“Vận động viên phải có bảo hiểm y tế, như đi xe máy phải có mũ bảo hiểm”

(Dân trí) - “Tai nạn trong luyện tập, thi đấu của vận động viên thực chất là tai nạn nghề nghiệp. Vận động viên tham gia BHYT được thanh toán đối với tai nạn lao động, nghề nghiệp theo Luật BHYT. Quy định pháp lý và đầy tính nhân văn là vậy, nhưng việc thực hiện còn một câu hỏi lớn”.

Chỉ cần sơ sẩy 1 chút, tính mạng và sức khỏe VĐv sẽ bi ảnh hưởng.
Chỉ cần sơ sẩy 1 chút, tính mạng và sức khỏe VĐv sẽ bi ảnh hưởng.

Sau loạt bài trên Dân trí phản ánh thực trạng rất nhiều vận động viên, thậm chí cả những nhà vô địch của thể thao nước nhà, không hề có BHYT, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Lương Sơn - Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) để làm rõ hơn các vấn đề liên quan.

Chính sách bao quát tới từng sự cố nghề nghiệp

Thưa ông, với tư cách là đơn vị đầu mối thực hiện chính sách BHYT trong toàn quốc, ông có thể cho biết chế độ BHYT dành cho vận động viên thể thao hiện nay ra sao?

Tại Điều 2, Quyết định 32/2006/QĐ-TTg ngày 6/06/2011 Về “Một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao được tập trung tập huấn và thi đấu quy định các chế độ BHXH, BHYT, chế độ trợ cấp đối với các huấn luyện viên, vận động viên trong đội tuyển, đội tuyển trẻ quốc gia, đội tuyển, đội tuyển trẻ của ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được hưởng trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu” được quy định như sau:

Vận động viên hưởng lương từ ngân sách nhà nước và vận động viên không hưởng lương từ ngân sách nhà nước nhưng đang làm việc ở các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, thì trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu sẽ đơn vị quản lý đảm bảo các chế độ BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật.

Nếu vận động viên bị tai nạn hoặc chết trong khi tập luyện, thi đấu thì được đơn vị quản lý vận động viên bồi thường một lần theo quy định tại Nghị định số 110/2002/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27/12/2002 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/CP ngày 20/01/1995 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về an toàn lao động, vệ sinh lao động (hiện nay là Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015).

Đây là quy định chung và áp dụng cho các vận động viên, không phân biệt là môn thể thao nào.


Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT - Bảo hiểm xã hội VN). (Ảnh: H.M)

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT - Bảo hiểm xã hội VN). (Ảnh: H.M)

Với trường hợp vận động viên không hưởng lương từ ngân sách nhà nước và không làm việc ở nhóm cơ quan bắt buộc phải đóng BHXH bắt buộc, vậy khi xảy ra sự cố thì hưởng chế độ BHYT ra sao, thưa ông?

Theo quy định của pháp luật về BHXH và BHYT, đối tượng vận động viên nêu trên trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu gặp phải tình huống nghỉ tập luyện, nghỉ thi đấu do ốm đau, bị tai nạn hoặc chết, thì được giải quyết trợ cấp và bồi thường như sau:

Nếu bị ốm đau được chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh và được hưởng trợ cấp bằng 75% mức tiền công hiện hưởng trong những ngày nghỉ ốm đau (hoặc thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình).

Nếu bị tai nạn trong khi tập luyện, thi đấu thì được chi trả toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định thương tật, tiền trợ cấp bằng 100% mức tiền công trong thời gian điều trị.

Sau khi điều trị thương tật ổn định, vận động viên sẽ nhận được chế độ gì, thưa ông?

Nếu vận động viên sau khi thương tật ổn định và được giám định khả năng lao động, nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên, sẽ được hưởng một trong 4 chế độ sau:

Trợ cấp một lần bằng mức quy định hiện hành của pháp luật về BHXH đối với số lượng tham gia BHXH bắt buộc;

Tiền bồi thường theo quy định tại Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 110/2002/NĐ-CP ; vận động viên bị chết thì người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng bằng mức quy định hiện hành của pháp luật về bảo hiểm xã hội đối với đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc;

“Vận động viên không thuộc đối tượng tham gia BHXH khi thôi làm vận động viên được hưởng trợ cấp một lần. Mức trợ cấp một lần được tính bằng số năm (12 tháng) làm vận động viên tập trung (tính cộng dồn) nhân với 1,5 tháng (26 ngày/tháng) tiền công trước khi thôi việc. Nhưng thấp nhất không dưới 2 tháng tiền công. Đối tượng này tham gia BHYT theo hộ gia đình” - ông Phạm Lương Sơn nói.

