DNews

Vườn dâu xanh đầu tiên ở Bình Định, quả chi chít từ gốc tới ngọn

Doãn Công

(Dân trí) - "Lúc chính vụ có ngày trên 500 lượt khách ở nhiều nơi đến tham quan, chụp hình, mua dâu tại vườn. Khi đó mệt nhưng vui vì không có dâu để bán cho khách", lão nông Đặng Văn Cấp ở Bình Định kể

Vườn dâu xanh đầu tiên ở Bình Định, quả chi chít từ gốc tới ngọn

 Tại vùng gò đồi xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân (Bình Định), vài năm trở lại đây, xuất hiện nhiều mô hình trồng cây ăn quả, làm nông nghiệp quy mô lớn. Trong đó, hộ ông Đặng Văn Cấp (74 tuổi) là điển hình tiêu biểu, khi sở hữu vườn cây ăn quả rộng 10ha.

Trên diện tích này, ông Cấp trồng 7.000 trụ tiêu, 1.000 cây dừa ta, 1.000 gốc bưởi da xanh và nhiều cây ăn quả khác như sầu riêng, bơ, quýt đường… doanh thu bình quân mỗi năm từ vài trăm triệu đến trên 1 tỷ đồng.

Vườn dâu xanh đầu tiên ở Bình Định, quả chi chít từ gốc tới ngọn - 1

Đặc biệt, ông Cấp còn được biết là người đầu tiên ở huyện trung du Hoài Ân đưa cây dâu xanh ở xứ miền Tây về trồng trên vùng đất gò đồi cằn cỗi mà xưa kia chỉ trồng cây dừa mới mang lại giá trị kinh tế.

Theo ông Cấp, vườn dâu quả tròn vỏ màu vàng, xanh được ông trồng cách đây 7 năm với số lượng 200 gốc. Dâu bắt đầu cho quả từ năm thứ 3 và thu hoạch rộ từ năm thứ 4.

Vườn dâu xanh đầu tiên ở Bình Định, quả chi chít từ gốc tới ngọn - 2

"Giống dâu này tôi mua ở Bến Tre về trồng thử nghiệm nhưng không ngờ cho năng suất cao đến vậy, năm nay ước thu khoảng 10 tấn. So với các loại cây trồng khác, cây dâu dễ trồng vì rất ít sâu bệnh hại", ông Cấp cho hay.

Chứng kiến vườn dâu quả mọc chi chít từ gốc tới ngọn, khách tham quan mê mẩn.

Vườn dâu xanh đầu tiên ở Bình Định, quả chi chít từ gốc tới ngọn - 3

"Vườn dâu của gia đình được ai đó chia sẻ lên mạng Facebook nên nhiều người biết đến tham quan, nhất là ngày cuối tuần. Khi đó mệt nhưng vui vì đông khách đến tham quan, chụp hình, mua dâu tại vườn. Dâu bán khi đó đắt hơn tôm tươi và không có mà bán", ông Cấp cho hay.

Ông Cấp cho biết, vụ dâu vừa rồi, ngày cao điểm có trên 500 khách đến tham quan, chụp hình, quay phim và mua dâu xanh tại vườn. Do vườn dâu trồng xen trong khu đất rộng 10ha với hồ tiêu, dừa… nên gia đình phải cắt cử 2-3 nhân công vừa hướng dẫn, vừa hái dâu bán cho khách.

Vườn dâu xanh đầu tiên ở Bình Định, quả chi chít từ gốc tới ngọn - 4

Ông Cấp chia sẻ, trước đây, ông trồng cây bưởi da xanh, phải bơm các loại thuốc, khi ra quả phải bao bọc để tránh bị ong vàng đốt hư quả nên rất tốn công. Còn với cây dâu, chỉ lúc ra hoa mới bơm thuốc đuổi côn trùng, cây cứ thế phát triển cho quả chi chít. So với các loại cây ăn quả tôi đang trồng thì cây dâu dễ trồng nhưng hiệu quả lại cao nhất.

"Giá dâu ổn định 20.000-25.000 đồng/kg, bình quân mỗi cây dâu thu hoạch khoảng 50kg, có cây cả 100kg. Ước tính với mỗi cây dâu, gia đình thu ít nhất 1 triệu đồng, cây sai quả thu đến 2 triệu đồng. Quanh đây có vài hộ trồng 1-2 cây dâu để ăn nhưng không hiểu sao quả lại không có hạt", ông Cấp nói.

Trước năm 1990, ông Cấp đã trồng 50ha dừa ở đây, sau khi các nông trường, hợp tác xã giải thể, ông trả đất cho nhà nước, chỉ giữ lại 10 ha để phát triển các mô hình cây ăn quả. Đặc biệt, ông Cấp sáng kiến ra mô hình trồng tiêu "ký sinh" vào thân dừa thu lợi rất cao.

Vườn dâu xanh đầu tiên ở Bình Định, quả chi chít từ gốc tới ngọn - 5

"Năm ngoái, giá hồ tiêu tăng cao lên đến 80.000 đồng/kg, chỉ riêng vườn tiêu, tôi thu được 1 tỷ đồng", ông Cấp khoe và cho biết nghề nông thì năm được mùa, năm mất mùa, rất vô chừng.

Theo ông Cấp, với mô hình trồng cây ăn quả tổng hợp, mỗi năm gia đình ông thu lãi khoảng 400-500 triệu đồng.

Vườn dâu xanh đầu tiên ở Bình Định, quả chi chít từ gốc tới ngọn - 6

Ông Nguyễn Hữu Khúc, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân (Bình Định), đánh giá mô hình trồng cây ăn quả của hộ ông Cấp rất hiệu quả, ổn định, góp phần giúp đỡ và tạo việc làm cho nhiều lao động. Nhiều hộ dân trong thôn, xã có nhu cầu phát triển nhưng chưa nắm kỹ thuật, ông luôn giúp đỡ, trong đó có nhiều hộ vượt lên thoát nghèo làm giàu. Gia đình ông cũng tích cực tham gia những hoạt động an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo.