Đào tạo nghề theo "đặt hàng" của doanh nghiệp
Theo kết quả khảo sát về cung - cầu lao động hàng năm tại Bình Dương có khoảng 20% lao động chuyên môn kỹ thuật đã qua đào tạo, 33% lao động kỹ thuật không có bằng hoặc chứng chỉ nghề đang tham gia lao động sản xuất tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh liên kết cơ sở nghề với doanh nghiệp
Những năm qua, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm luôn được tỉnh Bình Dương đặc biệt chú trọng nhằm góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp và nâng cao mức sống của người dân.
Dạy theo đặt hàng
Nhu cầu nguồn lao động chuyên môn kỹ thuật trong các doanh nghiệp để tham gia sản xuất chiếm khá cao, dự báo được một lượng cung lao động mà các cơ sở dạy nghề trên toàn tỉnh phải đào tạo để cung cấp cho các doanh nghiệp đang đóng trên địa bàn.
Hiện nay, trong toàn tỉnh có 59 cơ sở dạy nghề gồm: 5 Trường cao đẳng nghề, 1 Trường đại học tư thục dạy trình độ cao đẳng nghề, 8 Trường trung cấp nghề, 1 Trường trung cấp chuyên nghiệp dạy trình độ trung cấp nghề, 12 Trung tâm dạy nghề và 32 cơ sở khác có tham gia hoạt động dạy nghề.
Mặc dù được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh, sự góp sức của các cấp, các ngành và toàn xã hội song công tác dạy nghề còn gặp rất nhiều khó khăn đặt biệt là công tác tuyển sinh học nghề, giới thiệu việc làm cho người học nghề sau khi tốt nghiệp ra trường.
Nhằm tạo ra nguồn lao động có chuyên môn kỹ thuật tương ứng với quy mô phát triển công nghiệp - dịch vụ của Bình Dương trong thời gian tới, ngành dạy nghề của tỉnh phải tích cực thực hiện giải pháp đào tạo nguồn lao động kỹ thuật phục vụ sản xuất công nghiệp, đặc biệt là dạy nghề theo đơn đặt hàng của DN.
Tuyển sinh và phân luồng
Để thực hiện được nhiệm vụ này, phòng Dạy nghề của sở Lao động - TBXH đã chỉ đạo các trường dạy nghề tập trung tư vấn, tuyển sinh kết hợp công tác phân luồng học sinh vào học nghề cho những nghề thuộc các nhóm nghề công nghiệp - dịch vụ. Đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước, phát triển các cơ sở dạy nghề theo quy hoạch tại Quyết định số 2145/QĐ-UBND ngày 21/7/2010 của UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt quy hoạch dạy nghề tỉnh Bình Dương giai đoạn 2009 – 2020.
Tập trung triển khai đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh Bình Dương đến năm 2020” nhằm tạo ra nguồn lao động có tay nghề phục vụ cho các doanh nghiệp tại địa phương được phê duyệt tại Quyết định 2417/QĐ-UBND ngày 21/7/2010 của UBND tỉnh Bình Dương.
Trong đó phối hợp lồng ghép chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 1392/QĐ-UBND ngày 24/5/2012 và triển khai Quyết định 2048/QĐ - UBND ngày 30/7/2012 của UBND tỉnh về việc Ban hành Đề án đảm bảo nguồn lao động có tay nghề trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2012 -2015.
Tiếp tục tăng cường năng lực đào tạo nghề cho những nghề thuộc hai nhóm nghề cơ khí và điện - điện tử nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo bên trong. Trong đó, ưu tiên bồi dưỡng kỹ năng thực hành, nghệ thuật sư phạm cho giáo viên, đây là yếu tố quyết định cho chất lượng về kiến thức và thái độ nghề nghiệp, đồng thời đặc biệt quan tâm việc đầu tư trang thiết bị dạy nghề hiện đại và tập trung. Đây là yếu tố quyết định đến kỹ năng của người học nghề.
Song song đó, lấy chất lượng của nghề trọng điểm được đầu tư để làm thương hiệu cho trường, bên cạnh đó cần thay đổi hình thức đánh giá học tập nhằm nâng cao chất lượng, tăng cường ngoại giao, ký kết cung lao động kỹ thuật cho doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra có việc làm ổn định phù hợp với nghề đã học.
Theo Báo Diễn đàn Doanh nghiệp