Vụ bác sĩ làm việc trên xe lăn bị điều chuyển: Cần quan tâm tính nhân văn

Vi Thảo

(Dân trí) - Quyết định điều động bác sĩ Lê Khắc Thu cần đặt tính nhân văn lên trên hết, bởi đó không chỉ là sự tuân thủ pháp luật, mà còn thể hiện sự quan tâm đến đời sống của viên chức.

Liên quan vụ việc bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Khắc Thu, Trưởng khoa Khám bệnh, Trung tâm Y Tế huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế), bị điều động, bổ nhiệm khi sức khỏe không đảm bảo, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với luật sư Đỗ Ngọc Thanh, Công ty TNHH Dân Luật (Đoàn Luật sư TPHCM).

Theo luật sư Đỗ Ngọc Thanh, quy định tại Nghị định 115/2020/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 85/2023/NĐ-CP), việc bổ nhiệm viên chức quản lý phải tuân thủ trình tự, thủ tục minh bạch, công khai và cần xem xét đến tình hình thực tế của viên chức.

Vụ bác sĩ làm việc trên xe lăn bị điều chuyển: Cần quan tâm tính nhân văn - 1

Luật sư Đỗ Ngọc Thanh, Công ty TNHH Dân Luật (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Trình tự điều động phải tuân thủ đầy đủ các bước, bao gồm: xin chủ trương bổ nhiệm, thảo luận tập thể về tiêu chuẩn và điều kiện, giới thiệu nhân sự, lấy ý kiến của tập thể cán bộ chủ chốt, cuối cùng là ra quyết định.

Nếu trong quá trình này, bác sĩ Lê Khắc Thu không được trao đổi, thông báo trước về quyết định hoặc không có cơ hội trình bày ý kiến cá nhân, thì trình tự chưa đảm bảo tính minh bạch, dân chủ và đúng quy định.

Trong hoàn cảnh bác sĩ Thu đang điều trị bệnh, thời gian công tác còn ngắn, lẽ ra cần có sự đánh giá kỹ lưỡng về tác động của quyết định điều động đối với sức khỏe và cuộc sống cá nhân, cũng như sự thống nhất trong nội bộ đơn vị về tính phù hợp của việc bổ nhiệm.

Luật sư Thanh cho rằng, mặc dù pháp luật không cấm điều động viên chức sắp nghỉ hưu, nhưng trong trường hợp bác sĩ Lê Khắc Thu đang mắc bệnh nặng và chỉ còn 2 năm công tác, việc điều động, bổ nhiệm với ông đáng lẽ phải được xem xét kỹ lưỡng, cân nhắc đến quyền lợi cá nhân, sức khỏe và hoàn cảnh gia đình.

"Quyết định điều động trong hoàn cảnh này nên đặt tính nhân văn lên trên hết, bởi đó không chỉ là sự tuân thủ pháp luật, mà còn thể hiện sự quan tâm đến đời sống của viên chức. Đồng thời, khi điều động cần xét ở bối cảnh sức khỏe yếu và sự gần gũi với gia đình những năm cuối của sự nghiệp", luật sư Đỗ Ngọc Thanh nêu quan điểm.

Theo luật sư Ngọc Thanh, bác sĩ Thu có thể gửi đơn kiến nghị lên cấp có thẩm quyền, trình bày cụ thể về tình trạng sức khỏe và hoàn cảnh cá nhân, đề xuất tạm hoãn hoặc điều chỉnh lại vị trí công tác cho phù hợp.

"Bác sĩ Thu cũng nên gặp gỡ lãnh đạo và liên hệ với Công đoàn khi sức khỏe đảm bảo, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp và yêu cầu xem xét lại quyết định; trao đổi trực tiếp với lãnh đạo Sở Y tế và nhờ sự hỗ trợ của Công đoàn ngành Y tế tỉnh, nơi có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của viên chức.

Mặt khác, bác sĩ Thu cần chuẩn bị giấy tờ liên quan đến tình trạng sức khỏe, bệnh lý và các khó khăn cá nhân để làm bằng chứng thuyết phục cho nguyện vọng của mình", luật sư Thanh khuyến nghị.

Vụ bác sĩ làm việc trên xe lăn bị điều chuyển: Cần quan tâm tính nhân văn - 2

Bác sĩ Lê Khắc Thu có thể gửi đơn kiến nghị hoặc khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền (Ảnh: Minh Hồ).

Như Dân trí đã phản ánh, các quyết định điều động, bổ nhiệm viên chức quản lý tại Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc có những điểm bất cập, chưa hợp tình, hợp lý.

Đáng chú ý là trường hợp bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Khắc Thu, Trưởng khoa Khám bệnh được điều động đến công tác tại Trạm Y tế xã Lộc Thủy, khi ông này không đảm bảo sức khỏe để đi công tác xa, đang phải điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Bản thân bác sĩ Thu đã cống hiến nhiều năm cho ngành y tế huyện Phú Lộc, từng đảm nhận công tác ở cơ sở và chỉ còn khoảng 2 năm nữa là đủ tuổi nghỉ hưu.

Trong ngày 3/10, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc đã tạm hoãn quyết định trước đó của chính ông này ký về việc điều động, bổ nhiệm bác sĩ Lê Khắc Thu.

Nhiều ý kiến bạn đọc cũng cho rằng quyết định điều động, bổ nhiệm đối với bác sĩ Lê Khắc Thu trong trường hợp này là chưa thấu đáo, thiếu nhân văn và cần có sự điều chỉnh.