1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Quảng Nam:

Về xóm Bàu nghe kể chuyện nghề đan rổ "phồng tay"

Hoài Sơn

(Dân trí) - Dù vất vả, thu nhập không cao, nhưng để trang trải cuộc sống, những nghệ nhân cuối cùng ở làng đan rổ xóm Bàu ở xứ Quảng vẫn bám trụ với nghề truyền thống.

Vang bóng một thời

Làng đan rổ Triều Châu (xóm Bàu, thôn Vân Quật, xã Duy Thành) cách thị trấn Nam Phước (huyện Duy Xuyên) chưa đầy 2 km. Làng nghề có từ năm nào không ai còn nhớ, cứ cha truyền con nối, từ nhỏ, lũ trẻ trong xóm đã học "bí kíp" nghề đan rổ.

Về xóm Bàu nghe kể chuyện nghề đan rổ phồng tay - 1

Hầu hết thợ thủ công ở đây là người lớn tuổi và nghề chỉ còn mang tính thời vụ.

Ông Nguyễn Xượt (68 tuổi, thâm niên hơn 50 năm làm nghề đan rổ) cho biết, nghề này đã có từ hàng trăm năm trước. Thời hưng thịnh, cả xóm có tới 90% gia đình theo nghề và sản phẩm ở đây theo chân thương lái đi khắp mọi miền của đất nước.

Về xóm Bàu nghe kể chuyện nghề đan rổ phồng tay - 2

Những người đàn ông sẽ cho ra những loại rổ to, dày bản dùng chủ yếu trong sản xuất nông nghiệp.

Nhưng nay chỉ còn vài ba hộ đan chính, còn rải rác một số hộ đan mang tính thời vụ. Hầu hết thợ thủ công ở đây là người lớn tuổi, tranh thủ vót tre, đan lát những chiếc rổ lớn nhỏ để kiếm thêm chút thu nhập cải thiện đời sống.

Về xóm Bàu nghe kể chuyện nghề đan rổ phồng tay - 3

Phụ nữ thường làm loại mủng trẹt, nhỏ dùng trang trí ở nhà hàng, khách sạn.

Không như nhiều ngành nghề khác, người lao động chỉ làm 8h/ngày, còn nghề đan phải làm cả ngày, từ sáng đến tối mịt. Chỉ cần có thời gian rảnh thì mọi người lại đan rổ, không kể sáng hay tối, có khi hơn 22h vẫn phải làm cho xong để kịp giao hàng.

Về xóm Bàu nghe kể chuyện nghề đan rổ phồng tay - 4

Để hoàn thành chiếc rổ, khâu chọn tre là quan trọng nhất, loại tre được lựa chọn là tre già, chắc.

"Những làng cá như Duy Hải, Duy Nghĩa… rất chuộng loại rổ ở nơi đây. Các nhà hàng, khách sạn Hội An cũng thường mua rổ xóm Bàu về trang trí nội thất", ông Xượt nói.

Theo ông Xượt, muốn có được loại rổ bền, đẹp thì khâu chọn tre rất quan trọng, loại tre được lựa chọn là tre già, chắc, loại này dai nên khi uốn cong sẽ dễ dàng hơn. Sau khi mua tre về, người ta thường ngâm dưới bàu nước để dùng dần.

Về xóm Bàu nghe kể chuyện nghề đan "cái rổ, chiếc thúng"

Những người đàn ông khỏe mạnh sẽ cho ra những loại rổ to, dày bản dùng chủ yếu trong sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp… Phụ nữ chân yếu tay mềm thường làm loại mủng trẹt, loại mềm, nhỏ dùng trang trí ở nhà hàng, khách sạn hay những dịp hội trại.

Làm bật máu riết thành quen

Hiện ở làng gần như chỉ còn mỗi gia đình bà Nguyễn Thị Nhược (66 tuổi) giữ nghề đan rổ. Bà phải xoay xở kiếm đồng ra đồng vào bằng nghề truyền thống.

Trước đây, đàn ông chủ yếu nhận nhiệm vụ đi mua tre, cưa tre thành từng đoạn, vót vành, lận rổ. Phụ nữ thường thì chẻ nan, vót rồi đan thành những mành rổ. Còn hiện nay ai cũng có thể làm thành thạo tất cả các công đoạn ấy.

Về xóm Bàu nghe kể chuyện nghề đan rổ phồng tay - 5

Nghề này đòi hỏi phải có bàn tay khéo léo để khi chẻ tre tránh tay bị đứt, chảy máu.

Ngoài ra, nghề này đòi hỏi phải có bàn tay khéo léo để chẻ tre làm sao cho đều. Công đoạn này thường khiến tay bị đứt, chảy cả máu và đau nhức.

"Thanh tre rất sắc, dù cẩn thận tới đâu cũng dễ bị đứt tay, bởi thế mà bàn tay người thợ thường chằng chịt sẹo. Giờ thì làm riết nên quen, không làm thì thấy buồn. Nếu có đơn hàng một ngày tôi có thể đan được 10 cái rổ, kiếm được hơn 100.000 đồng", bà Nhược bộc bạch.

Về xóm Bàu nghe kể chuyện nghề đan rổ phồng tay - 6

Sau khi tre được chẻ thành sợi sẽ được đan thành những mành rổ nhỏ.

Bà Lê Thị Tiến (60 tuổi) cho biết, mặc dù đơn hàng ít, nhưng buồn tay buồn chân lại trở dậy làm. "Cái nghề này vất vả, ngồi từ sáng đến tối, mỏi lưng, mỏi tay, hoa mắt cũng chỉ kiếm được vài chục nghìn đồng. Nên giờ tôi cũng chẳng mong con cái mình sau này làm công việc này. Cực lắm!", bà Tiến chia sẻ.

Về xóm Bàu nghe kể chuyện nghề đan rổ phồng tay - 7

Tiếp đó, rổ hay sàng sẽ được lận 2 lớp vành để thành hình và tăng độ chắc chắn.

Theo bà Tiến, thời giá hiện nay, rổ bộng là 140.000 đồng/chục, rổ ki 70.000 đồng/chục, mủng giê 110.000 đồng/chục... So với cách đây nhiều năm, giá rổ hiện nay cao hơn song vẫn chưa thấm tháp gì với công sức bỏ ra.

Về xóm Bàu nghe kể chuyện nghề đan rổ phồng tay - 8

Người thợ đan rổ ở đây cho biết, thu nhập không cao nhưng sản phẩm làm ra đòi hỏi khá cầu kỳ.

"Giá rổ tăng theo thời giá, tuy thời gian bỏ ra nhiều nhưng lợi nhuận lại không cao nên rất khó để người ta tồn tại lâu dài cùng nghề. Lao động cũng chỉ người già, trẻ nhỏ, họ quan niệm chỉ làm những lúc nông nhàn, phụ thêm thu nhập cho con cái", bà Tiến chia sẻ.

Bà Tiến chia sẻ thêm, thu nhập không đáng bao nhiêu nên những năm gần đây, lao động trẻ đi làm công nhân tại các công ty, nhà máy có mức lương ổn định hơn. Vì thế làng đan rổ Triều Châu đã dần bị lãng quên.