1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

TPHCM:

Vợ chồng khuyết tật mở tiệm hoa, thu về chục triệu đồng mỗi tháng

Xuân Hinh Nam Thái

(Dân trí) - Vợ chồng chị Lê Thị Bích Cho (TPHCM) mặc dù đều bị khuyết tật nhưng họ vẫn cố gắng lao động, cùng nhau mở một tiệm bán hoa mang lại thu nhập hơn chục triệu đồng mỗi tháng.

Vợ chồng khuyết tật mở tiệm hoa, thu về chục triệu đồng mỗi tháng
Vợ chồng khuyết tật mở tiệm hoa, thu về chục triệu đồng mỗi tháng - 1
Tiệm hoa của vợ chồng chị Cho nằm ở một góc nhỏ trên đường Hồ Thị Kỷ (quận 10, TPHCM).

Vượt lên khó khăn

Thời gian qua trên mạng xã hội chia sẻ nhiều về một tiệm hoa của cặp vợ chồng bị khuyết tật ở 40 Hồ Thị Kỷ (quận 10, TPHCM). Đó là câu chuyện của chị Lê Thị Bích Cho (sinh năm 1986) và chồng của mình là anh Doanh Quốc Lực (sinh năm 1982).

Vợ chồng khuyết tật mở tiệm hoa, thu về chục triệu đồng mỗi tháng - 2
Năm 2017, anh chị Cho đã cùng nhau mở tiệm hoa để theo đuổi sở thích.

Hai vợ chồng anh chị có hoàn cảnh hết sức đặc biệt, anh Lực bị khuyết tật ở chân còn chị Cho bị khuyết tật ở tay. Họ cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình và mở một tiệm kinh doanh hoa với thu nhập mỗi tháng hơn chục triệu đồng.

Vợ chồng khuyết tật mở tiệm hoa, thu về chục triệu đồng mỗi tháng - 3
Mỗi sáng sớm, anh Lực đều phụ vợ cắm những bình hoa để chưng lên kệ nhằm thu hút khách hàng.

Chị Lê Thị Bích Cho tâm sự: "Mình là một người phát triển bình thường nhưng đến năm 22 tuổi thì bị bệnh liệt toàn thân. Lúc đó mình rất buồn chán và thất vọng. Nhưng được người thân, bạn bè khuyên và trò chuyện nên mình có được động lực vượt quá số phận. Bằng cách tập vật lý trị liệu nên dần dần mình lấy lại được cảm giác của tay và chân".

Vợ chồng khuyết tật mở tiệm hoa, thu về chục triệu đồng mỗi tháng - 4
Cột sống của anh Lực bị tổn thương do tai nạn leo cây ở tuổi 15 dẫn đến anh bị liệt 2 chân, sau đó anh tham gia khóa học dạy nghề cho người khuyết tật của tỉnh Bắc Kạn.

Chị Bích Cho kể thêm, sau khi lấy lại được một chút cảm giác của tay chân, chị xin vào một trường dạy nghề cho người khuyết tật ở Hóc Môn. Tại đây chị gặp được bạn đồng hành của cuộc đời mình là anh Lực (sinh năm 1982, quê tại Bắc Kạn).

Vợ chồng khuyết tật mở tiệm hoa, thu về chục triệu đồng mỗi tháng - 5
Ban đầu anh học nghề kim hoàn nhưng do lương không ổn định, anh quyết định học nghề hoa để cùng vợ mở tiệm.

Năm 15 tuổi, anh Lực đã bị tai nạn dẫn đến ảnh hưởng cột sống khiến anh bị liệt 2 chân. Sau khi gặp và đồng cảm, năm 2018, họ quyết định về chung một nhà. Công việc ban đầu của anh Lực là thợ kim hoàn cho một tiệm trang sức, còn chị Cho thì phụ việc cho một cửa tiệm bán hoa, kinh tế của gia đình không dư giả nhiều.

Vợ chồng khuyết tật mở tiệm hoa, thu về chục triệu đồng mỗi tháng - 6
Bàn tay anh khéo léo nắn những đoán hoa để tạo kiểu.

"Hồi trước, mình có phụ người em bán hoa ngoài chợ, đi bán vé số rồi bán hoa dạo... Kinh tế không ổn định lắm. Sau đó, chồng mình mới bỏ nghề kim hoàn, đi học nghề ở cửa hàng hoa rồi hai vợ chồng gom góp tiền để mở cửa hàng như bây giờ", chị Cho chia sẻ.

