Vì sao sếp trẻ bị “tẩy chay”?

(Dân trí) - Ngày nay, việc 8X lên làm sếp của những 6X, 7X không còn là chuyện lạ. Những vị sếp trẻ tuổi này rất có năng lực song phần đông không được các nhân viên lớn tuổi ưa vì họ cho rằng sếp không xứng “tầm” hoặc đi quá “tầm” cần thiết.

Lên sếp, vẻ ngoài cũng “sếp”!

 

G. hôm nay đi làm với một vẻ mặt rạng ngời, đầy kiêu hãnh, sơ mi, cà vạt, cặp trông to và nặng hơn mọi ngày. Đến bàn làm việc, G. rút từ trong cặp ra một chiếc LapTop IBM mới coong khiến cả phòng trầm trồ. Có lẽ đây là giây phút làm G. tự hào và mãn nguyện nhất từ ngày được lên chức trưởng phòng Marketing.

 

G. phải cắn răng vay mượn gần 1.000 USD để sở hữu chiếc IBM này, cho dù nó không cần cho công việc lắm. Chẳng là G. không muốn bị “lạc lõng” mỗi khi họp ban điều hành công ty.

 

Giống như G., kể từ ngày lên chức trưởng phòng dự án, C. “tiễn” ngay “con” wave Thái để “rước” về “quả” Force mà C. cho là rất xứng với vị thế của mình bây giờ.

 

P, - anh chàng giám đốc trẻ của một công điện tử điện lạnh - còn “chịu chơi” hơn khi thuyết phục thành công bố mẹ bán phần đất ven đô của gia đình để thêm tiền cho P mua chiếc Camry.  Theo P. phân tích thì công việc kinh doanh của cậu đang rất phát triển, cậu phải thường xuyên làm việc với các đối tác lớn trong và ngoài nước. Phương tiện đi lại là ôtô sẽ nâng vị thế của P. lên, cơ hội thành công trong các cuộc đàm phán và hợp đồng theo đó cũng cao hơn (!). 

 

Tính cách cũng thay đổi

 

C. đã thuyết phục được ban giám đốc công ty sử dụng vách ngăn để tạo ra một căn phòng riêng (dù nhỏ cũng được) dành cho trưởng phòng. C. nói ngồi làm việc cùng với mọi người trong một phòng lớn sẽ khiến C. làm việc không .hiệu quả, hơn nữa nhân viên sẽ “nhờn” sếp, nhất là khi sếp chỉ đáng tuổi em út mình.

 

C. nói cậu không bao giờ đi ăn trưa cùng nhân viên vì sợ không sang trọng. Cậu muốn ăn ở những nơi mát lạnh, tên tuổi, đắt cũng không sao, vì mình là sếp mà.

 

Từ lúc lên sếp, G. tự cho mình cái quyền nói xấu và chỉ trích người khác. Tất nhiên, dù G. có là sếp đi nữa thì cũng chẳng ai “thương” nổi. Nhân viên bắt đầu chán ghét ông sếp hách dịch và bảnh chọe.

 

G. thanh minh là anh phải chịu áp lực của ban điều hành công ty. Còn nhân viên thì phàn nàn, “cái thằng sếp trẻ” xứ suốt ngày “soi” cảm thấy khó chịu, không thoải mái.

 

Không biết những người như C. hay G. có biết rằng, các ông chủ lớn, các nhà quản lý giỏi đều được nhân viên yêu quý chính bởi sự dễ gần, thân thiện và biết lắng nghe không?

 

Hồi kết

 

Mới làm trưởng phòng có vài tháng mà G. trông già hơn, tính toán hơn. Bản tính thâm trầm đã đành, đáng buốn nhất là các cuộc tụ tập, hội hè của các nhóm đồng nghiệp trong công ty cũng ít khi G. “được mời”, có chăng chỉ là những lời mời xã giao cho phải  phép. Phòng Marketing của G. cũng không tìm thấy sự đoàn kết nội bộ, chung lưng đấu cật như ngày nào.

 

C. cũng thú nhận mình cảm thấy như bị “bỏ đói” trên một ốc đảo. May nhờ có World Cup 2006, C. bắt đầu hòa đồng hơn được với nhân viên.

 

Lời khuyên cho những sếp trẻ: thành công chỉ đến khi năng lực được đồng hành với sự cảm thông, chia sẻ, tôn trọng nhau và đặc biệt là hòa đồng, biết lắng nghe.

 

Phạm Hà