Vì sao trường nghề khó tuyển sinh?
Trong khi nhiều trường Đại học, Cao đẳng đang chạy đua tuyển sinh thì với các trường nghề, mùa tuyển sinh năm nào cũng đau đầu vì thiếu chỉ tiêu.
Trong khi nhiều trường Đại học, Cao đẳng đang chạy đua tuyển sinh, mở rộng cả ngành học lẫn số lượng nhưng thiếu đầu tư chất lượng, khiến đại học như đang được “phổ cập, đại chúng” thì với các trường nghề, mùa tuyển sinh năm nào cũng phải đau đầu vì thiếu chỉ tiêu, có trường, số lượng đầu vào thấp tới thê thảm với vài chục học sinh. Câu chuyện này đã tồn tại nhiều năm, đã có nhiều hội thảo, hội nghị bàn giải pháp nhưng năm nào cũng vẫn lặp lại.
Vào thời điểm này, nhiều trường nghề tại Thành phố Hồ Chí Minh như ngồi trên lửa bởi tình trạng “ế ẩm” không thu hút được thí sinh đăng ký. Dù đã quảng cáo ngay trong các kỳ tư vấn tuyển sinh, thậm chí có trường đã tranh thủ phát tờ rơi giới thiệu khi thí sinh đi thi đại học, nhưng lượng học viên chỉ đạt 10-30% so với chỉ tiêu. Nhiều trường phải mở các khóa đào tạo ngắn hạn để hoạt động cầm chừng.
Ông Nguyễn Đắc Hiển, Trưởng phòng Đào tạo, trường Trung cấp nghề Hùng Vương cho rằng: quy chế tuyển sinh Đại học năm nay của Bộ Giáo dục Đào tạo khiến cho cánh cửa vào đại học của các thí sinh được rộng mở. Điều đó cũng đồng nghĩa số lượng thí sinh đăng ký học các trường cao đẳng càng khan hiếm hơn.
Lâu nay, học nghề vẫn được xem là sự lựa chọn cuối cùng của học viên. Tâm lý sính bằng cấp của xã hội, coi trọng bằng đại học hơn là học nghề cũng là một thực tế dẫn đến công tác tuyển sinh của các trường nghề gặp khó khăn.
Ông Trần Kim Tuyền, Trưởng phòng đào tạo Cao đẳng nghề Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: "Việc tuyển sinh của các trường đại học một cách ồ ạt, có trường chỉ xét học bạ cấp 3 và có nhiều nguyện vọng nên nhiều em học sinh tốt nghiệp THPT còn có ý nghĩ phải vào đại học nên chờ đợi, khiến việc tuyển sinh của nhà trường phải kéo dài".
Một lý do nữa được cho là nguyên nhân khiến các trường nghề không thu hút được thí sinh là đến thời điểm này, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp chưa cụ thể, rõ ràng, ảnh hưởng đến việc cung cấp thông tin cho học sinh và phụ huynh học sinh.
Từ đó cản trở mong muốn tiếp cận của các thí sinh bởi thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào một số trường cao đẳng, trung cấp phải tự tìm kiếm thông tin về chỉ tiêu tuyển sinh, mã ngành, mã trường…
Ông Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Trong nền kinh tế quốc dân, nhu cầu lao động cho bậc cao đẳng, trung cấp luôn lớn hơn bậc đại học. Nhưng hiện chỉ tiêu của các trường đại học hiện nay lại chiếm hơn 50% so với lượng học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông hàng năm, từ đó gây ra sự mất cân đối trong lực lượng lao động.
"Hai giải pháp đưa ra theo tôi là Bộ GD-ĐT phải siết chặt công tác tuyển sinh, chỉ tiêu của các trường đại học theo đúng nhu cầu của xã hội. Thứ hai là chính sách của Bộ Nội vụ, xét tuyển nhân sự dựa vào bằng cấp, như vậy không khuyến khích học nghề" - ông Lý nói.
Theo các chuyên gia giáo dục, các trường nghề cần chủ động hơn trong việc giải bài toán tuyển sinh. Ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các trường cần chủ động nâng cao chất lượng đào tạo nghề, xây dựng chương trình đào tạo theo sát nhu cầu của xã hội.
Một điều quan trọng khác là tìm cách thúc đẩy sự vào cuộc thực chất của doanh nghiệp đối với công tác đào tạo nghề. Về lâu dài, các bộ ngành phải phối hợp chặt chẽ với nhau, thực hiện tốt việc dự báo thị trường, thực hiện hiệu quả công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học, đồng thời có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên, giảng viên đạt chuẩn giáo dục nghề nghiệp./.
Theo Duy Phương/VOV-TPHCM