Vỡ mộng xuất khẩu lao động bằng con “đường tắt”
(Dân trí) - Với lời hứa hẹn lương cao, thậm chí có cả “thẻ xanh” khi sang Mỹ hay CHLB Đức, nhiều lao động ở Nghệ An đã sẵn sàng bỏ ra hàng chục nghìn USD để “chạy” sang đây làm việc. Cơ hội việc làm không có, họ quay về với hai bàn tay trắng và món nợ lớn.
Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An vừa triệt phá đường dây đưa lao động sang Đức trái phép và khởi tố bị can đối với Hoàng Niêm (SN 1974, trú xã Nghi Quang, Nghi Lộc, Nghệ An), Nguyễn Hoàng Triều (SN 1975, trú xã Nghi Phong, Nghi Lộc) về hành vi “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”.
Mặc dù không có giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động nhưng thông qua một người Việt Nam đang sinh sống ở Nga, Triều và Niêm đã tổ chức tư vấn, thu tiền của 4 người lao động để đưa sang CHLB Đức làm việc. Để tạo lòng tin, Hoàng Niêm còn hứa hẹn sau khi quá cảnh sang Nga, nếu không đi được sang Đức, các lao động được trả lại toàn bộ số tiền đã đóng cộng thêm cả tiền lãi.
CHLB Đức là thị trường lao động luôn yêu cầu khắt khe, chưa có nhiều chương trình hợp tác lao động với Việt Nam. Với những chương trình hợp tác đang triển khai, người lao động phải trải qua một quá trình học tập, thi cử về tiếng, chuyên môn hết sức ngặt nghèo. Bởi vậy, muốn “đi tắt”, mong có cơ hội đổi đời với công việc tốt, thu nhập cao, không ít người lao động sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để “chạy” 1 suất sang CHLB Đức.
Trên cơ sở đó, 4 người lao động trên đã nộp cho Triều và Niêm số tiền 6.000 USD và 10,5 triệu đồng trong tổng số 15.000 USD chi phí - như đã báo trước. Số còn lại sẽ thanh toán sau khi đặt chân lên Đức. Cuối tháng 9, số lao động này được đưa sang Nga.
Tuy nhiên, sau 3 tháng chờ cơ hội sang Đức nhưng không được, 4 lao động người Nghệ An này đã phải tự mua vé máy bay để về Việt Nam.
Điều “an ủi” đối với họ là sau khi bị cơ quan an ninh điều tra triệu tập để làm rõ nội dung tố cáo, Hoàng Niêm và Nguyễn Hoàng Triều đã hoàn trả lại số tiền đã thu.
Một câu chuyện khác về vỡ mộng "đi tắt" để ra nước ngoài. Nguyễn Minh Đ. (SN 1992, trú huyện Diễn Châu, Nghệ An) đã tham gia một lớp học tiếng Anh để chuẩn bị làm thủ tục đi Canada.
Tuy nhiên, vì nhiều lí do khác nhau, Đ. không thể sang Canada được nên khi cô giáo dạy tiếng cho mình là Nguyễn Thị Thủy (SN 1983, trú xã Nghi Đức, Tp Vinh) “tư vấn” đi Mỹ làm việc, Đ. đồng ý.
“Thực ra em cũng không nắm được thông tin gì về việc xuất khẩu lao động sang Mỹ, nghe chị Thủy và chị Lê (Trần Thị Lê, SN 1981, trú xã Sơn Hải, Quỳnh Lưu, Nghệ An) nói sang đó công việc nông nghiệp nhẹ nhàng, mức thu nhập từ 1.000 USD rồi tăng dần theo thời gian làm việc, lại được cấp cả “thẻ xanh” trong vòng 1 năm nên em bàn với gia đình vay mượn tiền để “chạy” một suất đi Mỹ” - Nguyễn Minh Đ. nói.
Tổng số tiền Đ. và gia đình đóng cho Nguyễn Thị Thủy và Trần Thị Lê lên tới gần 400 triệu đồng. Toàn bộ hồ sơ, thủ tục hộ chiếu để sang Mỹ cũng được khoán trắng cho “cò”.
Đến ngày đi như thông báo, Đ. cầm hộ chiếu du lịch lên máy bay, lòng không khỏi hồi hộp về “thiên đường” sắp đặt chân đến. Tuy nhiên, khi sang đến đảo Samoa (Mỹ), Đ. và 1 lao động khác được “cò” đưa vào một nông trang của người Trung Quốc làm việc với mức lương 300 USD/tháng, tức là chưa bằng 1/3 mức lương khởi điểm đã được hứa hẹn trước đó.
“Công việc vất vả, lương quá thấp, làm được một tháng thì em trụ không nổi. May trước khi sang đây có mang theo một ít tiền, đủ mua vé máy bay về nước”, Nguyễn Minh Đ. nói.
Mới đây, TAND tỉnh Nghệ An đưa ra xét xử và tuyên phạt Trần Thị Lê 18 tháng tù treo, Nguyễn Thị Thủy 15 tháng tù treo. Do việc tổ chức đưa lao động sang Mỹ là trái pháp luật nên giao dịch dân sự giữa Lê, Thủy và người lao động không được pháp luật bảo hộ. Có nghĩa là, số tiền 24.000 USD mà Nguyễn Minh Đ. đã đóng cho Thủy và Lê, hai bên sẽ phải tự thỏa thuận giải quyết với nhau.
“Phía chị Thủy, chị Lê đã trả cho 2.000 USD và 10 triệu đồng. Giờ nhà em đang nợ gần 400 triệu đồng, chỉ trả riêng tiền lãi cũng đã mệt rồi. Cũng không biết đến bao giờ chị Thủy, chị Lê mới trả tiền cho khi tiền đó đã gửi cho người lo giấy tờ bên Mỹ cả rồi”, Nguyễn Minh Đ. nói.
Thiếu tá Chu Văn Hương - Đội trưởng đội điều tra án, Phòng an ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An - cho biết, thời gian qua, đơn vị đã phá nhiều đường dây đưa lao động ra nước ngoài trái phép. Một số lao động do thiếu hiểu biết về các quy định của pháp luật về xuất khẩu lao động, vô tình trở thành nạn nhân của các đường dây xuất khẩu lao động “ma” này.
Tuy nhiên, phần lớn người lao động là do muốn “đi tắt”, không phải trải qua các kỳ sát hạch với yêu cầu rất cao mà vẫn có việc làm tốt, thu nhập cao nên sẵn sàng bỏ một số tiền lớn để “đi chui”.
“Các lao động nếu được đưa sang nước ngoài bằng hình thức đi "chui" sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro, không được pháp luật bảo hộ, nguy cơ bị ngược đãi hoặc việc làm, mức lương không đúng với hứa hẹn, bị bỏ rơi, phải đối mặt với nguy hiểm về tính mạng. Bởi vậy, không để bị mất tiền và ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng…, người lao động cần tìm hiểu kỹ về các chương trình hợp tác lao động của nhà nước với các nước, đặc biệt, phải cảnh giác trước những lời dụ dỗ, hứa hẹn của các đối tượng không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động” - Thiếu tá Chu Văn Hương khuyến cáo.
Hoàng Lam