"Xốc lại" tinh thần làm việc cho nhân viên sau "kỳ nghỉ dài"

3 bí quyết đơn giản có thể áp dụng ngay để lên dây cót tinh thần sau thời gian dài rời xa chốn công sở.

Giảm năng suất, xuống tinh thần làm việc sau kỳ nghỉ dài dường như là hiện tượng phổ biến ở tất cả nơi làm việc. Thậm chí, phải mất cả tuần, để một số nhân viên có thể vượt qua cảm giác uể oải và trở lại với nhịp độ làm việc trước đó.

Tuy nhiên, nhà quản trị khéo léo hoàn toàn có thể làm giảm thời gian này. Dưới đây là một số bí quyết đơn giản nhưng hiệu quả, mà nhà quản trị có thể thực hiện để giúp "xốc lại" tinh thần và năng suất làm việc cho nhân viên sau kỳ nghỉ dài.

Xốc lại tinh thần làm việc cho nhân viên sau kỳ nghỉ dài - 1

Trò chuyện và đặt mục tiêu

Năm mới, hoặc sau khi trải qua một sự kiện đặc biệt (như Covid-19), là thời điểm lý tưởng để nhìn lại những gì đã qua, nhằm rút ra bài học và đặt mục tiêu cho tương lai.

Trên thực tế, sự "lặp đi lặp lại" của công việc thường ngày với cùng một nhịp độ "đều đều" có thể dễ dàng khiến nhân viên nhàm chán; và cảm giác này sẽ tăng lên khi họ trở lại làm việc sau kỳ nghỉ dài.

Tuy nhiên, một mục tiêu mới phù hợp sẽ giúp tạo ra sự hưng phấn, khiến nhân viên nhanh chóng quên đi cảm giác nhàm chán.

Dù vậy, cần lưu ý rằng, nhà quản trị phải thiết lập mục tiêu rõ ràng, tránh lan man, ngoài tầm với hay không tương thích với mục tiêu chung của doanh nghiệp. 

Xốc lại tinh thần làm việc cho nhân viên sau kỳ nghỉ dài - 2

Sự mệt mỏi, uể oải rất dễ lây lan. Chỉ cần 1, 2 người trì hoãn công việc, nhiều khả năng những người khác cũng sẽ có… động lực để làm tương tự.

Đồng thời, thông qua trò chuyện, thảo luận, nhà quản trị cần giúp nhân viên chia nhỏ các mục tiêu, cũng như đặt ra hạn, lộ trình thích hợp để hoàn thành. Một số phương pháp đặt mục tiêu có thể tham khảo là S.M.A.R.T, O.K.Rs, Golden Circle (Vòng tròn Vàng)...

Đồng thời, để tiết kiệm thời gian, nhà quản trị hoàn toàn có thể lập mục tiêu mới dựa trên các mục tiêu trước đó của nhân viên và điều chỉnh khi cần thiết. Ngoài ra, nhà quản trị cũng nên tìm hiểu động lực làm việc của nhân viên là gì, bởi mỗi người sẽ có mối quan tâm khác nhau. Có người làm việc vì tiền, vì thăng tiến, vì mong muốn sự ổn định, nhưng lại có người muốn được học hỏi, phát triển trong môi trường năng động.

Tổ chức đào tạo, giới thiệu công cụ mới

Theo báo cáo Workplace Learning Report do LinkedIn thực hiện, 93% nhân viên gắn bó lâu hơn với một DN có văn hóa đào tạo mạnh mẽ và kế hoạch phát triển nhân sự bài bản. Do đó, việc tổ chức các buổi đào tạo nghiệp vụ luôn mang đến sự hào hứng cho nhân viên.

Sau kỳ nghỉ chính là thời điểm hoàn hảo để khích lệ tinh thần nhân viên bằng cách trao cho họ cơ hội được đào tạo và nâng cao năng lực. Nhà quản trị cần vạch rõ tầm nhìn và kế hoạch tương lai của DN cho nhân viên, đồng thời chỉ rõ vai trò của họ trong bức tranh tổng thể đó. Sau đó, hãy kết hợp với đào tạo, nâng cao năng lực để đưa nhân viên trở về với "mode" làm việc. 

Đồng thời, thời điểm sau kỳ nghỉ dài cũng là lúc thích hợp để giới thiệu một công cụ làm việc mới. Thực hiện điều này trước kỳ nghỉ lễ có lẽ không phải là ý kiến hay, vì nhiều khả năng nhân viên sẽ bị phân tâm và rồi quên hết tất cả hướng dẫn sử dụng.

Học cách sử dụng một công vụ mới sẽ mang đến thách thức vừa đủ để giúp nhân viên cảm thấy phấn khích hơn, và làm họ quên đi sự nuối tiếc về kỳ nghỉ. Nếu hoạt động đào tạo và học hỏi cách sử dụng công cụ mới được game hóa một cách phù hợp, hiệu quả thu về là rất lớn.

Nhà lãnh đạo trở thành tấm gương tốt

Khoảng thời gian đầu sau kỳ nghỉ dài có thể là giai đoạn mệt mỏi nhất đối với một số nhân viên, khi nếp sinh hoạt thường nhật bị buộc phải thay đổi. Và, sự mệt mỏi, uể oải này rất dễ lây lan. Chỉ cần 1, 2 người trì hoãn công việc, nhiều khả năng những người khác cũng sẽ có… động lực để làm tương tự. Nhưng ngược lại, động lực tốt cũng là thứ rất dễ lan truyền.

Trong cuốn sách Developing the Leader Within You, tác giả nổi tiếng về lãnh đạo John C. Maxwell cho biết, có đến 89% những gì chúng ta học được là từ thị giác, chỉ có 10% từ thính giác, và 1% từ các giác quan khác. Nói ngắn gọn, nếu nhân viên nhìn thấy hành động, nghe thấy lời nói từ một tấm gương lãnh đạo tốt, thì họ sẽ cố gắng noi theo.

Thế nên, đừng chỉ luôn sử dụng "mánh khóe" và phương pháp hoa xảo để khích lệ nhân viên, bởi những gì họ cần không phải là một khẩu hiệu để nhìn, mà là một hình mẫu để noi theo. Nếu nhà quản trị chủ động bắt tay vào công việc và cho tất cả mọi người thấy tinh thần làm việc cần có là như thế nào, chắc chắn nhân viên của bạn sẽ chú ý và làm theo.