Vì sao nhiều doanh nghiệp “chiếm dụng” tiền BHXH?

Tình hình doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH ngày càng nhiều, phức tạp. Các phân tích cho thấy doanh nghiệp nợ do khó khăn thì ít mà cố tình chiếm dụng thì nhiều.

Theo BHXH TP HCM, số tiền doanh nghiệp trên địa bàn nợ BHXH đến nay ước tính khoảng 2.500 tỷ đồng, trong đó không ít doanh nghiệp có nợ kéo dài 2 – 3 năm.

Nguyên nhân do doanh nghiệp làm ăn khó khăn cũng một phần nhưng phần lớn vẫn là do chây ỳ, cố tình chiếm dụng. Ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TP HCM phân tích: Doanh nghiệp nợ BHXH có thể vì chiếm dụng BHXH có lợi hơn đi vay ngân hàng.

Bởi nợ BHXH, khi xử lý doanh nghiệp chỉ phải trả lãi theo lãi suất đầu tư của BHXH Việt Nam năm trước đó, lãi suất này hiện nay ở mức khoảng 6 - 7%/năm. Trong khi đó, doanh nghiệp đi vay vốn ngân hàng lãi suất sẽ cao hơn, chưa kể là phải có điều kiện thì ngân hàng mới cho vay!


Tập đoàn Mai Linh là một trong những doanh nghiệp đang nợ BHXH lớn

Tập đoàn Mai Linh là một trong những doanh nghiệp đang nợ BHXH lớn

Song song với vấn đề trên thì các biện pháp chế tài, hạn chế tình trạng trốn đóng, nợ BHXH hiện nay được cho là chưa hiệu quả. Chỉ có các giải pháp như kiểm tra, nhắc nhở. Sau đó, nếu doanh nghiệp không chấp hành thì chuyển qua thanh tra lao động để thanh tra, xử lý và giải pháp cuối cùng là kiện ra tòa.

Tuy nhiên, về thanh tra lao động thì đến nay vẫn có nhiều doanh nghiệp không chấp hành kết luận thanh tra, không thu được tiền. Đặc biệt các doanh nghiệp nợ BHXH phần lớn là doanh nghiệp tư nhân, nên hầu như không “ngại” kết luận thanh tra.

Còn kiện ra tòa theo đánh giá của BHXH TP HCM thì giải pháp này khá hữu hiệu nhưng rất chậm, phải sau 2 – 3 năm mới thi hành án được khoảng 80%. Nhiều trường hợp mãi không thi hành án được.

Như Tập đoàn Mai Linh, ước tính nợ BHXH đến nay khoảng 100 tỷ đồng, tòa đã xử nhưng doanh nghiệp nói là không có khả năng thi hành án. Trong khi đó xe của Mai Linh vẫn chạy đầy đường và doanh nghiệp còn mở rộng đầu tư thêm cả ngàn chiếc xe mới!

Từ ngày 1/1/2016 Luật BHXH mới có hiệu lực và theo nhiều ý kiến đánh giá, Luật mới này vẫn khó hạn chế được tình trạng trốn đóng và nợ BHXH.

Luật BHXH mới đã trao cho cơ quan BHXH chức năng thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội. Dự kiến số lượng doanh nghiệp nợ BHXH bị thanh tra, xử lý sẽ tăng lên nhưng câu hỏi đặt ra là liệu có hiệu quả hơn hay không khi trước đó thanh tra lao động cũng có chức năng thanh tra BHXH nhưng nợ vẫn khó thu, doanh nghiệp vẫn không chấp hành.

Hay Luật BHXH mới giao quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH lại cho tổ chức công đoàn và công đoàn có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp. Tuy nhiên, luật chỉ mới giao thôi chứ chưa có cơ chế thực hiện.

Ông Lê Thành Nhơn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương phân trần, tình trạng doanh nghiệp bỏ trốn, tẩu tán tài sản thì ngân sách địa phương phải gánh tiền lương cho người lao động, còn BHXH thì người lao động bị mất, chưa có quy định gì về điều này.

Như vậy, doanh nghiệp nợ BHXH mà bỏ trốn hay doanh nghiệp nợ BHXH mà cơ quan BHXH đã kiện, tòa đã xử nhưng không thi hành án được thì quyền lợi của người lao động gần như không được ai bảo vệ.

Điều đó cho thấy, các giải pháp hiện nay vẫn chưa đạt hiệu quả cao trong việc hạn chế tình trạng doanh nghiệp nợ hay trốn đóng BHXH. Các chuyên gia nhận định, cần những giải pháp mạnh hơn từ cơ quan Nhà nước như: Hình sự hóa hành vi trốn đóng BHXH hay cho phá sản doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài. Song song đó, người lao động cũng cần mạnh dạn hơn để tự bảo vệ quyền lợi của mình.

Hiện nay, mặc dù nhiều doanh nghiệp chây ỳ tiền BHXH của người lao động nhưng hầu như chính người lao động lại không quan tâm, không dám lên tiếng, không tự đứng ra bảo vệ quyền lợi của mình mà giao hết trách nhiệm cho cơ quan BHXH.

Trong khi đó, trên thực tế, nếu người lao động đứng ra kiện doanh nghiệp thì hiệu quả rất cao. Tại TP HCM những trường hợp người lao động kiện doanh nghiệp nợ BHXH ra tòa, thì hầu như đều thu được nợ vì số tiền nhỏ, nên dễ thi hành án. Tuy nhiên, số người lao động đứng ra làm việc này hầu như chỉ đếm trên đầu ngón tay!

Do đó, người lao động cần mạnh dạn, kiên quyết hơn trong bảo vệ quyền lợi của mình. Và thiết nghĩ khi người lao động trong doanh nghiệp cùng đồng lòng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình thì doanh nghiệp cũng không dám vi phạm vì sợ mất lao động, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo Năng lượng Mới