Về Bắc Ninh xem thợ nghề "thổi hồn" vào những chú trâu đất sét
(Dân trí) - "Trâu đứng nghênh mặt thì ngơ ngáo, trâu đang gặm cỏ thì chăm chú, trâu nằm đầm nước thì đôi mắt lim dim vẻ thỏa mãn…", ông Phùng Đình Giáp, người thợ nặn trâu bằng đất sét ở Bắc Ninh chia sẻ.
"Hóa" đất sét thành trâu
Những ngày đầu tháng Chạp năm Canh Tý, ông Phùng Đình Giáp (thôn Đông Khê, xã Song Khê, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) đang say sưa hoàn thiện nốt công đoạn cuối cùng để tạo ra những chú con trâu bằng đất sét.
Ông Giáp đã chuẩn bị cả tháng nay để làm ra hàng chục sản phẩm này đem ra bày bán ở các khu chợ Tết. Người đàn ông 69 tuổi cho hay, để làm ra được một sản phẩm trâu đất là cả một quá trình tỉ mỉ, dày công của những người trong nghề.
Để có được những chú trâu đất sét đầy sống động, từ vài tháng trước, ông Giáp phải tranh thủ đào loại đất sét nằm sâu 2-3m dưới ao đầm mùa cạn nước. Sau đó, ông đem phơi khô và cho vào cối giã thành bột mịn cho đến khi đất có màu xám nhạt.
Giấy bản được ngâm 1 tuần rồi trộn cùng đất. Ông giã đều 2 thứ sao cho độ nhuyễn đến khi cầm miếng đất trên tay mà không dính thì mới đảm bảo chất lượng. Làm xong đất rồi, ông Giáp sẽ nặn hình những con trâu, rồi đem ra phơi nắng.
"Khác với 5 mẫu phỗng đất truyền thống, trâu không cần phải vẽ màu. Tuy nhiên, khó nhất đối với tôi là đoạn làm đầu và mặt trâu làm sao để giống như ngoài đời", ông chia sẻ.
Gắn bó với ruộng đồng từ thuở nhỏ, ông Giáp không khó để hình dung ra dáng vẻ của con vật quá đỗi thân thuộc với nhà nông này. Nhưng để tạo ra nhiều hình dạng khác nhau, người nặn cần có thêm bộ óc sáng tạo.
Bật mí về bí quyết tạo dáng cho trâu đất, ông Giáp kể: "Trâu đứng nghênh mặt thì ngơ ngáo, trâu đang gặm cỏ thì chăm chú, trâu nằm đầm nước thì đôi mắt lim dim vẻ thỏa mãn. Tôi phải bỏ ra công sức nhiều giờ liền để làm sao mỗi dáng vẻ toát ra 1 thần thái khác nhau".
Hằng năm, cứ khoảng từ ngày 17-28 Tết, ông thường đem các sản phẩm ra khu phố cổ ở Hàng Mã (Hà Nội) bày bán. Ngoài ra, ông còn nhận giao qua đường bưu điện cho những khách đặt hàng từ xa.
Theo ông Giáp, giá mỗi con vật dao động từ 200.000 đồng tới 1 triệu đồng/sản phẩm tùy theo hình thức mẫu mã, kích thước to hay nhỏ. Mỗi dịp như thế, ông lại thu về khoản thu nhập kha khá để dùng vào việc sắm Tết cho gia đình.
Tiếc nuối
Làm nghề đã hơn 60 năm nay, ông Phùng Đình Giáp không nhớ nổi đã "thổi hồn" vào đất đến bao nhiêu con vật. Ông coi thứ nghề dân gian này không chỉ là 1 nghề buôn bán thông thường mà là đam mê, một phần máu thịt.
"Tôi được ông nội và bố dạy nặn con phỗng từ lúc lên 8 - 9 tuổi. Hiện tại, tôi đã truyền lại cho một người con trai tiếp tục theo đuổi nghề này", ông tâm sự.
Hồi tưởng lại quá khứ, ông Giáp cho biết những Tết Trung thu, nhà nhà trong làng lại rộn ràng làm phỗng đất với 5 mẫu con vật truyền thống là: Chim, rùa, người già, em bé và hình ông Phật. Sau khi làm xong, các gia đình quẩy gánh ra khắp các chợ trong tỉnh bán các hình ông phỗng sặc sỡ trên những chiếc mẹt tre.
Theo ông Giáp, cả làng Đông Khê chỉ còn duy nhất gia đình ông còn gìn giữ được nghề làm đồ chơi dân gian này. Vì nhu cầu sinh kế, các hộ dân nơi đây đã dần dần bỏ nghề, chuyển sang kinh doanh vàng mã.
"Dù mang lại hiệu quả kinh tế không cao, nhưng nghề làm phỗng đất đã là một phần cuộc sống của tôi. Một khi trời vẫn cho sức khỏe, tôi vẫn tiếp tục gắn bó với nghề do ông cha để lại", ông bộc bạch.