Vì sao cần bổ sung quy định siết sinh viên làm tài xế xe công nghệ?

Phân tích ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, về việc xem xét nghiên cứu bổ sung quy định pháp luật để quản lý việc làm thêm của sinh viên khi tham gia làm tài xế công nghệ nói riêng và công việc khác nói chung, nhiều ý kiến cho rằng đây là việc làm cần thiết tránh ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng nguồn lực trình độ cao.

Theo đó, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình giao các bộ và địa phương xem xét nghiên cứu bổ sung quy định pháp luật để quản lý việc làm thêm của sinh viên khi tham gia làm tài xế công nghệ nói riêng và công việc khác nói chung nhằm đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao theo định hướng phát triển kinh tế tri thức.

Trước mắt, các bộ, địa phương cần khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ gọi xe công nghệ có chính sách giảm thời gian làm việc của lao động là sinh viên, rút ngắn thời gian làm thêm.

Vì sao cần bổ sung quy định siết sinh viên làm tài xế xe công nghệ? - 1

Cần bổ sung quy định sinh viên làm tài xế xe công nghệ.

Các trường đại học, cao đẳng cần nghiên cứu biện pháp quản lý, tuyên truyền vận động sinh viên làm thêm với thời lượng hợp lý để bảo đảm sức khỏe học tập và nghiên cứu.

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đưa ra giải thiết, một nghiên cứu độc lập cho thấy hiện có hơn 300.000 tài xế công nghệ làm việc trong các công ty áp dụng nền tảng kỹ thuật số được ứng dụng kết nối kinh doanh vận tải, trong đó số tài xế là sinh viên khá lớn do việc này dễ dàng.

Tuy nhiên, sinh viên làm tài xế công nghệ 10-14 tiếng mỗi ngày ảnh hưởng rất lớn đến kết quả học tập, tác động tiêu cực đến sự phát triển bản thân và chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao.

Trước ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, đại diện Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đồng tình và cho rằng, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình là kịp thời và cần thiết.

Đi làm thêm là nhu cầu chính đáng của sinh viên và đang phổ biến, nhất là ở các trường đào tạo tín chỉ, sinh viên có thể tự sắp xếp kế hoạch học tập. Thế nhưng nó cũng đem lại nhiều rủi ro về sức khỏe, học tập và rèn luyện.

Vị này cho hay, chúng ta chưa có quy định cứng về giờ làm thêm trong tuần của sinh viên như ở một số quốc gia.

Để đảm bảo nguồn nhân lực tri thức, trước hết cần bổ sung cơ sở pháp lý, có quy định cụ thể về giờ làm thêm của sinh viên, tiếp cận trên nhiều chủ thể như: Sinh viên có nhu cầu làm thêm, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển sinh viên, điều kiện an toàn lao động, cơ quan kiểm soát việc chi trả tiền lương.

Trong khi đó, sinh viên làm thêm phần lớn nhận thù lao trực tiếp bằng tiền mặt nên khó kiểm soát việc chi trả thù lao.

Qua đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn các bộ liên quan như Tài chính, Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp nghiên cứu quy định cụ thể nhằm quản lý tốt hơn hoạt động làm thêm của sinh viên cũng như việc tuyển dụng các vị trí làm thêm của doanh nghiệp.

Theo Minh Hiếu/Danviet.vn