Vào nghề khi còn là sinh viên
(Dân trí) - Vất vả và áp lực cao, nhưng công việc làm thêm ở Đài truyền hình VN giúp Mạc Hoá học được nhiều kinh nghiệm nghề. Mạc Hóa kể: “Ngoài việc có nhu nhập, thời gian làm giúp tôi hiểu hơn sự khác nhau giữa kiến thức thực tế và lý thuyết trên ghế nhà trường”.
Câu chuyện chọn việc làm thêm của sinh viên Mạc Hóa chỉ là minh họa cho xu hướng nhiều sinh viên chủ động làm thêm các công việc liên quan tới lĩnh vực đang học tại trường ĐH để chuẩn bị kinh nghiệm sau này.
Ngay từ khi là sinh viên năm thứ nhất, Mạc Hoá (Khoa Phát Thanh - Truyền Hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã mạnh dạn thi tuyển làm cộng tác viên cho kênh VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam.
Tới nay đã được 2 năm, Mạc Hoá kể lại: “Công việc ở Đài TH cần tôi phải làm việc như một phóng viên, biên tập viên thực sự. Trong khi đó, tôi chưa trải qua bất cứ khoá đào tạo nào, kinh nghiệm chụp ảnh và quay phim chỉ giúp được phần nào”.
Chấp nhận cuộc sống sinh viên không thảnh thơi như nhiều bạn khác, có những ngày Hoá phải làm việc cả đêm ở Đài TH rồi sáng lại vội vàng đến trường học.
Bù lại Hoá học được nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp. Với Hoá: “1 tuần đi học nghề thực tế khác hẳn 4 năm ở trường học lý thuyết”.
Tuy mới chỉ là sinh viên năm 2, nhưng Nguyễn Thị Minh Phượng (Chuyên ngành tiếng Nhật, ĐH Ngoại Ngữ, thuộc ĐH QG Hà Nội) đã bắt đầu nhận đứng lớp ở Trung tâm dạy ngoại ngữ Nam Triều (ngõ 100, đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội).
Phượng tâm sự: “Chữ Nhật vốn là chữ tượng hình. Nhiều học sinh rất khó để tiếp thu và ghi nhớ. Để giúp mọi người dễ nhớ hơn, tôi lồng ghép kiến thức về nước Nhật thông qua các hình vẽ, âm nhạc hoặc kể chuyện”.
Minh Phượng (ngoài cùng, bên phải) cùng các học viên tiếng Nhật tại Cty Bips Systems VN
Công việc dạy học vừa giúp Phượng có thể luyện tập tiếng thường xuyên và có thêm thu nhập 2 triệu đồng/tháng.
Không chỉ là giáo viên dạy tiếng Nhật, hiện nay Phượng còn làm phiên dịch viên và phụ trách dạy tiếng Nhật cho các kĩ sư tại công ty Bips Systems VN (535 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội).
Đối với những sinh viên chuyên ngành ngoại ngữ như Phượng, khi có vốn ngoại ngữ trong tay, chuyện tìm được việc làm thêm cũng không phải là điều khó.
Tuy nhiên, để bổ trợ cho chuyên môn học, Phượng thường chú trọng chọn những công việc liên quan tới chuyên ngành như: Trợ giảng, hướng dẫn viên, làm phụ đề phim tiếng việt, dịch thuật...
Trong tương lai, Phượng cũng có ý định chuyển sang làm hướng dẫn viên du lịch để có được lựa chọn phong phú hơn cho công việc sau này.
Còn với những bạn trẻ theo học ngành tài chính, tự kinh doanh cũng là xu hướng được nhiều bạn trẻ lựa chọn để tự lập.
Bạn Khúc Thanh Nga (Khoa QTDN, ĐH Thương Mại) nhờ việc tích lũy kinh nghiệm bán hàng sau hơn 2 năm đã trở thành cô chủ của 2 shop hàng quần áo Việt Nam xuất khẩu.
Năm 2013, Nga cùng với người bạn của mình khai trương cửa hàng Chee shop. Hiện với 2 cơ sở ở 1.000 đường Láng và 233 Bạch Mai (Hà Nội). Cô chủ nhỏ này thu về cho mình khoản thu nhập khoảng 50 triệu đồng/tháng.
Nga chia sẻ: “Để có được nguồn hàng chất lượng, tôi đã phải đi tham khảo mẫu mã các shop và thu hẹp đối tượng là dân công sở và số ít sinh viên. Khó khăn nhất là việc tuyển chọn nhân viên. Có khi phải mất hàng tháng để tìm được người ưng ý”.
Sau khi tốt nghiệp, Nga dự định tiếp tục mở rộng công việc kinh doanh.
Với Mạc Hoá, Minh Phượng và Thanh Nga, đây chỉ là bước đầu trong định hướng công việc sau này. Dù nhiều thử thách, rủi ro nhưng việc chủ động tìm kiếm công việc đúng chuyên ngành là sự đầu tư thông minh và hiệu quả cho tương lai.
Mai Anh