Thanh Hóa:
Vùng "rốn" bưởi tiến vua đắt khách dịp cận Tết
(Dân trí) - Cận Tết Nguyên đán Tân Sửu, nhiều gia đình ở làng bưởi Luận Văn (Thanh Hóa) luôn tiếp đón các thương lái về đặt hàng. Thương hiệu bưởi tiến vua này đã mang đến nguồn thu nhập cho người dân địa phương.
Hơn 4 năm nay, sau khi nghỉ công tác ở Trạm y tế, ông Lê Khắc Trường (64 tuổi), thôn Luận Văn 2, xã Thọ Xương đã bắt tay vào trồng bưởi Luận Văn, hay còn gọi là bưởi "tiến vua". Trong mảnh vườn nhỏ vốn lâu nay bỏ không hoặc chỉ trồng ít rau, thì nay gia đình ông đã có 20 cây bưởi trĩu quả.
Thời điểm này, bưởi đã chín, tuy nhiên, theo ông Trường, do năm nay nhuận, dài tháng hơn nên bưởi rụng nhiều. Cây bưởi năng suất nhất trong vườn gia đình ông Trường có khoảng 60-70 quả. Năm 2020, gia đình ông thu được 20 triệu đồng từ vườn bưởi Luận Văn. Vụ Tết năm nay, ông Trường hi vọng nguồn thu từ vườn bưởi khoảng 30 triệu đồng.
"Những năm gần đây, thấy bưởi Luận Văn có giá trị nên gia đình tôi đã cải tạo lại vườn để trồng. Bưởi Luận Văn có 2 loại, loại chín sớm vào Tết trung thu và loại chín muộn vào dịp Tết cổ truyền. Trong đó, dòng bưởi chín muộn, đến lúc chín tỷ lệ quả rụng nhiều. Năm ngoái, gia đình tôi bán giá cao nhất là 500 nghìn đồng/cặp tại vườn, còn bình quân từ 100 - 200 nghìn đồng/quả", ông Trường cho biết.
Theo ông Trường, chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, đã có thương lái đến đặt mua bưởi. Với số bưởi hiện có trong vườn, gia đình ông hi vọng sẽ cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng.
Bưởi "tiến Vua" có những đặc tính riêng so với các loại bưởi khác, khi nhỏ, bưởi cũng có màu xanh, nhưng đến khoảng tháng 7 và tháng 8 Âm lịch, bưởi sẽ chuyển sang màu vàng. Vào khoảng tháng 10 - 11 Âm lịch, bưởi tiếp tục có sự thay đổi về màu sắc, lúc này toàn thân quả bưởi từ ngoài vào trong tép bưởi đều chuyển sang màu đỏ gấc.
Cũng theo ông Trường, khi sử dụng rượu để lau bưởi trước khi dâng cúng tổ tiên, bưởi sẽ có mùi thơm rất đặc trưng và lưu giữ được màu sắc và vẻ tươi đẹp cả tháng trời. Không những vậy, với màu đỏ đặc trưng, bắt mắt, bưởi Luận Văn còn được xem như một biểu tượng của sự may mắn, tài lộc. Chính vì vậy, người xưa ưu ái xếp bưởi đỏ Luận Văn lên vị trí "vua" của các loại bưởi.
Ông Lê Duy Cần, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Thọ Xương, mới thầu 1,5 ha đất và đã xuống giống hơn 100 cây bưởi Luận Văn. Giống bưởi Luận Văn chủ yếu được trồng bằng phương pháp chiết, ghép cành.
Từ giá trị cây bưởi Luận Văn, địa phương đã có dự định khôi phục từ lâu nhưng chưa thành công. Đến năm 2011, sau nhiều lần khôi phục đã bắt đầu có sản phẩm bưởi Luận Văn bán ra thị trường. Bình quân, mỗi cây bưởi Luận Văn có thể đem lại thu nhập khoảng 3 triệu đồng.
"Bưởi Luận Văn có nguồn gốc từ thời xa xưa. Trước đây, bưởi Luận Văn là giống bưởi để dâng lên Vua vào những ngày lễ Tết. Năm 1979, giống bưởi Luận Văn còn được đưa ra lăng Bác trồng 4 cây", ông Cần cho biết.
Hiện tại, bưởi "tiến Vua" trong vườn của gia đình ông đã có thương lái đặt mua hết, trong đó, loại nhỏ có giá 80.000 đồng/quả, đắt là 150.000 đồng/quả.
Theo ông Cần, trước đây khi chưa áp dụng kỹ thuật, cây thường bị vàng lá, nhiều sâu bệnh, sản phẩm xấu, ít người mua. Từ khi áp dụng kỹ thuật thì có thay đổi, hiệu quả mang lại rõ rệt hơn. Bưởi sau khi trồng khoảng 4 năm sẽ cho thu hoạch. Khi đang non bưởi có màu xanh, đến giữa tháng 10 Âm lịch, bưởi bắt đầu chuyển đỏ từ trong ra ngoài.
Những năm gần đây, mỗi dịp Tết đến xuân về, bưởi đỏ "tiến Vua" làng Luận Văn luôn được khách hàng từ khắp nơi tìm đến đặt mua. Hiện, nhiều nhà vườn tại làng Luận Văn đã có thương lái đặt mua hết, không còn hàng để bán.
Theo thống kê, đến nay, toàn xã Thọ Xương có khoảng 35 ha bưởi, trong đó, một số ít diện tích được trồng tập trung, còn lại được người dân phát triển qua phong trào cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng...
Ngoài xã Thọ Xương, hiện giống bưởi Luận Văn đã được phát triển nhiều tại các xã Xuân Bái, Xuân Lam (huyện Thọ Xuân). Năm 2013, Cục Sở hữu trí tuệ có quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi Luận Văn...