Việc làm cho lao động nông thôn (Bài 3): "Đầu ra" không ổn, đào tạo nghề khó thành công
(Dân trí) - “Đa số người nông dân vùng thu hồi đất cũng như tại nông thôn không có bằng cấp, học vấn có hạn. Bởi vậy, việc dạy nghề cho họ phải có những cơ chế đặc thù mới có hiệu quả, dù đó là nghề phi nông nghiệp hay nông nghiệp. Cơ chế đó là gắn dạy nghề với "đầu ra" - việc làm.
Ông Đào Văn Tiến - Vụ trưởng Vụ Dạy nghề thường xuyên (Tổng Cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH) - trao đổi với PV Dân trí về những mấu chốt trong công tác đào tạo nghề cho lao động vùng thu hồi đất nói riêng và lao động nông thôn nói chung.
Liên quan tới công tác đào tạo nghề cho lao động vùng thu hồi đất nói riêng và nông thôn nói chung, ông có nhấn mạnh tới những khó khăn từ các “nút thắt”. Cụ thể điều này ra sao, thưa ông?
- Mục tiêu của đào tạo nghề là việc làm, bao gồm việc làm phi nông nghiệp và nông nghiệp.
Trong đào tạo nghề phi nông nghiệp, “nút thắt” là số lượng doanh nghiệp thành lập mới hàng năm chưa nhiều, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ nên nguồn việc chưa nhiều. Không ít doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất và hạn chế tuyển thêm lao động.
Do đó chưa có đầu ra ổn định nên việc đào tạo hạn chế. Đặc biệt là việc chuyển số lượng lớn lao động nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Điều này càng rõ nét ở các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Trong mảng việc làm nông nghiệp, “nút thắt” trong đào tạo nghề là việc xác định, lựa chọn nghề đào tạo để làm “nông nghiệp tiên tiến, hiện đại”.
Nhưng căn nguyên của vấn đề này lại là công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới, chưa có các giải pháp đồng bộ các giải pháp khoa học, kỹ thuật nông nghiệp, vốn sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để thực hiện quy hoạch.
Theo Tổng cục Dạy nghề, lao động thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp là một trong những đối tượng ưu tiên thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. Trong 5 năm (2010-2014) đã có trên 46.000 người được hỗ trợ đào tạo nghề, chiếm 2,1% tổ số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề. |
Như vậy, “Nút thắt” ở đây được hiểu chính là nguồn việc làm để từ đó định hình và thúc đẩy công tác đào tạo nghề cho lao động. Vậy trên thực tế, việc giải quyết việc làm được thể hiện bằng cơ chế cụ thể ra sao? cơ sở, đơn vị đào tạo sẽ phải điều chỉnh ra sao để phù hợp, thưa ông?
- Để sử dụng có hiệu quả kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn, yêu cầu bắt buộc là học xong phải có việc làm, tối thiểu là 70% giai đoạn 2011-2015, 80% giai đoạn 2016-2020.
Việc làm sau đào tạo là “Chìa khóa” giám sát, kiểm soát đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Điều này tất yếu hình thành cơ chế ràng buộc là: “Chỉ tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi xác định được nơi làm việc và dự kiến được mức thu nhập sau học nghề”.
Cơ chế này đòi hỏi các đơn vị đào tạo phải có hợp đồng ký với doanh nghiệp về việc cam kết tuyển dụng số lượng lao động cụ thể hoặc hợp đồng bao tiêu sản phẩm và dự kiến mức thu nhập đối với nghề đào tạo.
Người lao động nông thôn căn cứ thông tin về nghề đào tạo, nơi làm việc và dự kiến mức thu nhập sau khi học do cơ sở đào tạo cung cấp để lựa chọn, quyết định việc ghi vào đơn đăng ký học nghề. Đối với nghề học để tự tạo việc làm, người lao động tự cam kết trong đơn đăng ký học nghề.
Cơ quan Nhà nước căn cứ vào hợp đồng cam kết tuyển dụng lao động hoặc hợp đồng bao tiêu sản phẩm và đơn đăng ký học nghề của lao động nông thôn để xem xét, quyết định giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo nghề cho cơ sở đào tạo với nghề và số lượng cụ thể, đồng thời cũng là căn cứ giám sát, kiểm tra việc thực hiện.
Thưa ông, một trong những khó khăn trong việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn là đối tượng lao động trung tuổi, đã qua giai đoạn sức khỏe sung mãn, học vấn thấp và tâm lý ngại thay đổi. Qua thực tế triển khai tại các địa phương, ông có thể rút ra điều về thực tế, giải pháp dạy nghề - tạo việc làm cho nhóm đối tượng này?