Vận động viên bị chết do tai nạn trong khi luyện tập, thi đấu thì thân nhân được nhận trợ cấp một lần bằng mức quy định hiện hành của pháp luật về bảo hiểm xã hội đối với đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và được bồi thường theo quy định tại Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 110/2002/NĐ-CP .

Thực chất là quan hệ lao động

Thưa ông, chế độ chính sách BHYT cho đối tượng vận động viên đã quy định khá chi tiết. Vậy lý do gì nhiều vận động viên trong loạt bài Dân trí phản ánh vẫn chưa có được thẻ BHYT - một quyền lợi chính đáng?

Như trên đã nói, các chính sách về BHYT đối với vận động viên rất rõ ràng. Điều khó khăn duy nhất tập trung ở nhóm vận động viên không hưởng lương từ ngân sách nhà nước và không thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật về BHXH, BHYT.

Khi giải nghệ, họ cần phải tự mua BHYT, diện tham gia theo hộ gia đình. Nếu không mua BHYT, họ sẽ thiếu đi sự trợ giúp từ chính sách bảo hiểm khi gặp phải sự cố sức khỏe trong cuộc sống thường ngày.


Hiểm nguy luôn rình rập các VĐV khi thi đấu. (Ảnh: An An)

Hiểm nguy luôn rình rập các VĐV khi thi đấu. (Ảnh: An An)

Không chỉ là nhóm vận động viên đã giải nghệ, chúng tôi muốn đề cập tới thực tế nhiều vận động viên bị tai nạn khi còn đang thi đấu, luyện tập nhưng không có BHYT , thưa ông?

Trường hợp này, việc mua BHYT cho vận động viên là trách nhiệm của cả đơn vị chủ quản, đơn vị quản lý vận động viên và từ ý thức của vận động viên. Theo đó, việc tham gia BHYT cho vận động viên là hình thức bắt buộc.

Ví như việc phải đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe gắn máy ngoài đường hiện nay.

Xin được nhấn mạnh, mối quan hệ giữa đơn vị chủ quản và vận động viên chính là mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động thông qua giao kết hợp đồng lao động.

Đơn vị chủ quản phải có trách nhiệm đóng BHYT cho vận động viên theo đúng quy định của pháp luật về BHYT. Trường hợp đơn vị chủ quản không đóng BHYT cho vận động viên thuộc mình quản lý là vi phạm Luật BHYT năm 2014.

Tại Khoản 3, Điều 49 Luật BHYT năm 2014 quy định: “Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định của pháp luật thì sẽ bị xử lý như sau:

Phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất liên ngân hàng tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.

Nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi của cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của Quỹ BHYT.

Phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng bảo hiểm y tế mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ BHYT”.

Trong lộ trình bao phủ BHYT đối với toàn dân, Bảo hiểm xã hội VN có chủ trương xây dựng các chính sách riêng biệt về BHYT cho nhóm đối tượng vận động viên không, thưa ông?

Tại Khoản 10, Điều 6 Luật BHYT năm 2014 đã quy định: Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ BHYT chi trả. Vì vậy, việc xây dựng gói dịch vụ y tế đối với nhóm vận động viên cũng nên được nghiên cứu thêm.

Tuy nhiên, đây là vấn đề còn rất mới ở VN. Chúng tôi đang tích cực phối hợp với Bộ Y tế để nghiên cứu, xây dựng các gói dịch vụ y tế cơ bản theo nhóm tuổi, nhóm bệnh và nhóm đối tượng đặc thù.

Các tai nạn xảy ra trong luyện tập, thi đấu thể thao đối với vận động viên thực chất là tai nạn nghề nghiệp. Trước đây, Luật BHYT năm 2008 không chi trả đối với trường hợp này.

Luật BHYT sửa đổi năm 2014 đã bổ sung việc thanh toán đối với tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đây là chính sách nhân văn cho mọi người dân nói chung và vận động viên nói riêng khi tham gia BHYT. Nó đòi hỏi tính tuân thủ pháp luật để bảo vệ chính mình.

Vận động viên muốn bảo vệ chính mình thì cần có ý thức tham gia BHYT. Đó là quyền lợi và trách nhiệm của tất cả mọi người, mọi tổ chức.

Xin cảm ơn ông

Hoàng Mạnh (thực hiện)