Anh lực cũng chia sẻ, bản thân anh và vợ đều là người khuyết tật nên làm những bó hoa thường lâu hơn người khác. Khi cần đặt những sản phẩm lên kệ thì phải nhờ người khác, thậm chí nhờ khách đặt hoa lên kệ giúp.

Vợ chồng khuyết tật mở tiệm hoa, thu về chục triệu đồng mỗi tháng - 7
Mỗi bình hoa, anh Lực mất tầm 30 phút mới có thể hoàn thành.

Cảm giác sức lực của hai vợ chồng có hạn nên anh, chị đã mượn tiền của người thân để mở rộng tiệm, đồng thời thuê thêm nhân viên để phụ mình trong việc kinh doanh hoa.

Vợ chồng khuyết tật mở tiệm hoa, thu về chục triệu đồng mỗi tháng - 8
Chị Cho cũng bị bệnh vào năm 22 tuổi, căn bệnh này đã làm chị liệt toàn thân. Sau quá trình kiên trì tập vật lý trị liệu thì chị đã lấy lại được cảm giác ở tay phải và 2 chân.

3 năm quên ăn Tết…

Từ lúc mở tiệm hoa vào năm 2017 đến nay, cửa hàng hoa Lê Cho rất được lòng của khách hàng. Mọi người tới ủng hộ vì cảm phục nghị lực của đôi vợ chồng này. Mỗi tháng, cửa hàng hoa này mang lại số tiền lãi hơn chục triệu đồng.

Vợ chồng khuyết tật mở tiệm hoa, thu về chục triệu đồng mỗi tháng - 9
Hiện tại, mỗi khi chị làm hoa là chị dùng tay trái giữ cành hoa cố định để có thể vuốt những cánh hoa cho thẳng và đẹp

"Cửa hàng mình chủ yếu nhập các loại hoa đẹp, chất lượng nhưng bán cho khách giá bình dân, chủ yếu là lấy công của 2 vợ chồng làm lời, nên cửa hàng mình rất được lòng khách. Rồi tiếng lành đồn xa, nhiều khách tìm đến hơn, giúp cuộc sống của hai vợ chồng cũng dần ổn định có đủ tiền để lo toan mọi chi phí", chị Cho kể.

Vợ chồng khuyết tật mở tiệm hoa, thu về chục triệu đồng mỗi tháng - 10
Chị Cho bật mí, bông hoa chị thích đó là bông Hồng Hỷ vì nó có một mùi thơm nhẹ và có một vẻ đẹp nhẹ nhàng.

Tuy cuộc sống dần ổn định, nhưng chị Cho chia sẻ, từ lúc mở tiệm hoa đến nay đã 3 năm rồi, vợ chồng chị không ăn tết, vì việc bán hoa khá đặc thù vì phải bán xuyên tết.

"Cửa hàng hoa của mình thường bán đến khuya 30 tết, rồi mùng 1 nghỉ bán để 2 vợ chồng nghỉ ngơi rồi mùng 2 mở cửa lại để bán bình thường. Có nhiều lúc mình phải bán xuyên tết do nhu cầu tăng cao. Nên đã 3 năm nay, vợ chồng mình đã quên ăn tết", chị Cho tâm sự.

Vợ chồng khuyết tật mở tiệm hoa, thu về chục triệu đồng mỗi tháng - 11
Một bó hoa do chính chị Cho cắm khá bắt mắt.

Năm nay, dịch Covid-19 bùng phát đã gây ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế của anh chị. Những tháng cách ly xã hội, doanh thu của cửa hàng không có nên anh chị phải bỏ tiền túi để trả tiền nhân công và mặt bằng.

Theo anh Lực, mấy tháng cuối năm, lượng khách đã dần ổn định trở lại. Có thể tết năm nay, anh chị phải bán xuyên tết để kiếm thêm chút tiền để chuẩn bị cho năm 2021.

Vợ chồng khuyết tật mở tiệm hoa, thu về chục triệu đồng mỗi tháng - 12
Theo vợ chồng chị Cho, từ lúc mở tiệm đến nay thì chưa ăn tết lần nào, do đặc trưng của bán hoa là bán xuyên tết.

"Mình mong muốn cả 2 vợ chồng mình sẽ giữ được sức khỏe như hiện tại. Nhìn ở ngoài anh Lực có vẻ rất khỏe nhưng thật ra bên trong rất yếu, rất dễ bị bệnh. Đồng thời công việc kinh doanh của tiệm sẽ ổn định trở lại và mình mong muốn nếu được thì trong tương lai mình sẽ mở thêm một vài cửa hàng để phát triển kinh tế", chị Cho chia sẻ về ước mơ của mình.