Vào rừng hái lá bàng làm nón, không che nắng nhưng vạn người mê

Hoài Sơn

(Dân trí) - Từ những chiếc lá bàng rừng tưởng như bỏ đi, đôi bàn tay của ông Võ Ngọc Hùng ở Huế đã làm thành những chiếc nón trong suốt, độc đáo.

Bán xe đạp lấy tiền vượt núi tìm lá bàng rừng

Nhiều năm qua, hình ảnh chiếc nón lá bàng rừng trong suốt, e ấp bên cô thiếu nữ dịu dàng trong tà áo dài thu hút nhiều du khách tìm mua làm quà kỷ niệm khi đến Huế.

Những chiếc nón được làm ra từ đôi bàn tay tài hoa của ông Võ Ngọc Hùng (67 tuổi, phường Kim Long, TP Huế). 

Vào rừng hái lá bàng làm nón, không che nắng nhưng vạn người mê - 1

Ông Võ Ngọc Hùng - chủ nhân của sản phẩm nón lá bàng trong suốt ở Huế (Ảnh: Hoài Sơn).

Ông Hùng tâm sự, thời tuổi trẻ, ông vật lộn với đủ thứ nghề để mưu sinh. "Tính ra tôi đã làm qua 28 nghề khác nhau rồi mới đến với nghề nón như bây giờ", ông Hùng nhẩm tính.

Là người yêu thích nghệ thuật và cái đẹp, trước đây, ông từng thành công với việc in tranh lên xương lá bồ đề, nhưng sản phẩm lại không được ưa chuộng. Không nản, ông lại tìm tòi, sáng tạo ra những điều mới mẻ hơn dựa trên kỹ thuật ngâm xương lá từ trước.

Vào rừng hái lá bàng làm nón, không che nắng nhưng vạn người mê - 2

Lá bàng rừng được ông chọn lựa kỹ càng và làm sạch trước khi sử dụng làm nón (Ảnh: Hoài Sơn).

Năm 2018, trong một lần đi chơi suối với nhóm bạn, ông phát hiện những chiếc lá bàng rừng có kích thước lớn và dày dặn. Nhặt thử đem về nhà, ông bắt đầu thử nghiệm làm nón bằng nguyên liệu này.

Bước đầu phát triển ý tưởng, ông gặp nhiều thất bại vì những chiếc lá bị hư hỏng do không đủ độ dày, rách, sâu hoặc lá còn non, lại phải một mình bền bỉ "săn" nguyên liệu, tiếp tục thử nghiệm.

Để làm ra được những chiếc nón hoàn chỉnh, ông phải mất rất nhiều thời gian lựa chọn nguyên liệu ưng ý. Sau đó, ông dành cả nửa năm nghiên cứu để cho ra xương lá bàng có thể dùng làm nón.

Vào rừng hái lá bàng làm nón, không che nắng nhưng vạn người mê - 3

Chiếc nón lá bàng rừng trong suốt nhưng ông Hùng cam kết chất liệu đã được lựa chọn, xử lý kỹ thuật rất chắc chắn (Ảnh: Hoài Sơn).

"12 người gia công mà chỉ làm ra được 1 chiếc nón, lại còn rất xấu", ông Hùng kể, phải vứt bỏ rất nhiều chiếc nón hỏng, chưa ưng ý mới ra được chiếc nón thành công đầu tiên. Ông phải bán cả xe đạp để có tiền... làm thí nghiệm.

Ngày chiếc nón đầu tiên hoàn tất, nhiều người trong xóm nhỏ bất ngờ. Ai cũng tỏ ra thích thú xin dùng thử và chụp ảnh. Chính những bức ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội sau đó khiến nhiều người tìm ông đặt hàng.

Nón chỉ che mưa và chứa tình yêu Huế

Cầm trên tay chiếc nón lá rừng mỏng manh, trong suốt, nhiều khách không hoang mang về độ chắc chắn. Ông Hùng trấn an: "Không rách được đâu. Đi mưa thoải mái, không lo ướt".

"Nón này chỉ không dùng che nắng", ông Hùng cười xòa và cho hay đó là món hàng "điên khùng", khác biệt của ông so với những sản phẩm nón truyền thống.

Vào rừng hái lá bàng làm nón, không che nắng nhưng vạn người mê - 4

Mỗi chiếc nón được ông bán với giá 450.000 đồng/nón trơn, 600.000 đồng/nón vẽ họa tiết (Ảnh: Hoài Sơn).

"Nón không che nắng, nhưng vì sao họ vẫn mê? Vì khi đội vào nó sẽ xuyên sáng, nhìn rõ nét đẹp gương mặt của người phụ nữ hơn. Đó là tâm huyết mà tôi đã nghiên cứu suốt nhiều năm", ông Hùng giải thích.

Nón lá bàng của ông được đón nhận rất nhiệt tình, nhất là du khách ở Hà Nội và TPHCM, ngay cả những du khách nước ngoài cũng thường xuyên ghé đến để mua nón làm quà kỷ niệm.

Để có được những chiếc nón độc đáo, ông Hùng phải bỏ ra rất nhiều công sức, với nhiều công đoạn làm nón.

Vào rừng hái lá bàng làm nón, không che nắng nhưng vạn người mê - 5

Ông Hùng rất yêu quê hương và có tình cảm đặc biệt với những chiếc nón lá Huế (Ảnh: Hoài Sơn).

Giai đoạn tìm và lựa chọn lá bàng khoảng 1,5 tháng. Lá bàng đạt chuẩn được nấu và ngâm, chuốt bỏ phần mục lấy xương lá. Công đoạn này cần sự tỉ mỉ và kiên trì vì đều làm hoàn toàn thủ công, nếu không cẩn thận sẽ rách ngay.

Khi đã có những chiếc xương lá hoàn hảo mới đắp lên khung nón, sau đó xử lý chống ẩm, chống thấm để tránh mốc và giữ nguyên vẻ đẹp tinh khôi của chiếc nón lá.

Mỗi chiếc nón được ông bán với giá 450.000 đồng/nón trơn, 600.000 đồng/nón đã vẽ. Nhưng với ông, việc bán nón không để làm giàu, mà để truyền tải văn hóa đến những người xung quanh.

"Tôi rất yêu Huế, vì vậy trên những chiếc nón luôn có hình ảnh quê hương và khi nón đến tay khách sẽ góp phần quảng bá hình ảnh Huế đến bạn bè quốc tế", ông Hùng bày tỏ.