1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Việt Nam có thêm 60.000 việc làm/năm khi tham gia các Hiệp định thương mại

(Dân trí) - “Khi tham gia 3 Hiệp định đa phương lớn như CPTTP, EVFTA và RCEP, Việt Nam có thêm từ 50.000-60.000 việc làm mới mỗi năm. Chưa tính tới việc làm mới từ các Hiệp định song phương khác…” - Ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) nhận định.

Theo đó, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội gia tăng nguồn việc làm khi tham gia đầy đủ vào các Hiệp định thương mại lớn hiện nay, như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…

Trước đó, hôm 12/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định CPTPP, với 469/469 đại biểu có mặt tán thành thông qua.

Phân tích về số lượng việc làm gia tăng, ông Đào Quang Vinh cho biết: “Với việc tham gia CPTPP, Việt Nam sẽ tạo thêm từ 16.500- 27.000 việc làm/năm, tính từ năm 2020 trở đi. Đối với việc tham gia Hiệp định EVFTA, giai đoạn 2021-2030, Việt Nam sẽ có thêm khoảng 18.000 - 19.0000 việc làm/năm”.

vinh

Ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH)

Bên cạnh đó, Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội cũng dự đoán, việc tham gia Hiệp định RCEP cũng có thể giúp Việt Nam tạo thêm từ 13.700 - 15.000 việc làm/năm.

Như vậy, các Hiệp định sẽ tạo ra nguồn việc làm đáng kể, tới khoảng 50.000 - 60.000 việc làm mới cho Việt Nam. Số liệu trên chưa tính tới các hiệp định song phương khác.

Nhận định về các nhóm ngành nghề sẽ được gia tăng, ông Đào Quang Vinh cho rằng các ngành có sử dụng nhiều lao động sẽ được hưởng lợi nhiều. “Với Hiệp định CPTTP, nguồn việc trong lĩnh vực dệt may, chế biến thực phẩm và đồ gỗ. Với Hiệp định EVFTA, nguồn việc sẽ cần nhiều là đồ gỗ và dệt may, da giày…”.

Về sự dịch chuyển chất lượng lao động khi tham gia các Hiệp định thương mại, ông Đào Quang Vinh cho rằng: Ban đầu sẽ chỉ tăng về số lượng việc làm giản đơn, còn nguồn việc làm có trình độ cao chưa tăng nhanh. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp trong nhóm đối tượng chuẩn bị tham gia Hiệp định đang có xu hướng chuyển cơ sở sản xuất về những khu vực có gia lao động rẻ hơn.

“Những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc, da giày đã và đang chuyển dần về khu vực miền Trung hoặc Đồng bằng sông Cửu long” - ông Đào Quang Vinh đơn cử.

Đồng thời, ông Vinh cho rằng điều này không như kỳ vọng nhưng cũng không bất ngờ. Thực tế trên cũng đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có sự nghiên cứu lâu dài về những chính sách.

Về tiền lương và thu nhập, ông Đào Quang Vinh cho biết: “Các bản Hiệp định đều có xu hướng cải thiện tiền lương, chi phí bình quân đối với lao động”.

Khuyến cáo về chính sách lao động

Bên cạnh những tác động có lợi khi tham gia các Hiệp định thương mại, Đào Quang Vinh cũng đưa ra một số khuyến cáo: Các Hiệp định thương mại tự do ít có tác động cụ thể về cải thiện về chất lượng lao động. Trừ khi Việt Nam chủ động có những chính sách tác động bổ sung. Việt Nam cần có những nghiên cứu về tiền lương theo các nhóm lao động khác nhau, các ngành nghề khác nhau. Đây là nhu cầu lớn và thách thức.

“Những kết quả trên dù khả quan nhưng mới chỉ dựa trên những đánh gía ban đầu, chúng ta chỉ có được sự đánh giá tác động cụ thể khi các Hiệp định đã đi vào thực tế. Đồng thời, kết quả còn phải dựa vào điều kiện môi trường kinh tế, sự điều chỉnh của chính sách, đặc biệt là sự chuẩn bị của doanh nghiệp về cơ sở vật chất và nhân lực…” - Ông Đào Quang Vinh nói.

Hoàng Mạnh