Bình Định:
Xoi dó tìm trầm, kiếm cơ may "ẵm" chục triệu mỗi ngày
(Dân trí) - "Nếu may mắn, một cây dó trầm thể kiếm lãi hàng chục triệu đồng là rất bình thường nhưng có khi kết quả chỉ vơ được một cây củi", một thợ xoi dó trầm có thâm niên ở xứ dừa Tam Quan, Bình Định tiết lộ.
Nghề chế tác trầm hương
Nghề chế tác trầm hương ở khu phố Trung Lương, phường Bồng Sơn, thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) đã có từ rất lâu đời và đến nay vẫn được gìn giữ.
Làng Trung Lương xưa kia, nay đã thành phố lớn, là vùng đất nổi tiếng với bạt ngàn dừa xanh, bưởi ngọt, là nơi sinh sôi nhiều ngành nghề truyền thống quý giá lâu đời như trồng dâu nuôi tằm dệt lụa, chế biến dầu dừa, kim hoàn, chế tác trầm hương…
Trải qua thời gian, một số nghề giờ đây chỉ còn trong hoài niệm, riêng nghề chế tác, sản xuất các sản phẩm từ trầm vẫn được bà con gìn giữ, phát huy, qua đó tạo công ăn việc làm cho không ít lao động địa phương với mức thu nhập ổn định.
Theo ông Phan Văn Phi - Bí thư chi bộ, Trưởng khu phố Trung Lương, những năm 2012 trở về trước, nghề trầm hương phát triển, cường thịnh nhất ở địa phương. Cả khu phố có trên 20 hộ mở cơ sở gia công, chế tác, sản xuất các sản phẩm từ trầm. Tuy nhiên hiện một số người lớn tuổi chuyển nghề hoặc làm công việc khác nên chỉ còn 6 hộ bám trụ với nghề.
"Dù nghề có lúc thăng trầm nhưng sức sống thật sự bền bỉ. Bao thế hệ người dân nơi đây, gia đình thịnh vượng, có của ăn của để, xây dựng nhà cửa khang trang, nuôi dạy con ăn học đến nơi đến chốn từ nghề xoi (đục, thông, dò tìm - PV) trầm", ông Phi chia sẻ.
Ông Phan Ngọc Tuyền (50 tuổi, cả đời sống ở khu phố Trung Lương) cho hay, năm 2000, sau khi kế nghiệp từ cha, ông mạnh dạn phát triển thêm nghề chế tác trầm để bắt kịp thời đại.
Kinh nghiệm hơn 30 năm trong nghề giúp ông cảm nhận, đoán định gần như chính xác lượng trầm trong từng mạch gỗ. Trong quá trình đi mua cây dó trầm, ông chấp nhận mua với giá đắt hơn để chọn những cây có sản lượng trầm cao, thế đẹp đưa về chế tác.
"Một cây trầm có khi lãi hàng chục triệu đồng là chuyện hết sức bình thường. Chưa kể thu nhập thêm các sản phẩm được chế tác từ trầm như vòng chuỗi hạt, đồ trang sức, cây bon sai, các sản phẩm tâm linh… Nhưng không may thì xoi đỏ mắt cũng không tìm thấy mẩu trầm nào, cả cây dó to cũng chỉ làm củi. Nghề làm trầm hay là vậy đó", ông Tuyền bộc bạch.
Mở hướng mới cho nghề
Sinh ra trong gia đình 3 thế hệ làm trầm, ông Trần Văn Lộc (52 tuổi) bày tỏ: "Cơ sở chế tác các sản phẩm từ trầm, trầm hương của gia đình tôi trước đây lúc nào cũng ổn định 7-8 thợ, thu nhập 150.000-250.000 đồng/người/ngày. Nhưng 2 năm qua, chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cơ sở phải tạm dừng hoạt động. Đầu năm 2022, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, chúng tôi bắt đầu hoạt động trở lại".
Theo ông Lộc, để có nguyên liệu sản xuất thường xuyên, ông đầu tư vốn cố định cho chủ vườn dó ở các huyện trong tỉnh, chủ yếu là Hoài Ân, An Lão để "nuôi" trầm. Những cây dó có trầm, sau khi xoi, gạn, trầm miếng thì dùng để bán, phần còn lại phân loại rồi xay thành bột, làm hương trầm.
Hiện gia đình ông Lộc đang làm nhiều mặt hàng hương trầm các loại như nhang cây, nhang vòng, nụ trầm. Riêng trầm nụ có nhiều giá bán khác nhau (loại 120.000 đồng/kg, 200.000 đồng/kg và có loại lên đến 1 triệu đồng/kg). Thị trường tiêu thụ sản phẩm này chủ yếu ở Huế, Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Nam với các mặt hàng trầm thô, trầm miếng, bột trầm. Riêng thị trường TPHCM chỉ tiếp nhận trầm cốt và các sản phẩm trầm mỹ nghệ.
Ông Lộc nhận định, khó khăn hiện tại là các hộ làm trầm lâu nay vẫn theo kiểu "mạnh ai nấy làm", ai "ngoại giao" tốt với khách hàng thì tiêu thụ sản phẩm nhanh và ngược lại. Làng nghề chưa có sự liên kết hỗ trợ nhau trong quảng bá, tiêu thụ nên sản phẩm chưa có tìm được chỗ đứng bền vững trên thị trường.
Theo ông Nguyễn Lương - Phó Chủ tịch UBND phường Bồng Sơn, để khuyến khích và tạo điều kiện tốt hơn cho bà con làm trầm có thêm điều kiện duy trì, phát triển ngành nghề theo hướng OCOP (chương trình phát triển mỗi địa phương một sản phẩm thế mạnh - PV), vừa qua, địa phương phối hợp với Hội Nông dân thị xã Hoài Nhơn xây dựng, ra mắt tổ hội nghề chế tác trầm.
Qua đó, địa phương đã giải ngân 100 triệu đồng hỗ trợ 3 hộ để đầu tư một số máy móc thiết bị làm trầm hương các loại, theo đề án 24 của Trung ương Hội nông dân Việt Nam.
"Chúng tôi sẽ tập trung hướng dẫn, giúp đỡ các cơ sở tăng cường quảng bá thương hiệu, nếu hội đủ các điều kiện theo quy định sẽ tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, hỗ trợ lập website giới thiệu sản phẩm. Qua đó, không chỉ duy trì, mở rộng sản xuất mà còn tăng sức cạnh tranh sản phẩm, tạo công ăn việc làm cho người dân", ông Lương nói.
Bảo Sương