Làng nghề bánh nhãn Hồi Xuân vào vụ Tết

Không phải là "cao lương mĩ vị", thế nhưng bánh nhãn Hồi Xuân (Thanh Hóa) - món quà quê dân dã làm từ bột nếp, trứng gà - luôn được nhiều người dân quê ưa chuộng mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Không nức tiếng như làng nghề bánh nhãn có thâm niên hàng trăm năm ở Hải Hậu (Nam Định), làng nghề bánh nhãn Hồi Xuân (huyện miền núi Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa) tuy mới hình thành, nhưng cũng đang dần khẳng định mình, trở thành làng nghề làm ăn ổn định, mang lại thu nhập khá cho người dân mỗi dịp lễ, Tết.

Làng nghề bánh nhãn Hồi Xuân vào vụ Tết - 1

Làng nghề bánh nhãn Hồi Xuân tất bật vào vụ Tết

 

Cũng như mọi năm, cứ tới dịp Tết cổ truyền, hàng chục hộ dân ở làng nghề bánh nhãn Hồi Xuân lại tất bật gia tăng sản xuất. Ngày trước, bánh nhãn thường được sản xuất rất ít, thường để cúng tổ tiên và làm quà biếu tặng cho những người đi xa, nhưng ngày nay loại bánh mang đậm hồn quê này lại rất được ưa chuộng.

Theo người dân, làng nghề bánh nhãn ở Hồi Xuân hình thành khoảng 50 năm trở lại đây, họ cũng không biết ai là người đầu tiên làm loại bánh này, chỉ biết lúc đầu có một số người làm bánh buôn bán được, dần dần nhiều người cũng làm và tử đó hình thành nên làng nghề bánh nhãn.

Để làm ra những chiếc bánh đậm hương vị quê này, những người thợ làm bánh ở Hồi Xuân phải thực hiện rất nhiều công đoạn công phu, mất thời gian. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương (hợp tác xã sản xuất bánh nhãn Hồi Xuân), nguyên liệu chính làm bánh chủ yếu là gạo nếp hương hay nếp cái hoa vàng. Gạo được chọn lựa cẩn thận, đều hạt, ngâm qua đêm rồi mới mang xay. Bột gạo nếp được nhào với trứng gà đánh nhuyễn. Theo những người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, nguyên liệu quan trọng nhất của bánh nhãn là trứng, trứng tốt thì bánh mới thơm ngon.

Làng nghề bánh nhãn Hồi Xuân vào vụ Tết - 2

Bánh nhãn là món quà quê dân dã nhưng rất được ưa chuộng

 

Sau các công đoạn làm nguyên liệu, bánh sẽ được tạo thành hình tròn, to bằng hạt nhãn rồi đem rán, quá trình rán phải đảo đều tay cho bánh nở đều, xốp giòn mới vớt ra để ráo mỡ, sau đó mới trộn với đường. Đường làm bánh phải là loại đường kính trắng, hòa tan với nước, bắc lên bếp đun đến lúc nào nước đường sánh lại thì cho bánh vào đảo đều, khi bánh đã vào đường đều sẽ vớt ra để nguội rồi mới đóng gói, bán ra thị trường.

Nhờ làm bánh nhãn, gia đình bà Hương đã có nguồn thu nhập ổn định 70-100 triệu đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 7 công nhân có mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.

"Hiện trên địa bàn cũng có nhiều hộ gia đình ổn định kinh tế nhờ làm bánh nhãn Hồi Xuân. Gia đình tôi sản xuất và buôn bán bánh nhãn quanh năm. Tuy nhiên, trong các dịp Tết, gia đình thường sản xuất nhiều hơn ngày thường do nhu cầu tăng cao"- bà Hương chia sẻ.

Theo ông Đỗ Phi Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quan Hóa, trên địa bàn hiện có gần 100 hộ dân làm bánh nhãn Hồi Xuân, ngoài mang lại nguồn thu cho gia đình, những hộ làm bánh nhãn này còn tạo việc làm cho khoảng 100 lao động với mức thu nhập trên 5-6 triệu đồng/tháng.

Làng nghề bánh nhãn Hồi Xuân vào vụ Tết - 3

Bánh nhãn Hồi Xuân là thương hiệu đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao của tỉnh Thanh Hóa

 

Đáng chú ý, sản phẩm bánh nhãn đã được cung ứng ra thị trường trong tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh khác như Hà Nội, TP HCM, Nghệ An… "Sản phẩm bánh nhãn thị trấn Hồi Xuân đã được gửi đi tỉnh tham gia chấm 2 vòng, kết quả đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao của tỉnh Thanh Hóa"- ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, nhằm tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động (đặc biệt là người dân tộc thiểu số), UBND huyện Quan Hóa sẽ thực hiện chủ trương phát triển lớn mạnh hơn các tổ hợp tác sản xuất bánh nhãn.