Vì sao năng suất lao động thấp?
Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, năng suất lao động (NSLĐ) thấp là do cơ cấu kinh tế chậm chuyển dịch; lao động trong nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao; máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ lạc hậu; chất lượng, cơ cấu và hiệu quả sử dụng lao động chưa đáp ứng yêu cầu…
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, Việt Nam đạt tốc độ tăng NSLĐ cao nhất trong khu vực ASEAN, nhưng vẫn còn khoảng cách rất xa so với các nước này, theo ông, vì sao?
Năm 2017, bình quân một người lao động Việt Nam làm ra 93,2 triệu đồng (tương đương 4.166 USD). Tính theo giá so sánh năm 2010, NSLĐ năm 2017 tăng 6% so với năm 2016; giai đoạn 2007 - 2016, nếu tính theo sức mua tương đương năm 2011, thì NSLĐ của Việt Nam tăng trung bình 4,2%/năm, cao hơn so với Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines.
Tuy nhiên, do NSLĐ của nước ta còn có khoảng cách rất lớn so với các nước trong khu vực, nên mặc dù tốc độ tăng NSLĐ của nước ta cao hơn, nhưng về giá trị tuyệt đối thì khoảng cách ngày càng doãng rộng.
Cụ thể, tính theo sức mua tương đương năm 2011, bình quân mỗi lao động Việt Nam năm 2016 làm ra 9.894 USD, so với con số tương ứng của Singapore là 131.300 USD, Malaysia 46.200 USD, Thái Lan 17.200 USD, Indonesia 13.500 USD, Philippines 7.600 USD...
Có nhiều nguyên nhân khiến NSLĐ của Việt Nam thấp, nhưng theo tôi, chủ yếu do cơ cấu kinh tế chậm chuyển dịch; lao động trong nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao; máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu; chất lượng, cơ cấu và hiệu quả sử dụng lao động chưa đáp ứng yêu cầu…
Tất cả các yếu tố này cộng lại khiến tăng trưởng kinh tế vẫn dựa vào chiều rộng, chủ yếu nhờ tăng vốn đầu tư và thâm dụng lao động; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) còn thấp, năm 2017 mới đạt 45,19%.
Thưa ông, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đang theo hướng khá tích cực, theo đó, tỷ trọng lao động trong nông nghiệp của Việt Nam càng ngày càng giảm mạnh?
Thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, cơ cấu kinh tế Việt Nam đang chuyển dịch theo hướng tích cực. Năm 2017, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ còn chiếm tỷ trọng 15,34% GDP, giảm so với năm 2016 (16,32%); khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,34%, tăng so với năm 2016 (32,72%); khu vực dịch vụ chiếm 41,32%, tăng so với năm 2016 (40,92%).
Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực thì đóng góp của lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vào GDP của nước ta vẫn còn rất cao. Cụ thể, ngoại trừ Singapore (hầu như không phụ thuộc vào nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản), năm 2016, lĩnh vực này của Malaysia chỉ đóng góp 9% vào GDP; của Philippines là 10%; Indonesia 14%.
Ngay như Thái Lan, quốc gia có nền nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản rất phát triển, thì năm 2016, lĩnh vực này cũng chỉ đóng góp 8%, trong khi con số này của Việt Nam là 16,32% GDP.
Đẩy mạnh cơ cấu kinh tế, cộng với tốc độ phát triển đô thị nhanh đã góp phần chuyển dịch lao động từ nông nghiệp, nông thôn sang phi nông nghiệp, đô thị trong những năm vừa qua khá nhanh.
Nếu như năm 2010, Việt Nam có 49,5% lực lượng lao động làm việc ở khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, thì đến năm 2017, tỷ trọng này chỉ còn 40,3%, song vẫn còn tới 21,6 triệu lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản - lĩnh vực có năng suất lao động thấp nhất, chỉ bằng 38% NSLĐ chung của cả nền kinh tế. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến NSLĐ của Việt Nam thấp.
Nguyên nhân nữa là phần lớn lao động di chuyển ra khỏi ngành nông nghiệp chuyển sang làm trong các ngành công nghiệp chế biến - chế tạo không đòi hỏi tay nghề, trình độ và gần như không được đào tạo, nên có năng suất thấp.
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng với tốc độ phi mã. Nhân tố này có góp phần đáng kể trong việc tăng NSLĐ không?
Khu vực doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng trong nâng cao NSLĐ của toàn nền kinh tế, nhưng phần lớn doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp dân doanh, đang sử dụng công nghệ lạc hậu 2 - 3 thế hệ so với mức trung bình của thế giới, trong đó, 76% thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ nhập từ nước ngoài thuộc thế hệ những năm 1960 - 1970; khoảng 75% số thiết bị đã hết khấu hao; 50% thiết bị là đồ tân trang. Chính vì vậy, dù số lượng doanh nghiệp hùng hậu, nhưng chưa thực sự là động lực quyết định tăng trưởng NSLĐ của nền kinh tế.
Trong mấy năm gần đây, bình quân mỗi năm có khoảng 100.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, nhưng hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (chiếm khoảng 98%) với vốn liếng trên dưới 10 tỷ đồng, cộng với việc sử dụng máy móc, dây chuyền, thiết bị, công nghệ lạc hậu, khu vực này chưa thực sự trở thành động lực thúc đẩy tăng NSLĐ chung của toàn ngành kinh tế.
Một nguyên nhân nữa khiến NSLĐ của Việt Nam thấp là do đào tạo nguồn nhân lực có vấn đề, thưa ông?
Hiện tại, cứ một người có bằng đại học thì chỉ có 0,35 người có bằng cao đẳng, 0,38 người có bằng trung cấp và 1,35 người có bằng sơ cấp, trong khi đó, trên thế giới, người ta đào tạo một người tốt nghiệp đại học, cao đẳng thì đào tạo 4 - 5 người tốt nghiệp trung cấp và 10 người tốt nghiệp sơ cấp.
Chính vì vậy, số lượng cử nhân, kỹ sư thất nghiệp hàng năm rất lớn, hiện có khoảng 215.000 người. Hàng trăm ngàn cử nhân, kỹ sư thất nghiệp vẫn bổ sung vào lực lượng lao động, trong khi họ không làm ra giá trị vật chất, nên NSLĐ chung giảm.
Hiện tại, tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm khoảng 56% lực lượng lao động, nhưng thực tế, tỷ lệ lao động qua đào tạo bài bản (đào tạo từ 3 tháng trở lên và có chứng chỉ công nhận kết quả) chỉ đạt 22%, số còn lại đào tạo theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, truyền nghề, đào tạo “dăm bữa, nửa tháng” đủ kỹ năng để người lao động đứng vào dây chuyền sản xuất giản đơn.
Chưa nói tới chất lượng đào tạo, chỉ cần nói tới gần 80% lực lượng lao động chưa được đào tạo cũng đã giải thích lý do vì sao NSLĐ của Việt Nam thuộc loại thấp nhất khu vực.
Theo Mạnh Bôn/Báo Đầu tư