Việt Nam: Năng suất lao động ở mức thấp

(Dân trí) - Tại Việt Nam, dù sự dịch chuyển sang các khu vực có năng suất cao hơn có giúp cho tổng năng suất lao động tăng thêm 5,1%/năm, nhưng năng suất lao động nhìn chung vẫn chỉ bằng 1/5 năng suất trung bình trong ASEAN và khoảng 1/10 mức năng suất của Singapore.

Đó là một trong những nhận định được đưa ra trong Báo cáo “Xu hướng Lao động và Xã hội Việt Nam 2009/10” do Tổ chức lao động Quốc tế (ILO) vừa công bố.

Báo cáo “Xu hướng Lao động và Xã hội Việt Nam 2009/10” cũng  ghi nhận đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam kể từ năm 2000 song hành cùng với sự chuyển đổi nhanh chóng về cơ cấu. Việc làm trong nông nghiệp giảm từ 65,3% trong năm 2000 xuống 52, 2% trong năm 2007, do nguời lao động chuyển dịch sang các ngành công nghiệp và dịch vụ.

Thêm vào đó, dù đói nghèo đã giảm mạnh trong thập kỷ vừa qua, nhưng cũng đã manh nha những vấn đề xã hội khác như tranh chấp lao động gia tăng, trong khi nhìn chung các biện pháp an sinh xã hội chưa bao phủ tới khu vực phi chính thức với quy mô to lớn.

Việt Nam: Năng suất lao động ở mức thấp - 1
Năng suất lao động trung bình của Việt Nam chỉ bằng 1/10 Singapore. (Ảnh: CTV)
 
Lực lượng lao động xấp xỉ 46 triệu người vào năm 2007 đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với sự thịnh vượng về kinh tế của Việt Nam, cũng như đối với sự mở rộng khu vực công nghiệp, hiện chiếm khoảng 1/5 số người lao động. Tuy nhiên, gần 3/4 tổng số lao động đang làm những việc làm bấp bênh với tiền công và điều kiện làm việc nghèo nàn, và bảo trợ xã hội cũng như pháp lý còn hạn chế. Thực tế phần lớn lực lượng lao động chưa qua đào tạo nghề cũng góp phần kìm hãm triển vọng phát triển của đất nước.

“Việt Nam đang chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề quan trọng mà Chính phủ đang quan tâm là các chính sách đầu tư và phát triển, đặc biệt là nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề cho người lao động để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực,” Ông Đàm Hữu Đắc, Thứ trưởng Thường trực Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, chia sẻ.

Theo báo cáo do Viện Khoa học Lao động và Xã hội (ILSSA) thực hiện, lực lượng lao động của Việt Nam dự kiến sẽ gia tăng khoảng 1.5%/năm (tương đương với khoảng 738.000 lao động/năm) trong giai đoạn 2010 - 2015.

ILO nhận định, mặc dù đã bước đầu vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng để phục hồi được bền vững, Việt Nam cần tập trung hướng các chính sách trung hạn vào phát triển toàn diện để tận dụng tối đa lực lượng lao động đang tăng trưởng và đầy năng động của mình.

Một trong những khuyến nghị chính được đưa ra là Chính phủ cùng với người lao động và người sử dụng lao động cần ưu tiên các biện pháp thúc đẩy năng lực cạnh tranh của đất nước, bao gồm tăng cường các thể chế thị trường lao động, đầu tư phát triển nguồn nhân lực, xúc tiến chất lượng việc làm và mở rộng hệ thống an sinh xã hội.

 

Phạm Thanh