Về quê tránh dịch: Khi hàng chục người phải ở rừng, thiếu thốn đủ thứ
(Dân trí) - Mất việc do ảnh hưởng Covid-19, hàng nghìn lao động Quảng Ngãi từ khắp nơi đổ về quê tránh dịch. Nhiều người trong số đó đang gặp khó khăn do mất việc làm kéo dài...
"Bữa đói, bữa no" cầm cự tại quê
Khoảng giữa năm 2021, vợ chồng chị Phạm Thị Niêu (39 tuổi, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) được thuê vào tỉnh Khánh Hòa bóc bỏ keo. Ở nhà không có việc làm, ruộng nương lại ít nên vợ chồng chị Niêu cùng nhiều người khác quyết định rời quê.
Chỉ ít lâu sau đó, dịch Covid-19 bùng phát mạnh, công việc của vợ chồng chị Niêu bị ảnh hưởng. Hàng chục người phải sống giữa rừng, không có việc làm, thiếu thốn đủ thứ.
Sau khoảng một tháng gắng gượng, vợ chồng chị Niêu cùng 45 người khác quyết định về quê.
Thời điểm đó, phương tiện vận tải tạm dừng hoạt động nên đoàn người phải đi bộ. Sau khi đi được khoảng 50 km, họ đã được chính quyền địa phương phát hiện, hỗ trợ phương tiện về Quảng Ngãi.
Về nhà trong tình cảnh mất việc, vợ chồng chị Niêu gặp rất nhiều khó khăn. Nhờ hỗ trợ của chính quyền, sự đùm bọc của xóm làng nên vợ chồng chị cũng vượt qua khó khăn bước đầu.
Hết thời gian cách ly tại nhà, vợ chồng chị Niêu liền đi tìm việc. Tuy nhiên, cả 2 chỉ làm được công việc chân tay, dịch Covid-19 lại kéo dài nên kiếm việc làm không dễ. Về nhà đã hơn 2 tháng nhưng chỉ có chồng chị Niêu được nhận làm phụ hồ.
"Công việc này bữa có, bữa không, thu nhập cũng không nhiều nên 4 người trong gia đình còn nhiều khó khăn. Mong sao hết dịch để chị cũng kiếm được việc làm", chị Niêu chia sẻ.
Khi được gợi ý về công việc có mức lương khoảng 5 triệu đồng mỗi tháng tại các khu công nghiệp, chị Niêu bày tỏ vui mừng. Nhưng rồi chị chợt nhớ ra, cả 2 vợ chồng đều đã lớn tuổi, chưa qua bất kỳ khóa đào tạo nào. Vì vậy, cơ hội nghề nghiệp tại các khu công nghiệp của tỉnh dành cho 2 người không nhiều.
Khác với vợ chồng chị Niêu, anh Nguyễn Thanh Tuấn (27 tuổi, huyện Mộ Đức) còn khá trẻ. Trước đợt dịch thứ 4, Tuấn là nhân viên một nhà hàng tại TPHCM với thu nhập khá. Dịch bùng phát, Tuấn mất việc, cậu buộc phải theo đoàn người chạy xe máy về quê tránh dịch.
Kết thúc cách ly được một thời gian, Tuấn bắt đầu đi tìm việc. Cậu dự định sẽ ở quê làm việc, không quay lại TPHCM. Nhờ bạn bè hướng dẫn, Tuấn tìm được việc làm tại Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi với mức lương trên 5 triệu đồng mỗi tháng.
"Nhà em xa nơi làm nên với mức lương này phải thật tiết kiệm mới có dư. Hiện giờ các vị trí tuyển dụng không nhiều nhưng hết dịch sẽ có rất nhiều cơ hội việc làm với mức lương cao hơn nhiều. Em tính sẽ tham gia khóa đào tạo ngắn hạn để đủ điều kiện ứng tuyển vào những vị trí việc làm có mức lương cao hơn", Tuấn cho biết.
Giải pháp nào để lao động thôi ly hương?
Tỉnh Quảng Ngãi chưa có thống kê chính xác số lao động mất việc về quê tránh dịch, nhưng chắc chắn con số này rất lớn. Rất nhiều lao động mong muốn tìm được việc làm để không phải ly hương, đặc biệt là lao động vùng cao.
Theo ông Phạm Xuân Vinh - Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, toàn huyện có trên 1.000 lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19 phải về quê. Đây là những lao động có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiếu đất sản xuất nên phải ly hương mưu sinh.
"Mất việc, dịch Covid-19 lại kéo dài nên cuộc sống của bà con hết sức khó khăn. Phần lớn họ chỉ làm được những việc chân tay nên công việc cũng không ổn định", ông Vinh cho biết.
Theo ông Vinh, huyện đang tiến hành thống kê chính xác số lượng lao động về quê tránh dịch, cũng như khảo sát nhu cầu của từng người. Huyện sẽ có báo cáo đề xuất với Sở LĐ-TB&XH tham mưu UBND tỉnh có những chính sách hỗ trợ cho người lao động mất việc do Covid-19.
"Cái khó nhất là nhiều lao động lớn tuổi, chỉ quen làm những công việc trên rừng nên họ không muốn đào tạo nghề, xin việc ở các khu công nghiệp", ông Vinh nói thêm.
Trao đổi với PV Dân trí, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Ngãi Nguyễn Thị Ánh Lan cho biết, Sở đã có văn bản gửi các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh rà soát, thống kê số lao động mất việc phải về quê tránh dịch. Trên cơ sở đó, tìm hiểu nguyện vọng của người lao động để có hướng hỗ trợ những người có nguyện vọng được đào tạo nghề, hoặc tìm việc làm.
"Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động về quê tránh dịch có nhu cầu", bà Lan nói và cho biết, việc này sẽ được triển khai ngay sau khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát.
Theo bà Lan, hiện nay dịch bệnh khá phức tạp nên nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp không nhiều. Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh đã chủ động liên hệ, thống kê nhu cầu tuyển dụng dự kiến của doanh nghiệp khi dịch bệnh được kiểm soát.
Từ đó, có sự chuẩn bị tốt cho việc kết nối người lao động với doanh nghiệp thông qua các phiên giao dịch việc làm. Đây là một trong những giải pháp hữu hiệu để giải quyết việc làm cho số lao động mất việc, phải về quê tránh dịch Covid-19.