80% - 2

Làm việc ngoài trời nắng, mưa, hít khói bụi khiến sức khỏe của người thợ bị ảnh hưởng không ít (Ảnh: Nguyễn Vy).

"Hơn 10 năm qua, lượng khách ngày càng giảm, xưởng ít đơn hàng nên một nửa số thợ phải nghỉ. Giờ nhân công ở xưởng chủ yếu là người thân trong gia đình và một số thợ gắn bó lâu năm", ông Kiệt nói.

Nhớ về thời "hoàng kim" của làng nghề, đôi mắt ông Kiệt ánh lên vẻ tự hào bởi lúc đó đơn hàng tấp nập, khu xưởng hoạt động từ sáng sớm đến tối muộn vẫn chưa hết việc. Lúc đó, dù mệt nhưng ông Kiệt lại cảm thấy vui, vì thợ ở xưởng có việc làm để kiếm sống.

Xóm nghề thanh tịnh nhất TPHCM vắng khách, doanh thu giảm 80% - 3

Người thợ luôn dành hết tâm huyết, sự tỉ mỉ cho mỗi chi tiết của bức tượng (Ảnh: Nguyễn Vy).

Thế nhưng, kể từ khi thị trường xuất hiện loại tượng làm bằng đá và gỗ, tượng Phật làm bằng thạch cao không còn được ưa chuộng. Vậy nên, ông Kiệt và nhiều nghệ nhân ở làng nghề bị mất "bạn hàng quen". Dù rất muốn thay đổi để theo kịp thị trường, ông Kiệt đành "bó tay" vì để gia công bằng nguyên vật liệu ấy, ông phải bỏ rất nhiều tiền để sắm máy móc, thiết bị.

Kinh doanh ế ẩm, ông Kiệt lại càng rầu rĩ hơn khi không tìm được người nối nghề truyền thống.

"Tôi cũng từng hướng dẫn các con theo nghề nhưng chỉ thử được vài hôm, các con đều xin nghỉ, đi làm nghề khác vì vất vả quá. Vả lại, nghề này không phải ai làm cũng làm được, vì đòi hỏi năng khiếu, đam mê mãnh liệt ở người thợ", ông Kiệt trải lòng, đó cũng là lí do ông cố bám trụ khu xưởng đã nuôi nấng gia đình ông suốt nhiều thế hệ.

Ngọn "lửa nghề" cháy suốt trăm năm

Ông Mai Văn Tuấn (66 tuổi), chủ xưởng điêu khắc tượng Phật tại làng nghề, thú nhận rằng tình hình kinh doanh hơn 10 năm qua gặp không ít khó khăn, đặc biệt là sau giai đoạn Covid-19.

"Trước đây, hằng tháng chúng tôi cung cấp ra thị trường hơn 10 bức tượng, chuyển đi khắp cả nước, thậm chí từng bán cho khách hàng ở Mỹ, Australia, Pháp, Đức. Nhưng giờ đây, mỗi tháng cố lắm chỉ bán được 1-2 tượng, thậm chí có tháng không có ai mua", ông Tuấn chia sẻ.

Xóm nghề thanh tịnh nhất TPHCM vắng khách, doanh thu giảm 80% - 4

Làng nghề hết thời "hoàng kim", ông Tuấn và nhiều nghệ nhân vẫn cố gìn giữ truyền thống của gia đình (Ảnh: Nguyễn Vy).

Là một trong những nghệ nhân lâu đời, người thợ U70 trải lòng rằng sự biết ơn và lòng đam mê đã níu chân họ ở lại với nghề suốt hàng chục năm qua. Ông Tuấn không nhớ rõ thời gian hình thành chính xác của làng nghề, nhưng gia đình ông đã gắn bó hơn 100 năm.

Ông từng nghe kể lại rằng trước đây, hòa thượng chùa Giác Hải muốn có tượng Phật để thờ nên đã dùng gỗ mít để điêu khắc. Từ đó, người dân trong làng bắt đầu học và theo đuổi nghề khắc tượng Phật thủ công.

Để trở thành người thợ lành nghề, họ phải trải qua quá trình dài tích lũy kinh nghiệm. Chỉ những ai đủ kiên nhẫn và đam mê thì mới bám trụ đến ngày có thể tự mình làm ra bức tượng hoàn chỉnh.

Xóm nghề thanh tịnh nhất TPHCM vắng khách, doanh thu giảm 80% - 5

Người thợ mất nhiều thời gian, công sức để làm ra một bức tượng hoàn chỉnh (Ảnh: Nguyễn Vy).

Công đoạn làm tượng thường có nhiều bước, bắt đầu từ việc lên khuôn, đắp bột, chà nhám, cho đến phun sơn và vẽ chi tiết. Trong đó, vẽ là công đoạn khó nhất, bởi nó quyết định thần thái của một bức tượng.

"Nghề này phải vui mới làm được, buồn thì dù có cố làm cũng chẳng thể xong. Tâm trạng của người thợ như thế nào thì nét mặt của bức tượng sẽ giống như thế. Vậy nên chúng tôi luôn phải giữ sự hiền hòa, vui tươi, cùng thói quen niệm Phật để tâm thanh tịnh", ông Tuấn nói rằng mỗi bức tượng làm ra chứa đựng tâm huyết giữ "lửa nghề" cháy suốt trăm năm của người thợ.