Vườn đào trăm triệu đồng của vợ chồng già nơi “thâm sơn cùng cốc”
(Dân trí) - Từ vùng đất đồi cằn cỗi, qua bàn tay của người nông dân đã biến thành vựa đào cho thu nhập cao. Những cây đào đã hé nụ, báo hiệu mùa Xuân đang đến gần và chuẩn bị phục vụ nhu cầu chơi Tết nguyên đán Canh Tý.
Tọa lạc giữa một thung lũng nơi xã miền sơn cước Phúc Đường, huyện Như Thanh (Thanh Hóa), vườn đào của gia đình bà Hàn Thị Lan (66 tuổi) và ông Trịnh Khắc Chiêm rộng gần 10 ha với đủ các loại đào.
Những ngày này, vườn đào của gia đình bà Hàn Thị Lan đang hé nụ và những bông hoa đang bắt đầu khoe sắc, báo hiệu mùa xuân đang về.
Hơn 20 năm trước, nơi đây vốn là vùng đất heo hút, không đường, không điện với muôn vàn khó khăn chồng chất. Năm 1996, sau khi thất bại về kinh doanh nơi mảnh đất Sài Thành, bà Lan quyết tâm trở về quê hương lập nghiệp.
Từ những đồng vốn ít ỏi, bà Lan cùng chồng tìm đến mảnh đất Như Thanh làm kinh tế. Hai vợ chồng quyết định thuê lại gần 50 ha đất đồi ở xã Phúc Đường để trồng keo và cây hoa màu.
Ngày vợ chồng bà Lan đặt chân đến Phúc Đường, nơi đây đang là vùng đất trống, cằn cỗi toàn cây bụi rậm, cỏ dại.
Sau khi thuê đất, hai vợ chồng bắt tay vào mở đường, san gạt đất đá để trồng keo, trồng mía, cây hoa màu. Những khó khăn, vất vả, không ngăn nổi quyết tâm làm lại từ đầu của vợ chồng bà Lan. Bao nhiêu vốn liếng hai vợ chồng dồn cả vào làm ăn kinh tế nơi vùng đất mới.
Đến năm 2009, trong một lần về vùng đất Xuân Du, bà Lan thấy nơi đây phát triển nghề trồng đào đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mang câu chuyện trồng đào trên vùng đất cằn cỗi nói chuyện với giáo sư Nguyễn Lân Dũng tại hội nghị làm vườn tổ chức ở thành phố Thanh Hóa.
“Giáo sư Dũng có bày cách về lấy 3 mẫu đất ở đỉnh đồi, lưng đồi và cuối đồi gửi ra để phân tích. Sau khi phân tích giáo sư kết luận thổ nhưỡng ở vùng đất này rất thích hợp với cây đào. Ngay sau đó, tôi bàn với chồng quyết định dành riêng 6 ha đất triền đồi để trồng thử nghiệm cây đào”, bà Lan chia sẻ.
Thấy cây đào phát triển tốt trên vùng đất cằn cỗi này, gia đình bà Lan quyết định mở rộng diện tích. Đến năm 2011, diện tích trồng đào của gia đình đã lên đến 8 ha với 12.000 cây.
Phần lớn đào nơi đây được lấy giống từ xã Xuân Du (Như Thanh), Nhật Tân và đào Phú Sơn (Tĩnh Gia).
Sau nhiều năm chịu khó chăm sóc, đến năm 2014, lứa đào đầu tiên cho thu hoạch, mang lại lợi nhuận gần 700 triệu đồng.
Những tưởng, lứa tiếp theo sẽ mang về thu nhập cao cho gia đình. Thế nhưng, nghề trồng đào tưởng đơn giản nhưng lại không như mong muốn của vợ chồng bà Lan.
Năm 2015, diện tích đào còn lại trong vườn của gia đình bà Lan thất thu.
“Năm 2015, thời tiết nắng nóng kéo dài khiến cả vườn đào nở đỏ rực trước Tết. Công lao chăm sóc cả một năm ròng rã coi như đổ sông đổ bể. Nghề trồng đào được hay mất đều phụ thuộc hết vào thời tiết”, bà Lan chia sẻ.
Theo kinh nghiệm của bà Lan, để có được những cây đào phục vụ Tết phải tốn rất nhiều công sức và vốn đầu tư công chăm sóc, phân bón...
Mỗi năm, gia đình phải đầu tư khoảng 300 công tỉa tán, cuốc cỏ, bón phân và tuốt lá. Có những thời điểm, gia đình phải thuê 60 - 70 người làm việc trên cánh đồng đào.
Mùa đào năm nay, gia đình bà Lan có khoảng 8.000 gốc.
Thời tiết thuận lợi nên năm nay, những gốc đào của gia đình bà Lan đã bắt đầu hé nụ, dự báo kịp phục vụ nhu cầu chơi Tết Canh Tý. Đã có nhiều khách hàng đặt mua đào của gia đình bà Lan từ vài tháng trước. Trong đó, có những gốc đào được bán với giá từ 4 -5 triệu đồng.
“Tôi thương đào như con. Có một cây đào theo vợ chồng tôi gần 10 năm, năm vừa rồi cây đào ra hoa đẹp nhất vườn, có người ở thành phố lên ưng ý hỏi mua. Khi tiễn cây đào về với chủ mới mà tôi tiếc lắm, chỉ kịp lấy điện thoại ra chụp lại làm kỷ niệm”, bà Lan chia sẻ.
Duy Tuyên