- Các nghề được dành để đào tạo cho lao động nông thôn rất đa dạng và theo yêu cầu của thực tiễn sản xuất. Thậm chí có thể chỉ đào tạo một công đoạn, một kỹ năng nghề nhất định. Bên cạnh đó, đào tạo có thể đến mô hình cấp văn bằng, chứng chỉ toàn diện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Bình quân mỗi năm có trên 9.000 người được hỗ trợ đào tạo, tăng 20,2% so với bình quân trong 3 năm đầu (2010-2012) thực hiện Quyết định 1956. TP Hà Nội, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Điện Biên, Hà Nam, Bắc Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam có số lượng lớn lao động mất đất được hỗ trợ đào tạo nghề. |
Tôi cho rằng, cơ sở đào tạo phải căn cứ vào yêu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp để đưa ra được nghề đào tạo đó cần yêu cầu gì (độ tuổi, sức khỏe, kiến thức, kỹ năng, thái độ). Đồng thời, cơ sở phải làm rõ câu hỏi: Người lao động học xong sẽ làm việc ở đâu, dự kiến mức thu nhập là bao nhiêu.
Doanh nghiệp, người sử dụng lao động cần đưa ra rõ về việc tuyển dụng lao động, về bao tiêu sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm tạo để thông tin cho người lao động nông thôn lựa chọn nghề theo học.
Với các nghề tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, điều quan trọng là sau khi học xong, người lao động phải hình thành các tổ nhóm sản xuất để kết nối với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm tiểu thủ công nghiệp do mình làm ra.
Theo sự phân cấp từ năm 2013, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của ngành LĐ-TB&XH sẽ tập trung vào các nghề phi nông nghiệp. Trong định hướng thu hẹp lĩnh vực nông nghiệp, phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ, việc đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động sẽ chú trọng vào những điểm gì, thưa ông?
- Điều mấu chốt trong đào tạo nghề phi nông nghiệp là việc kết nối với doanh nghiệp, người sử dụng lao động.
Đào tạo nghề gì, khối lượng kiến thức và yêu cầu kỹ năng gì; đối tượng tuyển sinh (độ tuổi, giới tính, sức khỏe,..); đào tạo cho bao nhiêu người, bắt đầu từ thời gian nào,…cơ sở đào tạo phải bám sát, nắm các yêu cầu từ doanh nghiệp để thực hiện đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp.
Sự kết nối phải thường xuyên và kết quả bằng các hợp đồng cảm kết tuyển lao động giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, hoặc hợp đồng bao tiêu sản phẩm làm ra của người lao động sau học nghề.
Cơ sở đào tạo có nhiều doanh nghiệp kết nối, có nhiều hợp đồng ký với doanh nghiệp sẽ là cơ sở đào tạo có nhiều cơ hội được cơ quan nhà nước giao nhiệm vụ đặt hàng đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Trong thời gian qua, gắn với việc phát triển doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, đưa doanh nghiệp về đầu tư ở khu vực nông thôn, các nghề: may công nghiệp; chế biến thủy, hải sản; chế biến nông sản; kỹ thuật xây dựng,..
Các nghề thuộc lĩnh vực dịch vụ, du lịch và sản xuất tiểu thủ công nghiệp (thêu, zen, mây tre đan, đan cói, đan lục bình, bẹ chuối, đan ghế nhựa, đính cườm,…) có số lượng lớn lao động nông thôn học và tỷ lệ có việc làm sau khi học đạt rất cao.
- Xin cảm ơn ông
Theo Tổng cục Dạy nghề, từ năm 2010-2014, gần 2,2 triệu lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, trong đó, 47,2% học nghề nông nghiệp và 57,3% học nghề phi nông nghiệp để chuyển ngghề sang công nghiệp, dịch vụ. Riêng giai đoạn năm 2013 - 2014, công tác dạy nghề luôn vượt kế hoạch trên 6% và gần bằng kết quả thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề của 3 năm đầu thực hiện Quyết định 1956. Sau khi học xong, 78,7% lao động có việc làm mới, hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn; cao hơn 3 năm đầu 3,9%. Gần 60.000 hộ nghèo có người sau học nghề đã thoát nghèo, chiếm 24,5% số người nghèo được hỗ trợ học nghề. Trên 98.000 hộ có người sau học nghề đã trở thành hộ khá. |